Icon Collap
...
Trang chủ / Không bao giờ được lợi dụng Đức Tin tông giáo để làm cớ cho bạo lực và chiến tranh

Không bao giờ được lợi dụng Đức Tin tông giáo để làm cớ cho bạo lực và chiến tranh

Buổi hội kiến cuối cùng của Giáo hoàng Phanxicô trong ngày đầu tiên ở Sri Lanka là với đại diện của các tôn giáo. “Chúng ta phải rõ ràng và thẳng thắn trong việc yêu cầu cộng đồng mình sống trọn vẹn tinh thần hòa bình và chung sống, vốn là nền tảng trong mỗi tôn giáo, đồng thời phải lên án trước những hành động bạo lực.”

Đức Phanxicô kết thúc ngày đầu tiên sau buổi hội kiến tại Sảnh Hội nghị Quốc tế Bandaranaike khá trễ so với dự kiến, với. Lý do là cuộc hội kiến với tân tổng thống Maithripala Sirisena tại Văn phòng Ngoại trưởng thay vì ở Phủ Tổng thống đã kéo dài hơn dự kiến. Trong hội nghị tại Bandaranaike, Đức Phanxicô được đại diện của bốn cộng đồng tôn giáo lớn nhất nước tiếp đón, họ đóng một vai trò chặt chẽ trong đời sống Sri Lanka: Phật giáo, Ấn giáo, Hồi giáo, và Kitô giáo. Các Phật tử chào đón ngài với bài kinh nghi lễ, và khi ngài hoàn tất bài nói của mình, lãnh đạo của cộng đồng Ấn giáo đã tiến lên đeo một vòng hoa màu cam cho giáo hoàng.

Các Phật tử chiếm 70% dân số Sri Lanka, người Ấn giáo chiếm 12,6%, Hồi giáo 9,7, và Kitô hữu (hầu hết là Công giáo) chiếm 7,4%. Sri Lanka đã nhuốm máu nội chiến suốt 1/4 thế kỷ qua, giữa chính quyền trung ương và người Tamil sống ở vùng phía bắc đảo quốc này. Cuộc xung đột này do động cơ chính trị hơn là tôn giáo. Nhưng khi nội chiến kết thúc, sự bất dung tôn giáo của những người cực đoan xem đặc tính của Sri Lanka là tuyệt đối Phật giáo, đã kỳ thị, và trong một số trường hợp còn có hành động bạo lực, chống lại thành viên của các tín ngưỡng khác như Hồi giáo và Kitô giáo, những người mà họ xem là “kẻ thù.”

Đức Phanxicô nhận thức rõ tình hình này. Trong bài nói, trước hết ngài nhắc lại tuyên bố của Giáo hội Công giáo trong Công đồng Vatican II, về “sự tôn trọng sâu sắc và luôn mãi với các tôn giáo khác” một sự tôn trọng “không bác bỏ bất kỳ điều gì đúng đắn và thánh thiện trong những tôn giáo khác.” Ngài khẳng định rằng, trong tinh thần này Giáo hội Công giáo mong muốn cộng tác để bảo đảm thịnh vượng cho Sri Lanka.

Đức Phanxicô giải thích, “Theo kinh nghiệm cho thấy, để đối thoại và gặp gỡ có hiệu quả, chúng ta phải đặt nền tảng trên sự thực hiện đầy đủ và cương quyết các xác quyết này của chúng ta. Cụ thể là, một đối thoại như thế này sẽ nêu bật sự đa dạng trong các niềm tin, truyền thống và hành đạo của chúng ta. Nhưng nếu chúng ta thật tâm thực hiện tin tưởng của mình, chúng ta có thể thấy rõ hơn nữa những điểm chung giữa chúng ta. Những nẻo đường mới sẽ mở ra cho sự quý trọng lẫn nhau, cộng tác, và tất nhiên là tình bạn nữa.”

Đức Phanxicô nói rằng, “Đã quá nhiều năm trôi qua, người dân ở đất nước này đã là nạn nhân của các xung đột và bạo lực nồi da xáo thịt. Điều cần thiết bây giờ là phải chữa lành và hợp nhất, chứ không phải thêm xung đột và chia rẽ. Chắc chắn rằng thăng tiến hòa bình và hợp nhất là một trách nhiệm cao cả, của tất cả những ai có thiện chí với đất nước này, và tất nhiên là với toàn thể gia đình nhân loại.” Một lần nữa, Đức Phanxicô chỉ ra con đường của cộng tác, làm việc chung với nhau để giúp đỡ người túng quẫn, cũng là con đường đối thoại liên tôn: “Có biết bao nhiêu cách để các tín hữu thuộc nhiều tôn giáo khác nhau có thể hành đạo! Biết bao nhiêu điều cần đến dầu chữa lành của tình đoàn kết huynh đệ! Tôi nghĩ cách riêng đến những nhu cầu vật chất và tinh thần của người nghèo, người cùng cực, những người khắc khoải cần một lời an ủi và hy vọng. Ngay đây, tôi cũng nghĩ đến nhiều gia đình phải khóc thương cái chết người thân yêu.”

Giáo hoàng kết luận, “Vì hòa bình, không bao giờ được lợi dụng đức tin tôn giáo để làm cớ cho bạo lực và chiến tranh. Chúng ta phải rõ ràng và thẳng thắn trong việc yêu cầu cộng đồng mình sống trọn vẹn tinh thần hòa bình và chung sống, vốn là nền tảng trong mỗi tôn giáo, đồng thời phải lên án trước những hành động bạo lực.” Những lời của ngài cũng đồng hưởng với tinh thần của lãnh đạo Phật giáo Sri Lanka, người đã lên án vụ khủng bố ở Paris, trong bài nói riêng dành cho Giáo hoàng.

J.B. Thái Hòa dịch

Bình luận
error: Content is protected !!