Bài thánh ca “Chúa không lầm” của linh mục nhạc sĩ Kim Long có những lời như sau: “Chúa không lầm khi Ngài dựng nên con, dù lời Ngài con không giữ trọn. Vì Chúa đã biết từ ngàn xưa, rằng thân con bởi tro bụi và được cưu mang trong tội lỗi. Nhưng lòng Chúa quá bao la, dù cho bao phen con yếu đuối, thành tâm xin ăn năn thống hối, là Ngài lại thứ tha”.
Bài hát diễn tả thân phận tro bụi, nên cuộc đời ai cũng nhuốm bùn nhơ của tội lụy đam mê. Ðiều quan trọng là biết thành tâm ăn năn sám hối thì Chúa lại thứ tha. Và Ngài thứ tha không chỉ 7 lần mà là 70 lần 7, nghĩa là mãi mãi Chúa vẫn tha thứ, miễn là chúng ta thành tâm trở về.
Người ta nói: “Ðánh kẻ chạy đi chứ ai đánh kẻ chạy lại”. Người biết quay đầu luôn được sự khoan hồng tha thứ của cộng đoàn. Và tình thương của Thiên Chúa thì vượt xa muôn vàn tội lỗi chúng ta, Ngài là Ðấng chậm bất bình và rất mực khoan nhân. Ngài có giận thì giận trong giây lát nhưng yêu thương thì suốt đời.
Chúa Giêsu bước xuống dòng sông Giođan chịu phép rửa sám hối là muốn nói đến sự liên đới của Ngài với nhân loại tội lỗi chúng ta. Và qua đây, Ngài cũng nhắc nhở con người hãy biết sám hối để được ơn tha thứ và thanh tẩy nên trong sạch hơn. Chúa Giêsu là Ðấng vô tội mà Ngài còn bước xuống dòng sông cúi mình sám hối. Ðây là hành vi đẹp của Ðấng ngàn trùng chí thánh mà vẫn khiêm nhu như bao tội nhân. Cuộc sống chúng ta cũng vậy, người biết cúi mình nhận lỗi luôn là con người đáng kính trọng. Cha mẹ cúi mình nhận lỗi vì đã làm gương xấu cho con cái. Người lãnh đạo biết cúi mình nhận lỗi là một bài học thật vĩ đại. Ngày 1.1.2020, Ðức Giáo hoàng Phanxicô đã lên tiếng xin lỗi vì mất kiên nhẫn đến bực tức đập mạnh vào tay của một nữ tín hữu sau khi bà chụp lấy tay ngài khiến Ðức Thánh Cha chao đảo như muốn té. Sau đó ngài đã nói: “Kiên nhẫn của tình yêu: tình yêu làm cho chúng ta kiên nhẫn. Nhiều lần chúng ta mất kiên nhẫn; tôi cũng vậy, tôi xin lỗi vì đã làm gương xấu hôm qua”.
Nhưng đáng tiếc, ở giữa dòng đời này lời xin lỗi thật khan hiếm. Ở đâu đó, ta vẫn thấy nhiều cuộc ẩu đả, cãi nhau từ gia đình đến phố chợ chỉ vì chẳng ai chịu nhận lỗi. Hằng ngày ta thấy những người vẫn sống trong tội lỗi mà không bao giờ hoán cải như cờ bạc, ma túy, trộm cắp gian tham…
Sám hối mới có canh tân. Sám hối như là nhịp cầu để mình thăng tiến bản thân và chắc chắn khi từng cá nhân sám hối thì xã hội cũng được canh tân nên tốt hơn.
Chuyện kể rằng: Có một anh nhà báo đã hỏi mẹ Têrêsa một câu hỏi kỳ lạ. Anh ta hỏi rằng:
– Ngay cả mẹ Têrêsa mà cũng phải xưng tội hay sao?
Mẹ trả lời:
– Vâng, đúng vậy, tôi đi xưng tội hằng tuần.
Tỏ ra ngạc nhiên, anh ta nói:
– Chúa chắc phải khắt khe lắm nên một người tốt lành như mẹ mà cũng phải xưng tội.
Mẹ hỏi lại:
– Ðứa con bé bỏng hiền ngoan như thiên thần của anh đôi khi cũng làm điều sai. Vậy anh nghĩ gì nếu một ngày nào đó, con anh đến gặp anh và nói: “Ba ơi, con xin lỗi?”. Anh sẽ làm gì? Anh sẽ vòng tay ôm lấy đứa nhỏ và hôn nó. Tại sao vậy? Vì đó là cách anh nói với con rằng anh yêu nó. Chúa cũng làm như vậy. Tình yêu của Ngài dành cho tôi thật dịu dàng. Do đó khi chúng ta sai phạm điều gì, chúng ta càng cần phải đến gần Thiên Chúa hơn. Chúng ta hãy thưa với Ngài: “Con biết chính tội lỗi đã làm con lìa xa Cha. Con không xứng đáng làm con Cha nữa, nhưng con nài xin Cha hãy tha thứ tội lỗi cho con”.
Chúa là một Người Cha khoan dung. Lòng nhân từ của Chúa còn lớn hơn gấp bội những tội lỗi của chúng ta. Chắc chắn Ngài sẽ tha hết mọi tội cho ta. Như vậy, sám hối rất cần để chúng ta được nên tốt hơn. Không có sức mạnh nào giúp chúng ta kiềm chế các đam mê dục vọng và hướng lòng về Chúa bằng sự thành tâm sám hối các tội đã phạm. Nếu mỗi người biết sám hối và canh tân thì trên trời sẽ vui mừng biết bao.
Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền, GP Xuân Lộc