Icon Collap
...
Trang chủ / Mẹ cứu giúp chúng ta

Mẹ cứu giúp chúng ta

Mẹ Hằng Cứu Giúp vẫn luôn luôn cứu giúp chúng ta. Từ thời Đức Piô IX, DCCT đã được một ơn lớn lao, đó là quảng bá lòng sùng kính Đức Mẹ dưới tước hiệu là Mẹ Hằng Cứu Giúp, và từ đó trở đi, hễ DCCT có mặt ở đâu thì lại có việc Hành Hương ĐMHCG, hay Tuần Cửu Nhật kính ĐMHCG.

Người ta đến với các Tuần Cửu Nhật hoặc các buổi Hành Hương, người thì xin được ơn được bình an, ơn khỏi bệnh, người khác lại xin ơn được có công ăn việc làm, ơn được thi đậu, v.v… thỉnh thoảng cũng có không ít người xin cho được ơn ăn năn trở lại, ơn bền đỗ trong đời tu…

Ở Manila, Philippines, cũng có buổi hành hương kính ĐMHCG vào mỗi ngày thứ tư hàng tuần. Mỗi một thứ tư có khoảng 80.000 cho tới 120.000 người đến Đền Thánh ĐMHCG tại Bacclaran. Trong số này, mỗi tuần bao giờ cũng có khoảng 5.000 hay 6.000 người viết thư xin ơn Mẹ, và có khoảng 500 hay 600 người viết thư tạ ơn Mẹ vì đã được Mẹ cho toại nguyện. Vậy phải chăng MHCG, chỉ cứu giúp có khoảng 500 hay 600 người thôi sao? Vậy chúng ta thử nhìn xem Mẹ cứu giúp chúng ta là cứu giúp những gì ? Và ta phải làm sao để có thể nhận được ơn của Mẹ Hằng Cứu Giúp?
Mẹ cứu giúp chúng ta những gì? Ngôn Sứ I-sai-a nói với vùa A-kháp rằng: “Ngươi cứ xin một dấu ở trên trời hay dưới lòng đất”. A-kháp bảo rằng: “Tôi không dám xin, vì tôi không dám thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của tôi”. I-sai-a chỉ mặt ông và nói: “Hỡi Nhà Đa-vít ! Làm phiền lòng người ta chưa đủ hay sao mà các người còn làm phiền lòng cả Thiên Chúa của tôi nữa. Này đây chính Thiên Chúa sẽ cho các ngươi một dấu: Một trinh nữ sữ thụ thai, sinh hạ một con trai, và được đặt tên là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

Nếu ta đọc lại Kinh Thánh, thì ta thấy: Ngay từ thuở ban đầu, Thiên Chúa đã ở với chúng ta rồi. Khi tạo dựng nên chúng ta, Thiên Chúa đã hà hơi Sự Sống để chúng ta được thành người. Rồi trong thời Xuất Hành, khi Mô-sê đi lên trên núi, đang chăn chiên cho nhạc phụ, thì chợt phát hiện ra một bụi cây bốc cháy mà lại không bị thiêu rụi. Tò mò, ông tới gần và từ trong bụi gai cháy ấy, Chúa đã nói với ông: “Ta đã nghe tiếng rên la của Dân Ta tại Ai Cập. Ta cũng thấy tất cả các cảnh mà Dân Ta phải chịu sự hà khắc của đốc công Ai Cập. Ta sai các ngươi đến với Pha-ra-ô”. Mô-sê sợ quá, nói rằng: “Sao Chúa lại sai tôi, tôi chỉ là một đứa con nít”. “Đừng nói người là con nít, Ta sẽ ở với ngươi”.

Mô-sê không biết là Chúa sẽ ở với ông cách nào, thì ngay lúc ấy, Thiên Chúa bảo: “Hãy thả cải gậy ngươi đang cầm ở tay ra”. Ông thả cây gậy, và cây gậy bỗng biến thành con rắn. Ông sợ quá, không biết phải làm gì. Thiên Chúa lại bảo ông: “Cầm lấy đuôi nó”. Thế là ông cầm lấy đuôi con rắn, con rắn lại biến thành cây gậy bình thường. Thiên Chúa ở với ông Mô-sê bằng cách trao cho ông một số quyền năng của chính Người.

Rồi suốt cuộc Xuất Hành đưa Dân vào trong Đất Hứa, lúc thì Thiên Chúa ở với Dân trong áng mây, khi thì Người ở với Dân trong cột lửa. Khi Dân đã định cư thì Thiên Chúa vẫn tiếp tục ở với Dân trong Hòm Bia Giao Ước. Trải dài thời của các Ngôn Sứ, Thiên Chúa vẫn tiếp tục ở với Dân trong những con người được tuyển chọn. Qua I-sai-a, Thiên Chúa nói: “Đừng sợ, nếu ngươi có phải đi qua nước lũ, thì nước lũ cũng không thể cuốn trôi ngươi, ngươi có đi qua lửa thì cũng không hề hấn gì, vì Ta ở với ngươi. Ta đã ký kết giao ước với ngươi. Ngươi là của Ta, Ta là của ngươi. Ta đã gọi đích danh ngươi. Ngươi đã trở nên quý giá trước mặt Ta”. Ngôn sứ nào cũng được Chúa hứa: “Ta sẽ ở với ngươi”.

Nhưng với Tân Ước, tất cả những gì Thiên Chúa đã làm để ở với Dân Người sẽ khác hẳn, sẽ bằng một đường lối mới, một cách thức mới: Trinh nữ sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và ngươi ta sẽ gọi là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Vậy Trinh nữ ấy là Ai, vị Em-ma-nu-en ấy là Ai ? Chắc có lẽ chẳng cần phải nói, thì tất cả chúng ta đều đã biết. Bởi vì ai cũng đã từng nghe nhiều lần trình thuật của Thánh Lu-ca trong Tin Mừng: Khi bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai thiên thần Gáp-ri-en đến một thành thuộc xứ Ga-li-lê, vào nhà một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giu-se, con cháu Nhà Đa-vít để loan báo cho trinh nữ biết rằng: “Bà sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai”.

Đứng trước lời loan báo ấy, Ma-ri-a tỏ ra bỡ ngỡ không hiểu điều gì sẽ xảy ra. Ngay khi đó, thiên thần đã trấn an Ma-ri-a và bảo rằng: “Đừng sợ, Thánh Thần sẽ đến trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà. Bởi thế con trẻ sắp sinh sẽ được gọi là Con Thiên Chúa, Ngài sẽ ngự trị trong Nhà Đa-vít và triều đại Người sẽ vô cùng vô tận”. Biết được đó là ý định của Thiên Chúa, Ma-ri-a đã cúi đầu xin vâng: “Tôi chỉ là tôi tớ của Thiên Chúa, xin hãy làm cho tôi theo như lời Người”.

Và khi dứt lời xin vâng ấy, Thiên Chúa đã có một Người Mẹ ở ngay trên trần gian này, Thiên Chúa đã đi vào trong lịch sử trần gian này và muốn ban ơn cứu độ cho con người. Hơn ai hết, Ma-ri-a là người đầu tiên trong nhân loại này cảm nghiệm được hạnh phúc, cảm nghiệm được phẩm giá của mình, đó là được ở với Thiên Chúa, được cưu mang Con Thiên Chúa, được hoàn toàn nên một với Thiên Chúa. Cho nên chắc chắn Mẹ sẽ chuyển giao niềm hạnh phúc ấy cho chúng ta, sẽ cứu giúp chúng ta, để chúng ta cũng được hạnh phúc như Mẹ.

Hơn thế nữa, tương quan giữa Mẹ với chúng ta không phải là mối tương quan người dưng nước lã, nhưng mối tương quan này đã được Thánh Gio-an miêu tả rõ nét ở trong bài Tin Mừng: Trong khi thoi thóp hấp hối, Chúa Giê-su nhìn xuống thấy Đức Ma-ri-a, Mẹ Người và môn đệ Người yêu dấu, Người nói với môn đệ: “Đây là Mẹ anh”, và Người nói với Đức Ma-ri-a: “Đây là con bà”. Từ giờ phút ấy môn đệ đã đưa Ma-ri-a về nhà mình.

Môn Đệ Gio-an đại diện cho toàn nhân loại và toàn nhân loại này đã được đón nhận Ma-ri-a làm Mẹ của mình. Như vậy, tương quan giữa ta với Đức Ma-ri-a là tương quan giữa con và mẹ, mà Ma-ri-a lại là Mẹ của Chúa Giê-su, Chúa Giê-su là Đầu của tất cả, chúng ta là thân mình của Người, cho nên giữa ta và Mẹ ta có thể dùng lời Ngôn Sứ I-sai-a để mô tả: “Người mẹ nào có thể quên được đứa con mình đã mang nặng đẻ đau đâu ? Và giả sử như có người mẹ nào như thế, thì Ta, Ta sẽ không bao giờ bỏ quên các ngươi”.

Chắc chắn Đức Ma-ri-a cũng sẽ nói với chúng ta như thế. Và khi chúng ta đến với Đức Ma-ri-a thì điều quan trọng nhất, ơn quan trọng nhất mà Mẹ ban cho ta, chuyển cầu cho ta, cứu giúp ta chính là ôm chúng ta vào lòng như đã từng ôm Chúa Giêsu, như đã từng đón nhận Gioan – theo lời trăn trối của Chúa Giêsu- là con của mình.

Tu sĩ DCCT
 
 

Bình luận
error: Content is protected !!