Icon Collap
...
Trang chủ / Truyền tin cho Đức Maria

Truyền tin cho Đức Maria

Bà Êlisabét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai thiên sứ Gabriel đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua Đavít. Trinh nữ ấy tên là Maria” (cc.26-27).

Thiên sứ Gabriel là sứ giả của biến cố cánh chung, mở ra thời kỳ của sự hoàn tất, thời viên mãn. Thiên sứ được Thiên Chúa sai đến (tác giả Tin Mừng không nói ngài “hiện ra”) với một trinh nữ. Tác giả Lc mô tả Đức Maria với ba chi tiết: trinh nữ, tên là Maria, và đã thành hôn (hay đính hôn, hay kết hôn, tùy cách dịch). Người ta tranh luận nhiều về việc nên dịch là đính hôn hay thành hôn hay kết hôn. Thực ra, cả ba cách dịch đều… chính xác hoàn toàn. Điều quan trọng nhất, vì thế, không phải là hạn từ tiếng Việt nào cần chọn, mà là điều tác giả sách Tin Mừng muốn trình bày.

Tiến trình lễ cưới của người Do Thái gồm hai bước. Bước thứ nhất là việc kết hôn về mặt pháp lý. Sau việc này, cô gái đã trở thành vợ về phương diện pháp luật, như vẫn còn ở nhà cha mẹ khoảng một năm nữa, và do đó, vẫn chưa có quan hệ tình dục với người chồng. Cuộc hôn nhân đã có giá trị về phương diện luật pháp. Ta tạm gọi là ‘đã kết hôn’. Bước thứ hai: việc đón cô dâu về gia đình người chồng, ở đó, lễ cưới được hoàn thành.

Khi thiên sứ đến, Đức Maria đang ở trong giai đoạn đã kết hôn với thánh Giuse về phương diện pháp luật, nhưng các ngài chưa về chung sống với nhau, và do đó, Đức Maria vẫn là một trinh nữ. Nơi sự già nua và son sẻ của bà Êlisabét, quyền năng của Thiên Chúa đã thực hiện một cuộc sinh hạ lạ lùng, như từng xảy ra trong Cựu Ước nhiều lần. Với sự đồng trinh của Đức Maria, Thiên Chúa thực hiện một sự can thiệp mang bản chất sáng tạo. Cuộc chào đời lạ lùng của Gioan Tẩy Giả thuộc về chuỗi những trường hợp đặc biệt của Cựu Ước, và như thế, với Dacaria và Êlisabét, Thiên Chúa đã làm một “tổng hợp” những sự can thiệp trong Cựu Ước. Nhưng với Đức Maria đồng trinh thì hoàn toàn khác: có một khởi điểm mới, một sự can thiệp hoàn toàn chưa có tiền lệ.

Vậy “thiên sứ vào nhà trinh nữ và nói: ‘Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ơn sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (c.28). Thiên sứ Gabriel đã không gọi Mẹ bằng tên riêng “Maria”, mà gọi là “Đầy ân sủng” (theo văn phạm tiếng Việt, chúng ta phải dịch là “Đấng đầy ân sủng”). “Đầy ân sủng” là lối nói mạc khải cho chúng ta biết Thiên Chúa đã thực hiện điều gì nơi Đức Maria và do đó, Đức Maria đã trở nên điều gì đối với chính Thiên Chúa. Thiên Chúa đã làm cho Mẹ được tràn đầy ân phúc; Người đã ban cho Mẹ tất cả vẻ duyên dáng nhờ những ân điển của Người; Người đã làm cho Mẹ trở thành vô cùng đáng yêu trong mắt Người; và vì vậy, ân huệ của Người và tình yêu của Người luôn hướng về Mẹ; Người bị hấp dẫn bởi vẻ duyên dáng của Mẹ, vẻ duyên dáng do chính Người tạo nên bằng các ân huệ thiêng liêng của Người. Đức Maria đã xứng đáng được Thiên Chúa lưu tâm và yêu mến. Thiên Chúa làm cho Mẹ được tràn đầy ân phúc, đến nỗi tình yêu và sự quan tâm của Người lại bị thu hút bởi chính vẻ duyên dáng của Mẹ, vẻ duyên dáng mà ân sủng của Người đã làm nên. Và đó thực sự là một mầu nhiệm của mối tương quan giữa Thiên Chúa với Đức Maria. Với tất cả sự ngạc nhiên, với tất cả sự thán phục, với tất cả lòng tri ân, chúng ta được mời gọi suy niệm: làm sao Thiên Chúa vĩ đại vô biên và toàn năng khôn lường, lại đã nghiêng mình một cách đặc biệt như thế trên cô thôn nữ Nadarét và đã làm cho cô thôn nữ ấy trở nên xứng đáng với tình yêu của Người như vậy? Đó vẫn thực là một mầu nhiệm vượt quá trí hiểu của con người.

Nghe lời ấy, Đức Maria rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì” (c.29). Sự bối rối ở đây là một yếu tố trong cấu trúc của các trình thuật truyền tin trong Kinh Thánh. Ông Dacaria cũng bối rối (1,12). Nhưng ông Dacaria bối rối vì nhìn thấy thiên sứ (liên quan đến cái nhìn) và ông trải qua một cơn sợ hãi điển hình của những cuộc giáp mặt với một thực tại cõi trời. Trường hợp Đức Maria thì hoàn toàn khác: Đức Mẹ không hề sợ hãivà sự bối rối xảy ra do nghe lời thiên sứ nói (liên qan đến sự nghe). Điều này cho thấy cần phải hiểu câu 29 không phải như một chi tiết tiểu sử, và do đó, không cần phải tìm cách giải thích sự bối rối này theo quan điểm tâm lý học.

Thật ra, với c.29b: “[Đức Maria] tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì”, chúng ta có quyền và cần phải hiểu chi tiết Đức Maria bối rối chỉ là một chi tiết có chức năng chính yếu là văn chương, cho phép thiên sứ đào sâu diễn từ đang được trình bày. Nói cách khác, chi tiết này có vai trò chuyển tiếp từ lời tuyên bố thứ nhất sang lời tuyên bố thứ hai của thiên sứ Gabriel.

Sứ thần liền nói: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu” (cc.30-31). Ơn sủng được nói ở c.28 bây giờ được diễn tả trong một cách nói khác: đẹp lòng Thiên Chúa. Và ơn sủng đó làm nên tư cách làm mẹ của Đức Maria, hay nói cách khác, ơn sủng đó trước hết nằm ở người Con mà Mẹ sẽ sinh hạ từ cung lòng mình.

Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận” (cc.32-33). Các câu này nhấn mạnh sự lớn lao của Đấng sẽ được sinh ra từ cung lòng Đức Maria.

Bà Maria thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” (c.34). Căn cứ vào phong cách văn chương được sử dụng để viết trình thuật truyền tin, và căn cứ vào câu trả lời của thiên sứ ở c.35 tiếp sau, có thể nói: câu 34 này là một kỹ thuật hành văn của thánh Luca, và đảm nhận một chức năng kép. Một đàng, nó có chức năng khẳng định sự thành thai đồng trinh của Đức Giêsu, và đàng khác, nó có chức năng chuẩn bị, về mặt văn chương, cho mạc khải tối hậu về Đức Giêsu ở câu 35.

Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (c.35). Với câu này, tác giả sách Tin Mừng đặt trên miệng thiên sứ Gabriel lời trình bày một truyền thống Kitô giáo rất đậm đặc về nội dung. Ông sử dụng động từ “rợp bóng” để ám chỉ đám mây che phủ Lều Hội Ngộ, dấu chỉ sự hiện diện của Đức YHWH giữa dân Người: “Đám mây che phủ Lều Hội Ngộ, và vinh quang Đức YHWH đầy tràn Nhà Tạm” (Xh 40,35.38; Ds 9,18; 10,34…). Đàng khác, chúng ta gặp ở c.35 lời tuyên xưng đức tin của Hội Thánh tiên khởi, cho thấy sự chờ đợi Đấng Mêsia của dân Do Thái đã bị vượt quá. Quyền năng Đấng Tối Cao và sự rợp bóng của Thánh Thần không xảy đến trên vị vua nhà Đavít, mà là trên thân mẫu Ngài. Và Đấng sẽ được sinh ra lại chính là Con Thiên Chúa.

Kìa bà Êlisabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng.  Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (cc.36-37). Những gì đang xảy ra cho bà Êlisabét chính là dấu chỉ của tính cách hữu hiệu của lời thiên sứ: quyền năng của Thiên Chúa sẽ thực hiện công trình kỳ diệu nơi Đức Maria. Thiên sứ kết thúc câu chuyện với Đức Maria bằng việc khẳng định tính cách hữu hiệu của lời Thiên Chúa nơi Đức Maria.

Bấy giờ bà Maria nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (c.38). Đức Maria diễn tả sự vâng phục tuyệt vời của Mẹ với chương trình của Thiên Chúa. “Tôi tớ của Đức Chúa” là danh hiệu rất phong phú về ý nghĩa, thường được Kinh Thánh áp dụng cho các nhân vật như Abraham, Môsê, Đavít, các ngôn sứ, Vị Tôi Trung đau khổ… Đó là những con người được Thiên Chúa chọn vì dân Người.

Tóm lại, bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta những khẳng định thần học quan trọng về căn tính và sứ mạng của Đấng sắp được sinh ra, đồng thời khắc họa dung mạo của Đức Maria trong tư thế người tin và người tôi tớ tuân phục. Đó cũng là hai thái độ tâm linh căn bản mà chúng ta phải có khi chuẩn bị đón Lễ Giáng Sinh.

Bình luận
error: Content is protected !!