Hôm nay, nơi Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, đúng ngày tôn kính trọng thể Mẹ Hằng Cứu Giúp, chúng ta lại được chia sẻ với nhau về Mẹ Hằng Cứu Giúp, Người Mẹ vô cùng thân thương gần gũi với chúng ta. Đây quả là một hồng ân cao cả mà Thiên Chúa muốn ban tặng cho cộng đoàn chúng ta qua sự chuyển cầu của Mẹ Hằng Cứu Giúp. Vấn đề được đặt ra cho chúng ta – những người con của Mẹ, cần xác tín rõ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp là một danh xưng hay thực tại?
Quả thật, Đức Maria là Đấng đầy ân phúc- Những tước hiệu, danh xưng được gắn cho Mẹ thật vô cùng phong phú, đa dạng và đa nghĩa. Có những danh xưng nói lên những đặc ân cao cả mà Thiên Chúa tặng ban cho Mẹ như Maria-Mẹ vô nhiễm nguyên tội, Maria- linh hồn và xác lên trời, Maria-Mẹ Thiên Chúa, Maria-Đức Trinh Nữ vương. Cũng có những danh xưng chỉ gắn liền với những địa danh nơi Mẹ hiện ra như Đức Mẹ Lộ Đức, Đức Mẹ Fatima, Đức Mẹ Mễ du, Đức Mẹ La vang, Đức Mẹ Trà kiệu, Đức Mẹ Tà pao, Đức Mẹ măng đen…mà chưa nói lên được đặc ân hay vai trò sứ mạng nào của Mẹ.
Lại có những danh xưng nói lên những phẩm tính của Mẹ như Đức Mẹ Ban ơn, Đức Bà đi viếng, Đức Bà phù hộ các tín hữu..Tuy nhiên, nhìn lại những danh xưng được tặng ban cho Mẹ, khó tìm thấy một danh xưng nào có khả năng diễn tả chính xác nhất về vai trò và sứ mạng của Mẹ đối với nhân loại chúng ta. Nếu phải chọn trong những danh xưng đó một danh xưng phù hợp với Đức Mẹ nhất chắc có lẽ danh xưng Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp là danh xưng phản ánh đúng nhất, bao quát nhất và khá đầy đủ nhất về sứ mạng và con người của Đức Trinh Nữ Maria .
Chúng ta biết rằng danh xưng Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp luôn đi cùng với Linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp mà chúng ta thấy đây. Tương truyền bức linh ảnh này ban đầu được xem là của Thánh Lu ca, người được Đức Mẹ bộc lộ cho biết nhiều bí mật về cuộc đời của Mẹ mà các thánh sử kia không biết. Đến Thể kỷ thứ V, tại Constantinophe lại xuất hiện một bức linh ảnh trứ danh khác có tên gọi là HODEGETRIA (Đức Mẹ dẫn đường). Người ta nói rằng bức linh ảnh này cũng là của thánh Luca.
Đến thế kỷ thứ XII, nhiều họa sĩ trứ danh, từ bức họa HODEGETRIA đã dung hòa Á-Âu để vẽ ra những bức ảnh khác. Trong số những bức ảnh đó có linh ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp của chúng ta đã được người ta tôn sùng cách đặc biệt, nhất là tại đảo Creta. Đến thế kỷ XV bị đánh cắp và có mặt tại Roma và năm 1480 và thuộc sở hữu của một thương gia giàu có. Khi cảm thấy mình sắp chết ông trao lại cho một người bạn thân và muốn trả lại bức ảnh này cho một nhà thờ. Bà vợ của người bạn không chịu nghe theo. Sau những phép lạ xảy ra trong gia đình họ, cuối cùng linh ảnh đã được mang đến nhà thờ Thánh Matthew.
Với cuộc cách mạng Pháp vào năm 1789, nhà thờ Thánh Matthew bị phá hủy, bức linh ảnh biến mất. Tới năm 1863, người ta tái khám phá ra bức linh ảnh này tại một tu viện thuộc dòng Augustino, nhờ Michel Marchi, một linh mục Dòng Chúa Cứu Thế. Đức Giáo hoàng Pio IX đã giao cho các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế đặt trong nhà thờ kính thánh Anphongso, đấng sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế, mới được xây dựng cạnh nhà thờ kính thánh Matthew. Kể từ đó, bức linh ảnh này đã theo chân các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế đi khắp thế giới.
Ngày nay, bức Linh ảnh này được tôn kính đặc biệt trong các nhà thờ Công giáo trên toàn thế giới. Rất nhiều nhà thờ, nhà nguyện, vương cung thánh đường, trường học, bệnh viện, nhà dòng, hội đoàn đã được dâng kính cho Mẹ với tước hiệu Mẹ Hằng Cứu Giúp. Chính Cha Charles de Foucault đã thường xuyên cầu nguyện trước bức linh ảnh này.
Cùng với các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế đến từ Canada, Mẹ Hằng Cứu Giúp đã đến Việt nam vào năm 1925. Kể từ đó, Mẹ đã hiện diện và được tôn kính cách đặc biệt tại ba Đền Thờ dâng kính Mẹ Hằng Cứu Giúp của nhà dòng tại Huế, Hà Nội và Sài gòn. Đồng thời Mẹ đã tuôn đổ muôn vàn ân phúc đến cho những người con yêu của Mẹ. Tại La mã, thuộc tỉnh Bến tre, Mẹ Hằng Cứu Giúp đã xuất hiện như một vị cứu tinh với bao phép lạ kèm theo.
Cùng với các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, Mẹ Hằng Cứu Giúp đã đến với các họ đạo, các gia đình tại Việt nam, ngang qua những kỳ Đại Phúc và tiếp tục thi ân giáng phúc cho những người con yêu của Mẹ. Huyền nhiệm thay Mẹ Hằng Cứu Giúp và ơn cứu chuộc chứa chan nơi Đức Ki tô lại gặp nhau.
Gioan Lưu Ngọc Quỳnh