I. Hội Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tại Việt Nam là hiệp hội thuộc Tổng Hội Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và Thánh Anphongso. Tổng Hội này đã được Đức Chân Phước Giáo Hoàng Pio IX thiết lập bởi sắc lệnh châu phê ngày 31 tháng 3 năm 1876
II. Mục đích của Hội
- Hằng ngày tôn kính Đức Mẹ cách riêng với danh hiệu Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp
- Để được Đức Mẹ hằng cứu giúp và ban ơn bền đỗ đến cùng
III. Trách nhiệm của hội viên
- Chính ngày nhập Hội, đọc kinh dâng mình cho Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, mỗi tháng đọc lại một lần
- Chăm lo bắt chước các nhân đức của Mẹ và truyền bá việc tôn kính Mẹ
- Kêu cầu Mẹ cứu giúp trong mọi cơn gian nan khốn khó phần hồn phần xác, nhất là khi bị cám dỗ
- Sáng và tối đọc 3 Kinh Kính Mừng kính Đức Mẹ và 1 Kinh Sáng Danh kính Thánh Anphongso
- Đeo ảnh có hình Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và Thánh Anphongso, đồng thời tôn kính linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp trong nhà mình
- Tìm đọc các tác phẩm của Thánh Anphongso để hiểu rõ hơn trí ý của ngài
IV. Những ơn ích hội viên được thụ hưởng
- Được Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp bảo trợ cách đặc biệt trong suốt cuộc đời, nhất là trong giờ lâm tử
- Được có một phương thế hữu hiệu giúp các tội nhân ăn năn trở lại
- Được hưởng nhờ cách đặc biệt các lời cầu nguyện và công nghiệp lành thánh của Dòng Chúa Cứu Thế và của hội viên toàn thế giới
- Được hưởng ơn Đại Xá với những điều kiện thường lệ (xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng) trong các dịp sau đây:
a. Ngày gia nhập hội
b. Lễ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, 27/6 hàng năm
c. Lễ Thánh Anphongso, 1/8 hàng năm
d. Khi dâng mình cho Đức Mẹ mỗi tháng một lần
e. Khi làm việc kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp mỗi ngày thứ Bảy
V. Tổ chức
- Các Hội Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tại Việt Nam do một Linh mục phụ trách chung được bổ nhiệm bởi Cha Bề Trên Giám Tỉnh để thay mặt ngài xúc tiến việc thiết lập và liên kết giữa các Hội
- Hội trực thuộc một cộng đoàn Dòng Chúa Cứu Thế, Linh mục phụ trách (các) Hội trực thuộc Cộng Đoàn sẽ do Che Bề Trên Cộng Đoàn chỉ định
- Hội được tổ chức theo 2 hình thức:
a. Hình thức thứ nhất: có nội quy và Ban Điều hành, có những sinh hoạt chung như: hội họp, Thánh lễ, tĩnh tâm, hành hương, làm việc kính Đức Mẹ, làm việc tông đồ…
b. Hình thức thứ hai: không có Ban Điều hành và nội quy riêng, không có những sinh hoạt chung. Bất kỳ người nào đủ tuổi khôn, dù ở đâu, có ý muốn gia nhập Hội Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, đều có thể ghi danh với vị phụ trách trực tiếp hoặc qua trung gian một Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế. Các hội viên này chỉ cần chu toàn các trách nhiệm được trình bày trong mục III nói trên.
4. Các Hội theo hình thức thứ nhất được tổ chức theo các quy định sau đây:
a. Mỗi Hội phải có ít nhất 20 thành viên
b. Ban Điều hành gồm 1 Hội trưởng, (các) Hội phó, 1 Thư ký và 1 Thủ quỹ. Thông thường, nhiệm kỳ của Ban Điều hành là 3 năm, các trường hợp đặc biệt sẽ do Cha phụ trách quyết định
c. Cha phụ trách sẽ chỉ định Ban Điều hành sau khi tham khảo ý kiến các hội viên và với sự chấp thuận của Cha xứ (Nếu Hội được tổ chức trong giáo xứ).
d. Các Hội dưới quyền cùng 1 Linh mục phụ trách có thể được liên kết thành Liên Hội có nội quy và Ban Điều hành cũng như có các sinh hoạt chung. Thành phần và việc bổ nhiệm Ban Điều hành Liên Hội cũng được thực hiện như trong trường hợp Hội. Một Hội được tổ chức trong giáo xứ muốn tham gia Liên Hội phải được sự chấp thuận của Cha xứ.
5. Về việc quản lý chi phí hoạt động của Hội
a. Hội Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp là một hội thuần túy đạo đức, vì thế không quy định về niên liễm hay các hình thức đóng góp thường kỳ của hội viên.
b. Khi có nhu cầu về các chi phí cần thiết, Linh mục phụ trách sẽ đưa ra những chỉ thị cụ thể
c. Không được quyên góp nhằm gây quỹ cho Hội hoặc Liên Hội
d. Hội và Liên Hội có thể tiếp nhận những sự dâng tặng cho công việc hay hoạt động cụ thể, nhưng phải báo cáo rõ ràng trong sổ sách khi tường trình cho Cha phụ trách
e. Mọi chi phí cho việc tổ chức các sinh hoạt đều phải đơn giản và tiết kiệm
f. Theo định kỳ 6 tháng một lần, Ban Điều hành báo cáo bằng văn bản với Cha phụ trách về việc thu chi của Hội hoặc Liên Hội. Cha phụ trách có quyền biết về sổ sách của Hội và của Liên Hội.