Icon Collap
...
Trang chủ / Nguồn gốc kinh Mân Côi

Nguồn gốc kinh Mân Côi

Kinh Mân Côi gồm có hai phần: tâm nguyện và khẩu nguyện. Tâm nguyện của kinh Mân Côi không là gì khác ngoài sự suy ngắm các mầu nhiệm chính về đời sống, sự chết và vinh quang của Chúa Giêsu Kitô và Mẹ Thánh của Người. Khẩu nguyện của kinh Mân Côi ở tại việc đọc 15 chục kinh Kính Mừng, mỗi chục được bắt đầu bằng một kinh Lạy Cha, và trong khi đọc chục kinh thì suy ngắm cũng như chiêm ngắm 15 nhân đức chính yếu mà Chúa Giêsu và Mẹ Maria đã thực thi nơi 15 mầu nhiệm kinh Mân Côi.

Chúng ta tôn kính và suy ngắm 5 mầu nhiệm vui ở 50 kinh đầu, 5 mầu nhiệm thương ở 50 kinh thứ hai, và 5 mầu nhiệm mừng ở 50 kinh thứ ba.

Như thế, kinh Mân Côi là một hòa hợp thánh hảo giữa tâm nguyện và khẩu nguyện mà chúng ta thực hiện để tôn kính cũng như để học theo những mầu nhiệm và nhân đức của Chúa Giêsu và Mẹ Maria trong cuộc sống, sự chết và vinh quang của các Ngài.

Vì kinh Mân Côi, tự bản chất, được cấu tạo chính yếu bởi kinh của Chúa Kitô và Lời Chào Thiên Thần, đó là kinh Lạy Cha và kinh Kính Mừng, nên kinh Mân Côi phải là kinh nguyện đầu tiên của tín hữu đã đọc qua các thế kỷ, từ thời các thánh Tông Đồ cho đến ngày hôm nay.

Tuy nhiên, vào năm 1214 Mẹ Hội Thánh mới đón nhận kinh Mân Côi như hình thức hiện hành và theo cách thức mà chúng ta đang thực hành như bây giờ. Chính thánh Đaminh đã chuyển đến Giáo Hội kinh Mân Côi mà ngài đã lãnh nhận từ Thánh Nữ Đồng Trinh, như một phương thức công hiệu nhất trong việc làm cho các linh hồn theo bè rối Albigensê và các tội nhân trở lại.

Tôi sẽ kể cho qúi vị nghe câu truyện thánh nhân đã nhận lãnh kinh Mân Côi như thế nào, theo cuốn sách nổi tiếng của chân phước Alan de la Roche, đó là cuốn “De Dignitate Psalterii”. Khi thấy được là tội lỗi nặng nề của người ta lỗi phạm đã trở nên chướng ngại cho việc trở lại của những người theo bè rối Albigensê, thánh Đaminh liền lui vào một khu rừng ở gần thành phố Toulouse để cầu nguyện, liên lỉ ba ngày ba đêm liền. Trong thời gian này, thánh nhân chỉ khóc lóc và phạt xác khổ hạnh hơn, mong làm nguôi cơn giận của Thiên Chúa Toàn Năng. Ngài đã thực hành việc khổ hạnh đến nỗi xác của ngài trở nên rã rời, đến nỗi ngất lịm đi.

Vào chính lúc ấy, Đức Mẹ, cùng với ba thiên thần theo hầu, đã hiện ra với thánh nhân mà nói:

“Đaminh yêu dấu, con có biết Ba Ngôi Chí Thánh muốn dùng khí giới nào để canh tân thế giới không?”

Thánh Đaminh đáp:

“Ôi, lạy Mẹ, Mẹ biết rõ hơn con, vì ngay sau Chúa Giêsu, Con Mẹ, Mẹ luôn là khí cụ chính yếu cho phần rỗi của chúng con”.

Bấy giờ Đức Mẹ nói:

“Mẹ muốn cho con biết rằng, trong loại trận chiến này, khí giới cần phải dùng đến bao giờ cũng là Thánh Vịnh Thiên Thần, viên đá nền tảng của Tân Ước. Do đó, nếu con muốn giảng dạy các linh hồn cứng lòng này và đem họ về với Chúa, con hãy rao giảng Thánh Vịnh này của Mẹ.”

Chỗi dậy, cảm thấy đầy an ủi và bừng lên lòng nhiệt thành muồn cải hối dân chúng ở tại miền ấy, thánh nhân đã đi thẳng đến Vương Cung Thánh Đường. Đột nhiên, các thiên thần vô hình đã đổ chuông để triệu tập dân chúng lại và thánh Đaminh bắt đầu giảng dạy.

Ngay khi ngài vừa bắt đầu giảng, một cơn bão xẩy ra, mặt đất rung chuyển, mặt trời tối lại, đầy những sấp chớp kinh thiên động địa. Còn kinh sợ hơn nữa khi dân chúng nhìn thấy một bức hình Đức Mẹ treo ở một chỗ rất tôn nghiêm giơ hai cánh tay của Người lên trời ba lần như kêu mời cuộc báo oán của Thiên Chúa đổ xuống trên họ, nếu họ không chịu ăn năn hối cải, không chịu cải thiện đời sống của mình và tìm đến nương tựa vào Mẹ Thiên Chúa.

Qua hiện tượng siêu nhiên này, Thiên Chúa muốn làm cho việc sùng kính mới là kinh Mân Côi lan rộng và làm cho kinh này được biết đến hơn nữa.

Sau cùng, nhờ lời cầu của thánh. Đaminh, cơn bão tố chấm dứt và ngài tiếp tục giảng. Thánh nhân đã dẫn giải sự quan trọng và giá trị của kinh Mân Côi một cách hết sức nóng bỏng và lôi cuốn, đến nỗi, hầu như tất cả dân thành Toulouse yêu chuộng kinh này và bỏ đi những tin tưởng sai lầm của họ. Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, thánh này đã cải thiện khác thường; dân chúng bắt đầu trở lại đời sống Kitô hữu và từ bỏ nếp sống xấu xa trước kia.

Trích “Bí Mật Kinh Mân Côi” của thánh Monfort”

Nguồn hddmvn.net

Bình luận
error: Content is protected !!