Với biến cố truyền tin, khởi đầu cho ơn gọi của mình, Đức Maria đã thể hiện một cách vâng phục tuyệt vời trước thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa, qua việc chấp nhận bước vào trong cuộc đối thoại với thần sứ và sự vâng phục trong lòng tin trước những huyền nhiệm cao cả mà trí tuệ của con người không sao suy thấu.
Quả thật, trong cuộc đối thoại với Thiên Chúa, qua vị thần sứ Gabriel của Ngài, Đức Maria đã diễn tả sự vâng phục của mình một cách khá rõ. Khởi đầu, đó là việc Mẹ chấp nhận bước vào trong cuộc đối thoại với thần sứ Gabriel. Mẹ không chạy trốn. Mẹ đối thoại thẳng thắn với Ngài. Mẹ đặt ra những câu hỏi, những thắc mắc mà Mẹ không hiểu được với Ngài. Khởi đầu, Mẹ lẩm bẩm : “ Lời chào ấy có ý nghĩa gì”. Mẹ không hiểu câu chào của Thần sứ “ Mừng vui lên, reo vang lên hỡi trinh nữ đầy ân phúc, Thiên Chúa ở cùng bà”. Sao Mẹ phải vui lên? Sao Mẹ lại là Đấng Đầy ân phúc? Sao Thiên Chúa lại ở cùng Mẹ? Tới lúc thần sứ nói với Mẹ “ Này đây trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai…”.Tới đây thì sứ điệp rõ hơn một chút và có lẽ gây choáng cho Mẹ. Mẹ không lẩm bẩm nữa mà Mẹ nói thẳng với thần sứ “ Việc đó xảy ra thế nào được vì tôi không biết đến người đàn ông”. Mẹ nói rõ rằng Mẹ không biết đến người nam có nghĩa là không ăn ngủ với họ. Chắc hẳn Mẹ đã có ý nguyện hay lời thề hứa dâng hiến cuộc đời mình cho Thiên Chúa trước rồi. Như vậy, vâng phục theo Mẹ là một cuộc đối thoại trực diện với Thiên Chúa chứ không phải là sự im lặng hay sự vâng phục tối mặt, bảo sao làm vậy; không chịu suy nghĩ phản tỉnh. Chính nhờ việc đối thoại trong ý thức mà Mẹ càng có được tự do trong vâng phục. Vâng phục có nghĩa là đối thoại.
Muốn nên giống Mẹ trong vâng phục thánh ý của Thiên Chúa, chúng ta phải biết đối thoại với Ngài. Muốn đối thoại được thì phải có khả năng lắng nghe lời của Thiên Chúa như Mẹ đã lắng nghe được lời của sứ thần, dù những lời này khó nghe và dễ gây sốc như đã từng gây sốc cho Mẹ trong biến cố truyền tin. Sau khi đã lắng nghe, chúng ta cần có khả năng biết phản tĩnh, biết đặt những câu hỏi trước những đòi buộc Thiên Chúa dành cho chúng ta trong từ trang Tin mừng, trong từng biến cố của cuộc sống. Rất tiếc là nhiều lúc chúng ta lại chưa bận tâm đủ về giá trị Lời của Thiên Chúa nên chưa chú tâm lắng nghe được sứ điệp của Ngài. Và tệ hơn nữa là chúng ta chưa dám đối mặt để tìm ra những câu trả lời mà những sứ điệp Thiên Chúa đang đặt ra cho chính ta trong từng Lời của Ngài. Nhiều người lại nghĩ rằng Lời của Thiên Chúa cũng giống như lời của một cuốn sách nào đó, kể về những câu chuyện đã qua, những nhân vật lạ hoắc không dính dáng gì đến mình. Trong khi đó, thực chất Lời của Thiên Chúa luôn nhắm tới từng người trong chúng ta và nói cho chính chúng ta. Thiên Chúa không muốn ép buộc chúng ta. Ngài muốn chúng ta được tự do đối thoại với Ngài, đặt những vấn đề chúng ta không hiểu về thánh ý của Ngài để Ngài giải thích cho chúng ta.
Thứ đến, vâng phục không chỉ dừng lại ở việc đối thoại mà còn đi xa hơn nữa khi nội dung cuộc đối thoại vượt quá khả năng suy luận của trí tuệ con người. Trong cuộc đối thoại với thần sứ, Maria càng ngày càng bị dẫn sâu vào trong ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa khiến Mẹ không sao hiểu được. Lời của sứ thần càng ngày càng trở nên bí nhiệm. Ngài nói “ Bà mang thai không phải bởi người nam mà bởi quyền năng của Thánh Thần”. Đến đây thì trí tuệ mộc mạc đơn sơ của Mẹ làm sao hiểu được những lời này. Mẹ bị khựng lại. Nói đến Thánh Thần làm sao lúc đó Mẹ hiểu được Ngài là ai và Ngài làm như thế nào để Mẹ mang thai? Tất cả sự thắc mắc của Mẹ bị chặn đứng và bị làm tắt nghẽn trước những lời giải thích của thần sứ. Mẹ đã đầu phục thần sứ bằng lời FIAT.
Chúng ta biết rằng với lời FIAT trứ danh mà Mẹ thưa lên với thần sứ của Thiên Chúa, Đức Maria đã trở nên mẫu gương sống động về lòng vâng phục đối với thánh ý của Thiên Chúa. Trong tiếng Việt, thuật từ “ FIAT” vẫn thường dịch là “ Xin vâng”. Nhưng đúng ra thuật từ FIAT phải được dịch là “ Xin Chúa hãy làm cho tôi những gì mà Thiên Chúa nói”. Hai lối dịch này có nhiều điểm khác nhau mà chúng ta cần lưu ý. Với kiểu dịch thứ nhất, thuật từ FIAT có nghĩa là “ Xin vâng”. Với kiểu dịch này Đức Maria trở thành chủ thể đáp trả lại thánh ý của Thiên Chúa. Còn với lối dịch thứ hai ““ Xin Chúa hãy làm cho tôi những gì mà Thiên Chúa nói” thì Thiên Chúa chính là chủ thể thực hiện thánh ý của mình chứ không phải là Đức Maria. Như vậy, Mẹ vẫn quyết định nhường hẳn quyền thực hiện những điều Thiên Chúa muốn cho chính Thiên Chúa. Vâng phục giờ không chỉ dừng lại ở việc tế nhận những điều bí nhiệm không sao hiểu thấu mà còn nhường toàn quyền quyết định những điều ấy cho Thiên Chúa. Mẹ buông hẳn cuộc đời mình cho Ngài, để cho Ngài hành động, để cho Ngài dẫn dắt. Đây mới là kiểu dịch chính xác về nội hàm của thuật từ FIAT.
Muốn được nên giống Mẹ trong đức vâng phục, chúng ta cần bước theo Mẹ trong việc tế nhận những điều bí nhiệm mà trí tuệ chúng ta không sao giải thích nổi. Cứ làm theo những gì Lời Chúa hướng dẫn, trong sự tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa, chúng ta sẽ đạt tới đỉnh điểm vâng phục như Mẹ. Chúng ta đừng bắt Thiên Chúa phải hiểu như chúng ta hiểu, phải làm theo những sở nguyện chúng ta cầu, chúng ta muốn. Ngược lại, chúng ta cần buông tất cả cuộc đời mình cho Thiên Chúa tự do hoạt động theo ý của Ngài thì sự vâng phục mới thành toàn nơi chúng ta. Vâng phục theo kiểu này chính là đóng đinh lý trí của chúng ta vào thập giá. Vì lí trí của con người dù sao cũng có giới hạn của nó. Dù cố gắng tới đâu đi chăng nữa thì lí trí cũng không sao đạt thấu những bí mật nơi chính mình huống hồ chi là những bí mật nơi Thiên Chúa.
Tóm lại, vâng phục như Mẹ đó chính là sự đối thoại chân thành, có ý thức, đầy tự do của chúng ta đối với Lời của Thiên Chúa cũng như những ý định của Ngài trên cuộc đời ta. Đồng thời, vâng phục cũng chính là việc chúng ta nhận chân ra những giới hạn của lí trí con người mà tín thác và làm theo những gì Thiên Chúa mời gọi và đòi buộc chúng ta. Nguyện xin Mẹ Maria- Đấng đã vâng phục thánh ý của Thiên Chúa một cách anh dũng, giúp chúng ta cũng được nên giống Mẹ trong việc đón nhận và thực thi thánh ý của Thiên Chúa trên cuộc đời ta. Amen.
Lm Gioan Lưu Ngọc Quỳnh