Icon Collap
...
Trang chủ / Hiền lành và khiêm nhường

Hiền lành và khiêm nhường

Hôm nay Gia đình Công giáo xa quê Hà nội chúng ta đã bước vào ngày tĩnh tâm thứ ba và cũng là ngày kết thúc kỳ tĩnh tâm Mùa Vọng, để chuẩn bị dọn lòng mỗi người đón mừng Con Thiên Chúa đến cách đặc biệt trong Đại Lễ Giáng sinh và trong những ngày Đại hội xa quê sắp tới. Trong hai ngày qua, nhờ ơn trợ giúp đặc biệt của Chúa Thánh Thần, chúng ta đã nhận ra được không phải hai gánh nặng mà là hai gánh tội, hai khối núi khổng lồ đang đè nặng trên đôi vai cuộc đời của từng người. Hai khối núi khổng lồ đó chính là tội kiêu căng ngạo mạn và tội cứng lòng tin, hay nghi ngờ.

Hai khối núi này không chỉ là gánh nặng của từng người mà còn là gánh nặng chung cho toàn thể nhân loại. Chúng ta đang phải vất vả gồng lưng, gồng cả người để chìa vai ra để vác lấy. Đây cũng là hai căn bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan vô cùng nguy hiểm đang tấn công và có khả năng gậm nhấm, làm tê liệt và hủy diệt không chỉ riêng nhân loại mà cả vũ trụ này, nhất là đối với người tín hữu chúng ta.

Tự sức riêng mình, chúng ta không thể nào vác nổi hai khối núi khổng lồ này. Nhưng nhờ Đức Giê su ki tô và trong Đức giê su Ki tô, Đấng đã từng phá nát và hủy diệt tận gốc sự kiêu căng ngạo mạn và sự nghi ngờ kém tin của con người bằng tấm lòng khiêm nhường, hiền hạ thẳm sâu và bằng một sự vâng phục phi thường Thánh ý của Chúa Cha đến nỗi Ngài đã bằng lòng chấp nhận cái chết và là một cái chết cách tất tưởi nhục nhã trên cây Thập tự, chúng ta sẽ vượt thắng những gánh nặng này.

Chính Đức Giê su Ki tô, giờ này đây và tại Thánh đường này, trong Lời quyền năng của Ngài đang mời gọi chúng ta “ Hỡi tất cả anh chị em xa quê đang lam lũ, vất vả gồng gánh nặng nề, hãy mang hai khối núi khổng lồ đó và mọi lo âu khác đến với Tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh chị em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học  với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh chị em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái và gánh tôi nhẹ nhàng”.

Vâng lời Đức Giê su Ki tô-Đấng đã yêu thương ưu ái những người con xa quê cách đặc biệt, chúng ta hãy đến của Ngài. Hãy quẳng hai gánh tội khổng lồ đó và mọi thứ tội khác cho Ngài nơi Bí tích Hòa giải. Tâm hồn chúng ta sẽ được bình an. Chúng ta hãy mang lấy ba cái ách : ách hiền lành, ách khiêm nhường, ách vâng phục của chính Đức Giê su Ki tô để có thể mang được mọi thứ gánh nặng trong cuộc đời mình.

Ách hiền lành

Chúa Giê su đã được sánh ví như một con chiên hiền lành bị đem đi xén lông, sát tế mà vẫn không hề phản kháng kêu la. Đức Giê su, Đấng hoàn toàn vô tội, Đấng chuyên lo làm ơn, làm phúc cho muôn dân, Đấng giảng dạy những chân lý cao cả bất diệt. Vậy mà, Ngài đã bị vu khống, kết án một cách oan sai nghiệt ngã, bị vây bắt như một kẻ tội đồ, bị lôi đi xềnh xệch và xô lên đạp xuống như một tội phạm, bị  la hét, nhạo báng, vả má, nhổ nước bọt vào mặt, bị đánh đòn, bị đội mão gai, bị lột hết quần áo một cách trần trụi và treo lên trên cây thập giá và chết một cách ô nhục giữa thanh thiên bạch nhật cho bá quan nhạo cười. Ngài bị dân chúng, kể cả những đồ đệ thân tín, được cưng chiều nhất phản bội, bán đứng, chối bỏ. Ngài có cảm tưởng như ngay cả Cha Ngài cũng bỏ rơi mình. Nhưng Ngài đã không một lời oán trách mà phó nạp tất cả cho Thánh ý của Chúa Cha. Ngài còn xin Cha tha thứ cho những kẻ làm hại mình và biện minh, bào chữa cho họ “ Xin Cha tha cho chúng vì chúng không biết việc mình làm”(Lc 23,34). Như vậy, người hiền lành là người ý thức rõ những hành vi độc ác người khác làm cho mình nhưng không chấp tội họ, kể cả những tội tày đình nhất.

Đức Giê su không chỉ là con chiên hiền lành mà còn là vị mục tử nhân lành. Ngài chăm lo cho từng con chiên. Chiên lạc, chiên hoang, chiên ngỗ ngược Ngài lo đi tìm và vác trên vai đưa về dạy dỗ, chiên ốm, chiên bệnh Ngài lo săn sóc, bồi dưỡng. Người hiền lành là người sống có trách nhiệm và lo chu toàn trách nhiệm một cách tốt nhất, không quát tháo, la mắng, không giận dữ bỏ bê người khác, dù họ có ngỗ ngược sai lỗi với ta. Nếu chúng ta thật sự mặc lấy tâm tình hiền lành của Chúa Giê su thì mọi núi cao của sự nóng nảy, giận dữ, thóa mạ, vu khống, kết án trong ta sẽ bị tận diệt và tâm hồn chúng ta sẽ được thư thái bình an.

Ách khiêm nhường

Đức Giê su đã là mẫu gương tuyệt vời về lòng khiêm nhường thẳm sâu mà chúng ta phải học. Ngài ý thức rõ mọi sự Ngài có đều do Cha, nhận từ Cha Ngài, dù rằng Ngài vốn dĩ là Thiên Chúa. Do ý thức rõ tất cả những gì mình có đều nhận từ Cha nên Đức Giê su đã làm tất cả mọi việc cho Cha và vì Cha và do Cha, dù có những việc làm khiến Ngài thổn thức, sợ hãi. Dù là Thầy nhưng Đức Giê su đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ, kể cả người sẽ nộp mình và chối mình.

Như vậy, khiêm nhường theo kiểu của Đức Giê su là người luôn ý thức mọi sự mình có như sức khỏe, tài năng, trí tuệ, sắc đẹp, của cải, lòng đạo đức, hy sinh… đều là quà tặng nhưng không của Thiên Chúa tặng ban cho mình. Nhờ vậy, mà họ không bao giờ dám vênh vang lên mặt với người khác.

Vì ý thức rõ tất cả những gì mình có đều là ân ban của Thiên Chúa nên những người khiêm nhường đích thực luôn biết sử dụng tất cả những tài năng, của cải, sức lực, trí tuệ mình có để phục vụ cho lợi ích và cho vinh quang của Nước Thiên Chúa.

Bước theo Đức Giê su, người khiêm nhường là người dám hủy mình ra không, không kể gì danh dự, danh giá cá nhân, miễn làm sao có thể trở thành người phục vụ, hay nói đúng hơn là những người nô lệ cho người khác, kể cả những người phản bội bán đứng mình.

Như vậy, người mặc lấy tâm tình hiền lành của Đức Giê su phải là người luôn ý thức những gì mình có đều là do ân huệ Chúa ban và biết dùng những ân huệ đó để làm vinh danh Chúa, làm đúng ý của Chúa. Đồng thời, họ có khả năng hạ mình đến mức anh hùng, không ngại gì đến danh dự của mình chỉ mong sao được phục vụ và trở thành người phục vu, người đầy tớ cho người khác.

Ách vâng phục

Tin là đón nhận tất cả những gì Đức Giê su dạy mà còn là đón nhận chính Đức Giê su  một cách chân thành vào trong cuộc đời mình. Hiểu như vậy, vâng phục cũng có nghĩa là tín thác. Và để tín thác đời mình cho Cha, Đức Giê su đã vất vả dải dầu để học cho được thế nào là vâng phục và đã vâng phục đến nỗi bằng lòng đón nhận lấy cái chết tất tưởi, ô nhục trên Thập giá. Chúng ta cũng vậy. Muốn học bài học vâng phục đức tin chúng ta cũng phải vất vả dãi dầu, trầy xa tróc vảy mới có thể chấp nhận cái chết đau đớn không chỉ về thể lý, lý trí mà còn về cả ý chí của mình để cho Thánh ý của Thiên Chúa được thực hiện nơi ta và trong ta.

Vâng phục trong đức tin là đón nhận tất cả những gì xảy đến, kể cả những gì oan khiên, đớn đau nhất đều không nằm ngoài ý định của Thiên Chúa. Đây quả là điều không dễ tí nào. Chúng ta biết rõ, Thiên Chúa không làm những điều ác, điều dữ cho con cái, nhưng Ngài cũng phải cho phép ma quỷ thử thách lòng tin của chúng ta theo yêu cầu của nó như trường hợp ông Job vậy. Lòng khiêm nhường thẳm sâu là điều kiện tất yếu không thể thiếu được đối với những ai muốn lãnh nhận được một lòng tin nguyên tuyền từ Thiên Chúa.

Chúng ta hãy san bằng những khối núi khổng lồ còn ngăn cách chúng ta đến với Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta hãy học nơi Chúa Giê su, để mặc cho mình bộ trang phục của sự khiêm hạ và sự vâng phục trong đức tin hầu để chúng ta xứng đáng đón chờ Chúa đến trong đại lễ Giáng Sinh sắp tới.

Gioan Lưu Ngọc Quỳnh, CSsR

Bình luận
error: Content is protected !!