Icon Collap
...
Trang chủ / 13 DẤU HIỆU NHẬN BIẾT CHA MẸ “ĐỘC HẠI” ĐANG VÔ TÌNH LÀM HẠI CON CÁI

13 DẤU HIỆU NHẬN BIẾT CHA MẸ “ĐỘC HẠI” ĐANG VÔ TÌNH LÀM HẠI CON CÁI

Có người rất nghiêm khắc và điều khiển mọi khía cạnh cuộc sống của con, có người khác thì lại thoải mái và để con tự có quyết định và lỗi lầm của mình. Gần như chắc chắn rằng mặc dù có nhiều hướng tiếp cận khác nhau, cha mẹ nào cũng muốn những điều tốt nhất cho con cái.

Nhưng thật không may, một số người bố người mẹ lại không thể trở thành những người hỗ trợ và tấm gương tốt nhất. Tất nhiên, cha mẹ nào cũng mắc sai lầm, và không có cách nào đúng cách nào sai khi nuôi dạy trẻ, nhưng có một số lỗi lầm nghiêm trọng hơn những lỗi lầm khác và có thể để lại dấu ấn vĩnh viễn lên đứa trẻ.
Hãy cùng tìm hiểu xem bố mẹ của bạn có thực hiện những sai sót sau đây khi nuôi dạy bạn. Và nếu bạn là một người làm cha làm mẹ, hãy cố gắng tránh 13 hành vi sau đây, vì chúng có thể làm tổn thương con bạn.

1. Không thể tạo dựng một môi trường an toàn và hỗ trợ con

Một số cha mẹ tin rằng tình cảm khó khăn sẽ dạy cho con biết thế giới bên ngoài như thế nào. Tất nhiên, điều này có thể giúp trẻ độc lập hơn, nhưng nó cũng có thể khiến trẻ gặp vấn đề với sự gắn kết và không có mối quan hệ thân thiết nào trong cuộc sống về sau. Sự thật là chúng ta ai cũng cần tình cảm và sự yêu thương. Chúng ta cần có sự đảm bảo rằng, dù có nói hay làm gì, bố mẹ luôn yêu thương ta vô điều kiện.

Bằng cách ấy ta có được dũng khi để thử những điều mới mẻ và hiểu được con người thật của mình (vì ta chỉ có thể học từ những sai lầm). Tình cảm khó khăn không sai, nhưng đó nhất định không thể là hướng tiếp cận duy nhất.

2. Chỉ trích mọi hành động của con

Mọi bố mẹ đều muốn những điều tốt nhất cho con, nhưng nói rằng con luôn sai không phải là cách dạy con lành mạnh. Quá tiêu cực sẽ khiến trẻ không có sự tự tin và động lực để thử những điều mới mẻ. Trẻ con mắc sai lầm và học từ những sai lầm ấy là chuyện bình thường và cha mẹ nên hiểu điều đó. Phán xét quá đà không phải là cách hay. Cha mẹ nên tìm sự cân bằng giữa phản hồi tích cực và tiêu cực, ủng hộ thay vì làm nhụt chí con.

3. Đòi hỏi mọi sự chú ý

Cha mẹ “độc hại” thường nghĩ rằng con cái nợ họ điều gì đó vì họ đã dành quá nhiều thời gian và sức lực cho con. Họ không hiểu rằng con cái cũng có cuộc sống riêng của mình và không phải lúc nào cũng ở bên họ. Vì vậy điều tốt nhất các ông bố bà mẹ có thể làm là cho con một chút không gian và rồi con sẽ tự muốn trở về bên họ. Không có mối quan hệ nào có thể bị ép buộc, ngay cả mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.

4. Nói đùa ác ý

Điều này cũng tương tự với những mối quan hệ bạo hành tâm lý, khi một bên lăng nhục đối phương với một nụ cười trên môi. Châm chọc trẻ và chỉ ra tất cả những sai sót của con có ảnh hưởng rất xấu đến sự tự tin và tự ái của con. Vậy nên nếu bạn là một người bố người mẹ, đừng bao giờ mỉa mai con vì ngoại hình hay hành vi của con. Nếu bạn thật sự quan tâm, hãy nói chuyện với con một cách riêng tư và trưởng thành.

5. Đổ hết lỗi lầm lên con trẻ
Có những bố mẹ cho rằng chính người con là nguyên nhân khiến họ đối xử tệ với con. Nếu bố mẹ bạn có xu hướng bạo hành thể chất hoặc tinh thần, gần như chắc chắn không phải lỗi của bạn, cho dù họ khiến bạn tin như vậy. Vì đa số chúng ta tôn kính bố mẹ và tin mọi điều bố mẹ nói, điều này có thê gây tổn thương sâu sắc đến một đứa trẻ.

Nghĩ rằng bạn đáng phải nhận tất cả những xúc phạm hoặc đòn roi khiến bạn nghi ngờ giá trị làm người của mình. Có thể bạn cũng sẽ tham gia vào một mối quan hệ bạo hành trong cuộc sống tương lai vì bạn nghĩ rằng hành vi như thế là bình thường và bạn không xứng đáng nhận được điều tốt hơn.

6. Không cho phép con thể hiện suy nghĩ và cảm xúc
Chúng ta ai cũng có những lúc vui lúc buồn. Giãi bày mọi suy nghĩ và không kìm nén những cảm xúc tiêu cực là điều rất quan trọng. Những cuộc trò chuyện ấy có thể ngăn chặn các chứng bệnh tâm thần và thể chất. Dạy trẻ với thái độ “con trai không được khóc” là rất không lành mạnh. Khóc và thể hiện cảm xúc giúp trẻ trở nên biết thông cảm, quan tâm và yêu thương trong tương lai. Kìm nén mọi cảm xúc có thể dẫn đến trầm cảm và cô đơn.

Vì vậy, nếu bạn là một phụ huynh, hãy động viên con lên tiếng về cảm nhận của mình.

7. Tỏ ra dữ dằn và đáng sợ
Quy củ và kỷ luật quan trọng ở một mức độ nào đó, nhưng con của bạn không bao giờ nên sợ bạn. Nếu bạn nuôi dạy con trong một môi trường mà mọi chuyện xảy ra đều do lỗi của con và con luôn bị phạt, thì con sẽ trở nên sợ nói chuyện với bạn về mọi chuyện. Điều này cũng ảnh hưởng đến cuộc sống sau này của con, và con có thể sẽ chẳng muốn gần gũi với bạn nữa.

Có một sự khác biệt rất lớn giữa tôn trọng bố mẹ và sợ bố mẹ. Điều quan trọng là tạo một môi trường an toàn và trần đầy yêu thương và khiến con cảm thấy rằng dù có chuyện gì xảy ra, con vẫn luôn luôn có thể nói chuyện với bạn và tìm đến bạn khi cần lời khuyên.

8. Chỉ biết nghĩ cho bản thân
Mỗi người bố mẹ đều nên cân nhắc suy nghĩ và ý kiến của con mình. Tất nhiên, bố mẹ thông minh hơn và biết điều gì là tốt nhất (trong đa số trường hợp), điều quan trọng là phải bao gồm cả gia đình trong quá trình đưa ra quyết định. Dù là đi đâu ăn tối hoặc du lịch, con của bạn cũng nên có tiếng nói. Và nếu cuối cùng bạn lựa chọn điều trái với ý nguyện của con, hãy giải thích cho con vì sao bạn chọn quyết định đó bằng sự bình tĩnh và thấu hiểu.

9. Mong muốn thực hiện ước mơ của mình thông qua con cái
Thật ích kỷ khi bắt ép con làm những chuyện bạn muốn làm khi còn nhỏ. Ví dụ, đừng ép con học ballet nếu bạn từng muốn trở thành nữ vũ công ballet hoặc đừng bắt con học luật vì bạn từng mơ ước trở thành một luật sư thành đạt. Con của bạn là một cá nhân với suy nghĩ, ý tưởng, và thế giới của riêng mình.
Hãy để con có quyết định của riêng mình vì nếu không, sẽ chẳng ai vui vẻ cả.

10. Khống chế con bằng tiền và sự tội lỗi
Bố mẹ không nên mong đợi được đáp lại điều gì khi họ tặng quà hoặc tiền cho con. Là một người bố người mẹ, đừng cố mua tình yêu và sự tôn trọng của con cái. Hãy tìm kiếm và hưởng điều ấy bằng cách khác. Ngoài ra, đừng cố sửa chữa sai lầm của mình bằng tiền hoặc quà. Điều quan trọng là nhận sai và xin lỗi con vì hành động có giá trị hơn lời nói.

11. Giải quyết vấn đề bằng sự im lặng
Ai mới là trẻ con đây? “Giải quyết” một vấn đề hay một cuộc tranh luận bằng cách ngậm chặt miệng lại là một hành đồng rất ấu trĩ và thiếu suy nghĩ. Với bất kỳ mối quan hệ nào, giao tiếp chính là chìa khóa chủ chốt, và bạn phải nói rạch ròi mọi chuyện. Hành vi công kích-thụ động này chỉ dạy cho con bạn những cách thức giao tiếp không lành mạnh mà thôi.

12. Phớt lờ những ranh giới
Nếu một người bố mẹ muốn con cái tôn trọng mình, họ cũng phải tôn trọng con cái. Điều này có nghĩa là tuân theo những ranh giới và thỏa thuận. Nếu bạn là bố mẹ mà không bao giờ đúng giờ, bạn mong đợi con mình sẽ như thế nào? Hơn nữa, hãy cho con một chút không gian và sự riêng tư.
Ví dụ, gõ cửa trước khi vào phòng con, đặc biệt là khi con ở tuổi dậy thì.

13. Ép buộc con chịu trách nhiệm cho hạnh phúc của họ
Đừng là bậc phụ huynh chỉ suốt ngày nói rằng họ đã hy sinh cho con cái nhiều biết bao nhiêu và con cái lại đang chăm sóc họ ra sao. Trở thành bố mẹ là lựa chọn và trách nhiệm của bạn, bạn không thể mong đợi con mình quên đi cuộc sống để chỉ hỗ trợ và mua vui cho bạn.

Đừng trở thành gánh nặng của con, vì như vậy con sẽ không muốn dành thời gian cho bạn đâu. Nếu bạn không vui, hãy làm điều gì đó và đừng trách con cái. Hãy nhớ rằng, tất cả chúng ta đều có trách nhiệm với hạnh phúc của riêng mình.

Có một số cách dạy con rất độc hại và tiêu cực. Chúng có thể để lại di chứng lâu dài lên đứa trẻ, và gây khó khăn cho những mối quan hệ trong tương lai của trẻ. Vì vậy hãy là người bố người mẹ tốt nhất có thể, cho con một mái nhà an toàn, nhưng cũng có đủ không gian cá nhân. Trò chuyện với con về những chuyện quan trọng và cảm nhận của con, nhưng đừng quá khống chế con. Hãy để con gây ra sai lầm và cho con biết rằng có bạn luôn ở bên ủng hộ.

                                                                                                                                    

Người dịch: Thợ Săn Tiền Thưởng
Nguồn: https://www.peacequarters.com/13-signs-toxic-parent-damage-children-without-realizing/?utm_medium=social&utm_source=Facebook&utm_campaign=aoefb

 

Bình luận
error: Content is protected !!