Icon Collap
...
Trang chủ / “Magnificat – Kính Mừng Maria Đầy Ơn Phúc!”

“Magnificat – Kính Mừng Maria Đầy Ơn Phúc!”

Một cách nhìn linh đạo về Kinh Magnificat
Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời là Đại Lễ mừng kính trọng thể một trong bốn đại tước hiệu Giáo Hội tuyên tín nơi Đức Trinh Nữ Maria: Maria, Mẹ Thiên Chúa (Lễ: 01/01), Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (08/12), Mẹ Hồn Xác Lên Trời (15/08), và tước hiệu Maria, Trọn Đời Đồng Trinh.[1] Mỗi tín điều về Đức Mẹ đều diễn tả những sự thật Đức Tin mà Đức Maria, như một người tín hữu trọn hảo, đã đón nhận và và sống với trong cuộc đời của Mẹ như một tấm gương cho tín hữu trong thế giới hôm nay. Tín điều “Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời” đã được Đức Giáo Hoàng Pio XII công bố vào ngày 01 tháng 11 năm 1950. Bài viết này không nhắm trình bày ý nghĩa của những chân lý về tín điều này, nhưng nhắm chia sẻ một vài tâm tình “đầy ơn phúc” cùng với Đức Maria trong ngày Lễ của Mẹ.
Đại Lễ “Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời,” với người Việt còn là Lễ “Đức Mẹ Mông Triệu,” diễn tả một phần mầu nhiệm “Được Chúc Phúc” của Đức Maria qua lời chào: “Kính Mừng Maria Đầy Ơn Phúc” của người chị họ Ê-li-za-bét. Thánh sử Luca ghi lại biến cố này, và chắc chắn đây không chỉ là những lời chào hỏi xã giao bình thường, và càng chẳng phải là những lời khen tặng thuần túy được tưởng tượng ra, mà đây là một sự thật đức tin về Mẹ Maria và về nhân loại chúng ta. Đôi dòng suy niệm dưới đây xin gợi ý về bốn khía cạnh Đức Maria đã nhận ra qua việc Chúa làm để tâm hồn Mẹ vang lên lời Kinh Magnificat.

1.       Mẹ đã nhận ra và ca ngợi Thiên Chúa muôn ngàn đời yêu thương và xót thương dân Người:

“Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia, dành cho những ai kính sợ Chúa(Lc 1:50).” [2]
Sau khi vâng lời mang thai “Con Thiên Chúa,” Mẹ Maria, dù muốn dù không, đã bắt đầu mở ra một tương quan đa chiều kích: tương quan với bản thân- suy nghĩ về thân phận và cuộc sống từ ngày hôm nay trở đi của mình; tương quan với “Con Thiên Chúa” trong lòng Mẹ – mang thai lần đầu và mang thai khác thường; tương quan với người chồng mẫu mực Giuse; tương quan với người thân; và tương quan với Lời Hứa cũng như vận mệnh của dân tộc Israel. Nói cách khác, Mẹ Maria ‘bị’ đặt vào thế phải suy nghĩ về những tương quan này. Để hiểu và sống bình an với đa chiều kích tương quan này, có lẽ cậy dựa vào đức tin, hay tiếp tục cậy dựa vào đức tin là một lựa chọn tốt nhất. Đức tin là thứ duy nhất ở đây làm cho mọi sự có lô-gích khi Maria phải sắp xếp tất cả các tương quan này. Đón nhận đức tin là đi vào một tương quan thầm lặng cùng Thiên Chúa – “Mẹ hằng suy niệm ‘mọi sự’ trong lòng.”

Khi nhận ra mình ở giữa đa chiều kích tương quan, Mẹ đã chọn tương quan chủ đạo với Thiên Chúa để tiếp nhận và thăng hoa những chiều kích tương quan khác mà Mẹ đang đối diện. Chắc chắn chính khi đó Mẹ bắt đầu bước vào một hành trình khám phá huyền nhiệm rộng lớn hơn: khám phá về truyền thống dân tộc, khám phá về lời hứa của Thiên Chúa dành cho Israel, khám phá về thân phận con người vốn đã được kể bằng biết bao nhiêu câu chuyện buồn, và quan trọng nhất là khám phá về Thiên Chúa. Với “Con Thiên Chúa” trong lòng, Mẹ Maria bắt đầu nhận ra Thiên Chúa hằng yêu thương nhân loại vô ngần, và không còn nghi ngờ gì nữa, với biến cố đấng Messiah sinh xuống làm người, Thiên Chúa đã chứng minh Ngài ‘xót thương’ dân người biết bao.
Đức tin của Đức Maria, người Mẹ và người Chị của chúng ta, đã mở ra một tầm nhìn bao la nơi chúng ta. Nhân loại, qua Đức Maria, đã nhìn thấy dáng dấp của một “Ông Chủ Trần Gian.” “Của đau con xót” là tâm tình của người cha theo cách diễn đạt của văn hóa Việt; vì người cha trực tiếp làm ra của cải, và sinh ra con, nên khi mất của thì đau và khi con đau thì xót. Thiên Chúa là Đấng trực tiếp tạo dựng nên trời đất và quan trọng hơn người tạo dựng nên con người, nên Thiên Chúa không muốn những gì Ngài tạo nên và chúc phúc cho tất cả tươi đẹp, lại trở nên mất, hư nát và kém ý nghĩa; cũng vậy Ngài yêu thương con người vô hạn, nên rất xót xa khi thấy con người đau khổ lầm than. Trong tâm tình của Thiên Chúa, trần gian luôn tươi đẹp cho dầu nó còn hạn chế và còn đang tiến trình tiến hóa. Với con người, Ngài vẫn hằng tỏ tình yêu và lòng thương xót, bằng chứng là Ngài đã ban “Con Một” cho trần gian; tuy nhiên, cần có những người có đức tin vững mạnh, tình thương của Ngài mới được biểu lộ dạt dào. Đức Maria là người phụ nữ duy nhất được chọn để sinh “Con Một” và Mẹ cũng là người đầu tiên nhận ra, trong đức tin, tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa.
Với Đức Maria, tâm hồn nhân loại, qua những người tin, đã tìm thấy “Ông Chủ Của Cuộc Đời,” đó chính là Thiên Chúa. Thiên Chúa không bao giờ lấy mất tự do của con người, nhưng Ngài hướng con người tới những phương thế để con người cảm nhận được tự do đích thực. Và một trong những phương thế để con người có tự do đó là Ngài mời gọi con người sống hòa bình. Mẹ Maria cũng đã nhận ra chiều kích này ở tâm tình tiếp theo.

2.       Mẹ đã nhận ra và ca ngợi Thiên Chúa thực thi hòa bình và công lý 

Chúa lật đổ người quyền thế xuống khỏi ngai vàng, và nâng cao những người phận nhỏ. (Lc 1: 51-52)
Có lẽ khi suy niệm và cảm nhận cách Thiên Chúa chọn để sinh xuống trần vốn chọn thân phận mọn hèn của mình, Đức Maria đã được mở ra với một chân lý đức tin mới. Sinh ra và lớn lên trong một đất nước nhỏ bé đang bị đô hộ bởi người La-mã cùng với sức mạnh của pháp đình, quân đội, và văn hóa bành trướng của họ, Đức Maria hẳn đã cảm nhận sâu sắc thân phận của những người nhỏ bé đơn côi. Đi sâu một chút vào tìm hiểu văn hóa và truyền thống tôn giáo của dân tộc mình, Đức Maria đã không khỏi xót xa khi bao nhiêu cuộc lưu đầy và bao lần thần bụt ngoại bang tràn về mà tổ quốc của mình phải gánh chịu. Có trí khôn biết suy nghĩ, hẳn Đức Maria đã thấm thía khi cảm nhận xã hội nhỏ bé của mình được vận hành bằng sức mạnh do ước vọng của một số người, và nghe phong phanh đâu đó nhóm này nhóm kia muốn dùng võ lực để tìm giải pháp hóa bình. Giờ đây qua biến cố “Con Thiên Chúa” chọn chính cung lòng nghèo hèn bé nhỏ của mình để được sinh ra, Đức Maria như muốn reo lên trong tâm hồn, vì Mẹ đã nhận ra cách Thiên Chúa muốn thực thi hòa bình.

Tiến trình thực thi hòa bình với Đức Maria trước hết là tin và nhận ra Thiên Chúa đang âm thầm lặng lẽ tác động sức mạnh thần linh vô song của Ngài lên những thế lực trần gian kiêu căng lộng hành. Với Đức Maria, chiến thắng của người bé mọn đối với những người quyền thế cao sang chính là cách Thiên Chúa chọn người bé mọn để sinh “Con Một!” Với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, Đức Maria đã âm thầm nhận ra nét tinh tế, vừa lung linh huyền ảo cũng lại vừa mỏng giòn dễ bể, của lòng người, đó chính là lòng khao khát thánh thiêng nơi tâm hồn mỗi con người. Dù là quyền thế cao sang hay là thấp bé nghèo hèn, con người có một điểm chung, đó là luôn luôn khao khát sự thánh thiện, khao khát được sờ chạm vào sự thánh thiện, và khao khát được nhìn nhận trong sự thánh thiện.
Lời kinh Magnificat “dẹp tan những ai thần trí kiêu căng”và “Chúa lật đổ người quyền thế xuống khỏi ngai vàng” là cảm nhận thầm kín của Đức Maria về sự thất bại của những thế lực của trần gian không cậy dựa nơi Thiên Chúa. Có lẽ Đức Maria cũng đã nhìn thấy tận thẳm sâu tâm hồn của những “ai thần trí kiêu căng” và “người quyền quý” cũng đang có một khao khát thánh được che đậy bằng những bỏ bọc khác nhau và được thể hiện bằng những cách thức sai lệch. Họ cũng khao khát được đón Chúa sinh ra; họ cũng muốn được chia sẻ trị vì quyền uy và sức mạnh của Thiên Chúa; họ cũng muốn được Chúa nâng tầm lên trong cuộc đời. Nhưng Thiên Chúa đã không theo những toan tính của họ vì Ngài không hẹp hòi, thiển cận, ích kỷ, sợ hãi, và khoa trương như họ. Thiên Chúa không thể chiều lòng một số “người con đặc biệt” này của Ngài được (những người quyền thế cao sang) vì Ngài không nỡ để thế giới này bị biến dạng, để cho sự hiện diện của Ngài bị lu mờ, và không thể để cho những con người Ngài dựng nên bị giảm phẩm giá (những người nghèo); vậy nên Ngài đã hành động làm bất ngờ tất cả những cái đầu thông thái nhất và những khao khát quyền lực nhất.
Sự thánh thiện và phẩm giá con người không thể được đón nhận và định đoạt bằng chiến tranh bạo lực, bằng bất công cố ý, hay bằng sự coi khinh con người. Mọi nỗ lực thể hiện mình, nếu rời xa con đường thánh thiện công chính và rời xa phẩm giá của con người, trước sau gì cũng sẽ tàn lụi. Với Mẹ Maria, ngày ấy đã tới khi Thiên Chúa quyết định để “Con Một” của Ngài được sinh ra nơi một thiếu phụ đơn sơ nghèo hèn. Tâm hồn mẹ ca khúc khải hoàn, không phải khải hoàn của một cuộc chiến nhỏ, hay khải hoàn của những phe phái nhất thời, hoặc ngay cả khải hoàn của người bị áp bức trên người áp bức theo tinh thần của một cuộc cách mạng, mà là khúc khải hoàn vinh thắng của trần gian: một trần gian hiển hiện có Thiên Chúa. Với Mẹ, có Chúa là có bình an, và bình an phải khởi đi từ cảm nhận thánh thiêng mạnh mẽ nhất về sự hiện diện của Thiên Chúa. Và công lý là việc đến sau, dựa trên nền hòa bình phổ quát này trong lòng người.
Với Mẹ Maria, công lý hẳn phải đồng nghĩa với phẩm giá của con người được tôn trọng; hay nói cách khác, đó là sự trả lại phẩm giá cho con người. Lời kinh Magnificat, “và nâng cao những người phận nhỏ,”diễn tả sự quan tâm của Mẹ Maria. Thiên Chúa chọn sinh “Con Một” nơi cung lòng mẹ là một hình thức Ngài đã dành đoạt lại phẩm giá cho tất cả mọi con người, trong đó, đặc biệt là những người bé nhỏ nghèo hèn. Sự thật chỉ một lần “Con Thiên Chúa Sinh Ra” và Ngài đã chọn người nghèo để sinh ra, chính là giá trị vĩnh hằng-bất biến về bản tuyên ngôn phẩm giá con người. Phẩm giá con người gắn liền với hình ảnh của Thiên Chúa và sự hiện diện của Thiên Chúa nơi sự sống và hơi thở của chúng ta. Ắt hẳn “người quyền thế bị lật ngai vàng” và “người giàu sang trở về tay trắng” cũng là thánh ý yêu thương của Thiên Chúa, vì nếu không bị “lật” và không “trở nên nghèo” thì có lẽ người ta sẽ chẳng bao giờ cảm nhận được Thiên Chúa yêu thương, và qua đó có khi lại mất chính “phẩm giá đích thực” trong sự quyền quý và giàu sang của mình. Thiên Chúa xây dựng cộng đồng con người nhưng không bao giờ muốn mất một tâm hồn tuyệt đẹp nơi con người mà Ngài đã tạo nên.
Với Mẹ Maria, Thiên Chúa yêu thương quyết định phẩm giá cho con người, và phẩm giá con người liên quan trực tiếp đến công lý. Hòa bình là tôn trọng phẩm giá của nhau, và công lý là dành lại phẩm giá đã bị coi thường và bị chà đạp. Thế nên công lý không thể được định đoạt bằng việc chà đạp lên phẩm giá, dù là phẩm giá của một thiểu số, hay là của một con người, nếu không phải là sự hy sinh tự nguyện của chính bản thân nhóm nhỏ hoặc con người đó. Mẹ Maria đã nhìn thấy lỗ hổng rất lớn về loan truyền nền hòa bình và thực thi công lý nơi các nhà lãnh đạo trần gian, những người cố tình đẩy Chúa ra khỏi cuộc đời. Với Mẹ Maria, lời kinh Magnificat nơi tình yêu Thiên Chúa thể hiện trong “người bé nhỏ” đã khơi dậy nền hòa bình, khơi dậy giấc mơ công lý, và đem lại một niềm hy vọng phổ quát cho con người và cho trần gian. Những lời tiếp theo của kinh Magnificat thể hiện niềm hy vọng của Mẹ Maria.
3.       Mẹ Maria đã nhận ra ca ngợi Thiên Chúa kiện toàn niềm hy vọng của dân người
Hy vọng có thể được hiểu là kéo vào hiện tại một sự mới mẻ là dáng dấp của một tương lai để thực tại cuộc sống có thêm động lực tiến lên gặp thực tại lớn hơn trong tương lai. Hy vọng khác với ước vọng ở chỗ hy vọng lấy thực tại hiện tại làm chỗ dựa và tiến vào một tương lai có thể nắm bắt được. Còn ước vọng có khi là vì một thực tại hiện tại không như mong đợi, nên ước vọng trở nên mặt trái của thực tại hiện tại, có nghĩa là ước vọng đi xa, loát li như một năng lực đoạn tuyệt với thực tại hiện tại. Dù cả hy vọng và ước vọng đều phát xuất từ lòng khát khao của con người và đều có điểm chung là làm cho tinh thần con người phấn chấn hơn, thì hy vọng mới là thực tại bền vững. Tuy nhiên để có hy vọng, con người phải đảm bảo một sự liên tục trong cuộc sống để cả tâm thức, hành vi và phong tục tập quán đều không bị đứt đoạn hoặc bị bỏ rơi. Đây chính là một thử thách to lớn của con người. Nếu cuộc sống thiếu hy vọng, con người sẽ phát sinh rất nhiều phương thức thay thế, mà những phương thức nhất thời này thường ít mang lại hòa bình bền vững cho con người. Nhưng nếu muốn có hy vọng, con người phải có một điểm cậy dựa; nếu không, tất cả cũng chỉ là ước vọng viển vông.
Trở lại với lời của Mẹ Maria, “Chúa đã cho người đói khát no đầy ân phước,”một điều có thể nhận ra, đó là Mẹ Maria đã tìm thấy niềm hy vọng cho “người đói khát.” Cái đói khát ở đây không dừng lại ở đói khát thể lý, không không dừng lại ở tâm lý, có lẽ cũng không phải là lý trí, mà là đói khát của cả hiện sinh người. Người nghèo rất cần bữa ăn cho ấm bụng, rất cần tấm áo mặc cho ấm thân, rất cần sự quan tâm giúp đỡ cho ấm tình; nhưng một bữa ăn ngon, một tấm áo, một lời động viên hay một câu nói ý nghĩa, không đủ để thay đổi được vận mệnh người nghèo tận căn. Cái gì người nghèo phải xin, phải chờ bố thí, phải được đắp vào thì cái đó chưa phải là căn cốt làm cho người nghèo có hy vọng. Người nghèo phải có cái gì đó, liên tục nơi họ, không cần thêm bớt, mà vẫn làm họ vui, thì thứ đó mới là quý giá và đem đến niềm hy vọng cho họ. Mẹ Maria đã có lời giải đáp cho câu hỏi hiện sinh này, và câu trả lời chính là Chúa, qua việc “Con Một” sinh ra với thân phận nghèo hèn. Người nghèo, nếu có lòng tin, không phải ra khỏi thân phận của mình để đón nhận “ân phước”. Chính sự hiện diện và chúc phúc của Thiên Chúa trong thân phận nghèo của họ là sự liên tục với những người “đói khát” để được “đầy no.”
Mẹ Maria không giàu có hơn về mặt vật chất từ khi mang thai “Con Thiên Chúa.” Mẹ Maria cũng không được khoác lên tấm áo vinh dự nào ngay khi mang thai Con Chúa. Mẹ Maria cũng không nhận được nhiều niềm an ủi hơn. Mẹ Maria cũng không trở trở thành uyên bác hơn với kiến thức trần gian. Mẹ vẫn là con người đơn sơ như ngày nào. Nhưng nơi Mẹ đã có sự thay đổi, đức tin của Mẹ đầy hơn; hành trình của Mẹ có Chúa; cảm nhận ý nghĩa và sứ vụ cuộc đời của Mẹ đã khác đi nhiều. Ân phúc Mẹ muốn chia sẻ đó là nhận ra Chúa trong cuộc đời. Nơi Mẹ, giấc mơ – niềm hy vọng tìm Chúa đã được lấp đầy. Thế giới của Mẹ đã có sự thay đổi từ bên trong, và sự thay đổi mang tính đức tin này đã tác động hoàn toàn lên hiện sinh của Mẹ. Mẹ đã sẵn sàng cho những sứ vụ mới trong đời vì niềm hy vọng đã trở nên chan chứa nơi Mẹ.
Vận mệnh của nhân loại, theo lối hiểu của Mẹ Maria, phải là một sự thay đổi từ bên trong: một sự nhận thức về khao khát / đói khát Thiên Chúa và cảm nhận đã được Ngài lấp đầy qua Đức Giêsu Kitô Con chí ái của Ngài. Đức Giêsu không sinh xuống nơi người nghèo chỉ để an ủi người nghèo, mà Ngài sinh xuống để cho người nghèo, và tất cả những ai chân thành cảm nhận sự nghèo khó tâm linh của bản thân có cơ hội cảm nhận được sự chúc phúc từ Thiên Chúa. Và khi thế giới bên trong đã thay đổi, hiện sinh người được xác định rõ ràng với tâm tình lạc quan, niềm hy vọng được thắp lên, thế giới bên ngoài sẽ đổi thay; và sự thay đổi này nhanh hay chậm là do cảm nhận thánh thiêng của con người. Cái nghèo vật chất đến từ nhiều nguyên nhân; có những nguyên nhân khách quan chưa thay đổi được ngay; nhưng cũng có những nguyên nhân chủ quan có thể thay đổi rất nhanh chóng. Một thế giới cùng nghèo vì chưa khai thác ra nguồn tài nguyên là cái nghèo khách quan; nhưng một thế giới nghèo vì con người chưa biết chia sẻ, thì thế giới đó có thể thay đổi nhanh chóng khi con người mở lòng và mở rộng hầu bao chia sẻ cho nhau. Hai thế giới nghèo này đều không nên để mất niềm vui và hạnh phúc của cuộc đời có Chúa. Xét cho cùng, thế giới hiện nay nghèo, đa phần vì ta chưa dám chia sẻ, chứ không phải là thiếu tài nguyên.
Niềm hy vọng Thiên Chúa kiện toàn nơi con của người không phải là món quà bố thí mà là hồng ân chan chứa từ nơi Đấng chủ tể tình yêu. Hiện sinh người quý giá biết bao, và Chúa sinh ra con người để con người cảm nhận hạnh phúc, và để chia sẻ tình yêu với nhau xuất phát từ tình yêu Thiên Chúa. Hiện sinh người không phải là nỗi dằn vặt, là đau thương không nguôi ngoai, là bể khổ trần gian… và muôn vàn những khiếm khuyết mà bao dòng suy tưởng và cảm nhận tiêu cực gắn cho hiện sinh ấy. Nếu có phải thiếu thứ gì, Thiên Chúa đang cho ta cơi hội được chia sẻ, đón nhận chia sẻ, để sống chung và sống cho nhau, vì trên hết con người chỉ có thể thể hiện tràn đầy về mình khi chia sẻ tình yêu cho nhau. Chỉ có cái nghèo không được chúc phúc khi con người đầy ứ cái tôi, không còn chỗ cho Thiên Chúa. Và với cái tôi đầy ứ đó, con người đã vận hành cuộc sống và vận hành thế giới này như kho lẫm khư khư, như nhà tù trung thân, như trại mồ côi thiếu tình thương… Cái nghèo đó là cái nghèo thật sự, cái nghèo không hy vọng, cái nghèo thiếu đức tin. Mẹ Maria đã cảm nhận một phần cái nghèo đó.
Lời Magnificat không phải là lời mỉa mai hay thậm chí là lời nguyền rủa cho ai hay một thành phần nào, mà chỉ có thể là lời yêu thương cảnh báo cho những ai sống xa niềm hy vọng Thiên Chúa đang thể hiện nơi dân người. Trên bình diện phổ quát, niềm hy vọng Đức Maria muốn trình bày nơi Kinh Magnificat trở thành kim chỉ nam cho các lãnh đạo quốc gia trên thế giới để họ cùng thay đổi thế giới này theo chiều kích tốt hơn. Và kim chỉ nam ấy phải được áp dụng trước tiên nơi dân tộc của Mẹ và quốc gia của Mẹ. Và những dòng cuối trong kinh Magnificat, Mẹ Maria dành cho dân tộc của Mẹ khi đề cập đến chính giao ước Thiên Chúa sẽ đã kiện toàn nơi Israel.

4.       Mẹ đã nhận ra và ca ngợi Thiên Chúa kiện toàn giao ước với dân người 

Tâm tình ca ngợi trong kinh Magnificat của Mẹ Maria dành những lời cuối cùng cho dân tộc Israel của mình. Nếu lời hứa đem về hy vọng, thì giây phút nhận ra lời hứa được thực hiện sẽ mang đến chứa chan niềm vui. Vì sao dân tộc Israel nhận được lời Thiên Chúa hứa có Đấng Thiên Sai hoàn toàn còn là một huyền nhiệm, và chỉ có thể lý giải được rằng đó chính là do Chúa thương xót hứa ban. Dân Israel sống trung thành với nội dung lời hứa và đón đợi một đấng Cứu Tinh. Tuy nhiên cách thức Thiên Chúa kiện toàn lời hứa (giao ước) hoàn toàn siêu vượt trên sự sắp đặt, tưởng tượng, và tất cả đầu óc quy ước của con người. Nếu Chúa không mặc khải thì dù Ngài có kiện toàn lời giao ước, cũng có mấy ai nhận ra công trình của Ngài. Maria được chọn, và chính Mẹ đã nhận ra giao ước của Thiên Chúa đã được thực hiện nơi Người Con Mẹ sắp sinh ra. Điều này gợi ra nhiều khía cạnh khác nhau về một chân lý tình yêu được mặc khải về Thiên Chúa, và có thể được tóm lại ở hai chiều kích, đó là Thiên Chúa chủ động yêu thương và từ con người chủ động đáp trả bằng đức tin.

Thứ nhất, từ ý tưởng thiết lập giao ước và thực hiện giao ước đều do Thiên Chúa chủ động, dù Thiên Chúa có thể đã không thực hiện được giao ước nếu thiếu vắng sự cộng tác của con người. Điều này gợi lại một sự thật quan trọng bất biến, đó chính là Thiên Chúa tạo dựng mọi sự theo một sự sắp đặt chứ không phải ngẫu nhiên bị hỏng hóc và vá víu, và Ngài tạo dựng vì yêu thương. Tiến trình từ ý tưởng giao ước đến khi giao ước được hiện thực là một tiến trình Thiên Chúa tôn trọng sự tự do của con người và hướng con người về với tương quan yêu thương cùng Ngài. Sự tôn trọng ấy thể hiện nơi lòng kiên nhẫn của Chúa; có nghĩa là, con người cần bao nhiêu thời gian để có thể trưởng thành tự do, Thiên Chúa sẵn sàng chờ đợi. Chỉ có một tình yêu ngay chính siêu việt – yêu để cho đi từ một con tim đong đầy yêu thương, mới có thể làm cho Đấng Tạo hóa kiên nhẫn vô điều kiện với tạo vật mình yêu. Chúa đã đồng hành và chờ đợi con người trưởng thành tự do trong một thời gian dường như vô tận. Lời hứa đã có nội dung trước khi nó được hứa cho Abraham và Israel. Nội dung lời hứa (giao ước) đã gói ghém cùng với ý định yêu thương tạo dựng của Ngài. Đến khi giao ước được thực hiện, chính là lúc Thiên Chúa nhận thấy con người đã có một một sự trưởng thành tự do căn bản. Đại diện cho sự trưởng thành tự do đó chính là Đức Maria.
Đức Maria là hiện thân cho một nhân loại đã đạt tới độ trưởng thành tự do căn bản để có thể đón nhận hiện thực hóa lời giao ước của Thiên Chúa. Trưởng thành tự do của Đức Maria bao gồm ý thức bản thân, ý thức dân tộc, ý thức vào truyền thống của lời hứa và ở một chiều kích cao nhất đó là đặt trọn sự tín thác vào tương quan với Thiên Chúa. Tự do của Đức Maria là một sự tự do hiện thực hóa khả năng tối thượng của con người, đó chính là tín thác trọn vẹn vào Thiên Chúa trong tương quan yêu thương. Đây cũng là chiều kích sâu sắc nhất của đức tin vào Thiên Chúa. Tự do của Đức Maria đồng nghĩa với một đức tin ở cấp độ cao nhất. Thiên Chúa chỉ có thể sinh xuống nơi cung lòng của một con người có đức tin trọn hảo, và chỉ có như vậy, Thiên Chúa mới thực sự là Thiên-Chúa-làm-người. Khi giao ước được công bố là khi tương quan cũng bắt đầu được nhận diện từ phía con người và đức tin bắt đầu chớm nở. Đức tin ấy trưởng thành dần và giao ước cũng sâu đậm hơn. Rồi đức tin ấy được hoàn thiện nơi Đức Maria, cũng chính khi đó Con Chúa được sinh ra làm người.
Điểm thứ hai, về phía con người, chúng ta tham dự vào giao ước bằng đức tin. Giờ đây giao ước căn bản đã được hiện thực hóa; Đấng Cứu Độ đã sinh ra và đã mở ra vương quốc nước trời cho nhân loại. Thậm chí giao ước được trở thành hiện thực vì đã có một con người của đức tin trọn vẹn là Đức Maria mở lòng đón nhận. Với nhân loại hôm nay, nội dung và bản chất của giao ước chính là đức tin, tin vào Đức Giê-su Con Thiên Chúa làm người. Khi ta tin vào Ngài, nước trời sẽ mở ra rộng hơn mãi với cuộc sống chúng ta, và khi ta tin vào Ngài ta cũng sẽ làm chứng cho những người khác cùng tin vào Ngài. Cuộc sống có dáng dấp của vương quốc nước trời hay không, và có đúng bản chất của nó hay không, là do chính đức tin của nhân loại vào Đức Giê-su. Đón nhận đức Giê-su chính là khía cạnh thể hiện nội dung đức tin, đó cũng chính là nội dung của một giao ước mới tiếp tục mở ra với chúng ta. Người muôn đời vẫn còn đó lời mời gọi vào giao ước đức tin, và tương quan tình yêu với Thiên Chúa qua Đức Giê-su Ki-tô. Với thân phận là người Do-thái, Mẹ Maria đã làm đầy ân phúc Chúa ban cho dân tộc mình bằng cách xin vâng để giao ước thành hiện thực. Mẹ đã chính thức mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc và cho loài người.
Qua bốn khía cạnh vừa đề cập từ Kinh Magnificat, nhân loại có thể cảm nhận hình bóng Đức Maria trong đời sống đức tin. Với Mẹ, Thiên Chúa luôn mãi yêu thương con người và nước Ngài đang mở ra trong cuộc sống của mỗi con người. Lời mời gọi mỗi người là hãy tin vào con của Mẹ – Đức Giê-su Ki-tô.
Roma 15/11/2015

Nguồn tin: dongcatminh.org

Bình luận
error: Content is protected !!