Icon Collap
...
Trang chủ / Đôi dòng về Tuần Đại Phúc

Đôi dòng về Tuần Đại Phúc

(I) TUẦN ĐẠI PHÚC LÀ GÌ?

Với danh từ Đại Phúc, nghe có vẻ to tát, song thực chất là một tuần Tĩnh tâm đặc biệt, cũng như tu sĩ linh mục và giáo xứ mỗi năm có những ngày dành riêng, bỏ bớt các công việc khác, để hồi tâm lại nghe giảng lời Chúa mà suy xét cuộc đời trong những ngày tháng qua, xem có gì còn vương vất, lấn cấn mà giải tỏa, những sai lỗi, lỡ lầm mà tu sửa lại, và đồng thời để thêm giờ cầu nguyện thân thiết hơn với Chúa mà gắn chặt tình thân với Ngài, lấy sức mà làm một đà tiến mới. Trong cuộc sống bình thường, nhiều vấn đề đã từ từ bị bỏ qua, nhiều cái không tốt đã len lỏi vào, những hăng hái mới mẻ buổi đầu cũng thành ra ù lỳ, trì trệ, tồn đọng lại, rồi nằm yên… nên cần phải có một cái gì đó đến đánh thức, thức tỉnh…

Cũng như thuở xưa, trong dân Chúa, lâu lâu, Thiên Chúa lại gửi đến một vài vị ngôn sứ để thức tỉnh lòng dân, chỉ ra những cái gì xấu xa, dạy bảo đường lối của Thiên Chúa, để dân được đổi mới trong sự trung thành giữ giao ước với Thiên Chúa.

Sách “Đời Sống Linh Mục” của Benoit Valuy, s.j., do Tiểu Chủng viện Hoan Thiện, Tgp. Huế phổ biến (1964, tái bản 2003) và Đức cố Hồng Y Ph.Xavie Nguyễn văn Thuận giới thiệu, có đoạn: “Về Tuần Đại Phúc : (Trích lời Thánh Anphong Ligori) : Tất cả các nhà tông đồ đều công nhận rằng Đại Phúc là phương thế thứ nhất để cải thiện một giáo xứ. Đại Phúc đánh thức giáo dân nhớ đến phần rỗi, đến các chân lý đời đời, sửa chữa những lần xưng tội phạm thánh, khiến người ta hoàn lại của gian, làm hòa với nhau, chấm dứt các gương xấu… Đại Phúc dọn những kẻ Chúa sắp gọi trong năm được ơn chết lành, giúp chính những người sa ngã lại được chỗi dậy… Khi trong thành phố có những vấn đề (ngày nay gọi là những tệ nạn) mà Cha sở không thể sửa chữa được thì Cha sở phải cố gắng cho tổ chức một tuần Đại Phúc.” (Sau đó, sách ấy viết tiếp) : “Chậm nhất là 5 năm một lần, Cha (sở) phải tổ chức một tuần Đại Phúc hay một kỳ tĩnh tâm quy mô. Than ôi ! Có biết bao nhiêu người chỉ xưng tội trong những buổi đặc biệt này.” (tr.95-96).

Xét như thế, thì thấy việc Đại Phúc cố gắng đi theo truyền thống của các ngôn sứ ngày xưa nói trên kia.

Với qui mô một giáo xứ lớn rộng và đông đảo, một vài ngày tĩnh tâm thông thường theo tục lệ hàng năm vào Mùa Chay, với vài bài giảng, một linh mục không có đủ thời giờ và sức lực để khuấy động và làm sống dậy cả một giáo xứ được, nên cần phải có một nỗ lực tổ chức lớn hơn, rộng hơn… Vì thế Đại Phúc muốn đáp ứng cho nhu cầu ấy.

Do đó Đại Phúc là một mục vụ ngoại thường đến để phụ lực với mục vụ bình thường của cha xứ, là một thời gian đem “ơn cứu chuộc chan chứa nơi Chúa” (Tv 130.7) đổ xuống dồi dào.

(II) PHƯƠNG THẾ

Các bài giảng lớn, nhỏ sáng chiều, cũng như những buổi sinh hoạt, hội thảo, những bài nói chuyện với từng giới: thiếu nhi, thanh niên nam nữ, gia trưởng và hiền mẫu v.v…

* Việc giải tội, với những linh mục xa lạ từ nơi khác để, cho giáo dân có những vướng mắc dễ bề giải tỏa hơn…

* Các nghi lễ để mời gọi mọi thành phân giáo dân người mạnh khỏe cũng như đau ốm, già trẻ lớn bé, ngay cả các thai nhi còn trong bụng mẹ, đến hưởng ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa.

* Việc các thừa sai đi thăm viếng các gia đình, nhất là các gia đình bê trễ hay có vấn đề rối rắm, để mời họ đi dự tuần Đại Phúc, như là cơ hội lâu lâu mới có một lần để thu xếp ổn thỏa mọi việc, để họ trở về làm hòa với Chúa và anh em.

* Việc hội họp với các hội đoàn, đoàn thể, để huấn luyện họ làm chiến sĩ, tông đồ hỗ trợ vào công cuộc Đại Phúc. (Xem tập “Khái niệm về Đại Phúc canh tân”, tr.17tt).

(III) TỔ CHỨC ĐẠI PHÚC

Cuộc Đại Phúc diễn tiến theo ba đợt: Tiền Phúc, Đại Phúc và Hậu phúc.

Tiền phúc :

Sau khi được Cha xứ mời và được Nhà Dòng sai đi, thì trong đợt này, khoảng một vài tháng trước Đại Phúc chính thức, sẽ có người trong đoàn Thừa sai đến tiếp xúc và thảo luận với Cha xứ và HĐMV giáo xứ. Mục đích là :

– Trình bày về Đại Phúc và các diễn tiến của nó,

– Tìm hiểu về tình hình giáo xứ, để giúp các Thừa sai nắm vững những nhu cầu, những vấn đề cần thiết của giáo xứ.

– Dùng một ít ngày để huấn luyện những nhóm chiến sĩ và tông đồ cộng tác vào công việc Đại Phúc.

– Soạn thảo chương trình Đại Phúc, rao báo, ấn định ngày giờ v.v….

– Sau đó, sẽ có 3 ngày giảng Tiền Phúc cho giáo xứ để trình bày ý nghĩa và ích lợi và sự cần thiết của tuần Đại Phúc, và để mời gọi tham gia, để thúc đẩy, dọn không khí cho Đại Phúc. Và đồng thời hay ngay sau đó :

– Tổ chức việc Rước các Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp đi thăm viếng toàn thể và từng gia đình trong giáo xứ trong vài tuần. Đức Mẹ đi trước dọn đàng cho Chúa đến, mở lòng người ta đón nhận ơn Chúa.

Đại Phúc chính thức:

– Thường diễn ra trong một (đến hai) tuần lễ: Được khai mạc với nghi thức Đón tiếp các Thừa sai, Trao thánh giá Đại Phúc và dây các Phép, sau khi các Ảnh ĐMHCG đi viếng thăm các gia đình được rước về nhà thờ. (Xem tập Nghi Thức Đại Phúc).

– Sẽ có các bài giảng sáng chiều, các nghi lễ, những buổi họp mặt sinh hoạt các giới: thiếu nhi, thanh thiếu niên, gia trưởng, hiền mẫu; việc giải tội v.v… (như đã trình bày ở mục II trên).

– Bế mạc với nghi thức Ban Ơn Toàn Xá và trồng cây Thánh giá kỷ niệm Đại Phúc.

Hậu Phúc:

Tuần giảng Đại Phúc đã bế mạc, song lại là bắt đầu một thời kỳ sống Đại Phúc gọi là Hậu Phúc, kéo dài khoảng sáu tháng đến một năm: Đoàn Thừa sai sẽ tùy theo yêu cầu của Cha xứ và nhu cầu của giáo xứ mà thay phiên đến giúp những việc sau đâyvới mục đích củng cố cho hoa quả Đại Phúc được vững bền:

– Chẳng hạn thành lập hay củng cố các hội đoàn, giúp học Thánh Kinh hay Bí tích, hoặc vấn đề gia đình, việc tận hiến v.v… Cách đặc biệt, chúng tôi đề nghị lập Liên Gia Cầu nguyện (LGCN. Xin xem dưới cuối, muc Tài Liệu Đại Phúc, bài “Hậu Phúc”.

Kết thúc thời gian Hậu Phúc bằng một tuần hay 3 ngày giảng và làm phúc gần như kỳ Đại Phúc.

(IV) HIỆU QUẢ

– Tất cả là tùy ơn Chúa thương, nhưng cũng phải nói là tùy nỗ lựcï đáp ứng của con người. Ai cũng nhớ dụ ngôn người gieo giống: khi gieo thì gieo cùng khắp, song có hạt rơi bên vệ đường, có hạt rơi và đất đá, vào đất gai góc, chỉ một phần rơi vào đất tốt và sinh gié lúa trĩu hạt… Vậy cụ thể:

– Trước tiên là nhờ Cha xứ (cùng với Hội Đồng Mục vụ của ngài) đảm nhận trách nhiệm làm chủ sự tuần Đại Phúc. Các Thừa sai chỉ đến trợ lực, trong một thời gian ngắn. Trước đây, vì phải tuân theo Giáo luật, buộc các giáo xứ lâu lâu phải có một kỳ Đại Phúc, nên các ngài thường nghĩ rằng, đây là dịp để trao hết trách nhiệm cho các Thừa sai, còn mình đi nghỉ ngơi, không cần có mặt.

Với cuộc Đại Phúc canh tân ngày nay, Cha xứ lại phải là người chủ động, xướng xuất, đôn đốc, theo dõi các diễn tiến của Tuần Đại Phúc, và ngài sẽ tiếp tục sau này những gì mà Đại Phúc đã gieo trồng. Quả thực công việc này rất mệt cho ngài (và cho HĐMV của ngài), nhưng vì lòng thương con chiên mình, hi vọng vị mục tử sẽ sẵn sàng hi sinh, theo gương Thầy Thánh.

– Vì thế, để bớt gánh nặng lo lắng cho cha xứ và giáo xứ, ban Thừa sai Đại Phúc, theo qui định, không nhận bao thơ thù lao, và ngay cả trong việc ẩm thực, ban Thừa sai xin góp lễ bổng của hôm đó để bù đắp vào.

– Tùy tinh thần cầu nguyện của mọi người trong giáo xứ. Do đó phải phát động việc cầu nguyện cho Đại Phúc được kết quả, nơi mỗi cá nhân, trong từng gia đình, nhất là trong toàn giáo xứ vào những giờ ấn định, trước, đang và sau kỳ Đại Phúc. Không có một bầu khí cầu nguyện mãnh liệt, không thể có Đại Phúc kết quả được.

KẾT LUẬN:

Chương trình đề ra thật vĩ đại, Đoàn Thừa sai Đại Phúc cũng chỉ mong đến trợ lực một cánh tay để giúp Cha xứ trong một giới hạn nào đó, còn nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng yêu thương dân Người.

 

Bình luận
error: Content is protected !!