Chúng ta đang sống trong một thế giới lan tràn sự ác, chúng ta đang bị nô lệ cho sự ác mà không hề hay biết. Chúng ta đẩy Thiên Chúa ra khỏi thế giới, ra đất nước, ra khỏi cuộc đời, ra khỏi gia đình, ra khỏi chính mình. Chúng đang tư dìm thế giới này vào ngục tù tội lỗi, để rồi sự ác làm bá chủ thống trị con người.
Thật đáng thương cho một thế giới đang bị mù…bởi vì đôi mắt bị che đi bởi sự tàn nhẫn, dối trá…
Thật đáng thương cho một thế giới đang bị điếc…bởi vì đôi tai chỉ biết nghe vào ma quỷ…
Thật đáng thương cho một thế giới đang bị câm…không ai dám bước ra khỏi sự an toàn của mình lên tiếng chống sự ác…
Mẹ Hằng Cứu Giúp ơi! Xin cứu thế giới này…để nó được sống lại như Chúa Giêsu đã Phục sinh…
Hôm Thứ Bảy Tuần Thánh, chính quyền cộng sản Trung Quốc, vốn đang thảo luận với Vatican về một thỏa thuận liên quan đến việc bổ nhiệm các giám mục, đã ban hành trên mạng internet một lệnh cấm bán Kinh Thánh. Bốn ngày sau, họ ban hành cuốn sách trắng đầu tiên về tự do tôn giáo trong 21 năm, chỉ một tuần sau khi đẩy Đức Giám Mục Vincent Guo Xijin của Mindong ra khỏi giáo phận của ngài trong một vài ngày của Tuần Thánh.
Một thông báo phát hành trên Weibo của Trung Quốc (tương tự Twitter) đã cấm các hiệu sách trực tuyến, chẳng hạn như Tabao và Dangdang (tương tự Amazon) của Trung Quốc, bán sách Kinh Thánh.
Mọi người tìm kiếm Kinh Thánh trên các trang web này đều nhận được thông báo: “Xin lỗi, không có sẵn sản phẩm nào trong danh mục này”.
Một nhà quan sát lưu ý rằng có một quy tắc đã tồn tại từ rất lâu, theo đó Kinh Thánh không thể được bán công khai hoặc trên mạng internet ở Trung Quốc, nhưng việc giám sát sự thực hiện quy tắc này đã được làm ngơ qua nhiều năm.
Nhà quan sát này ghi nhận: “Có thể chính phủ chỉ cho phép Kinh Thánh được bán trong các nhà thờ – có vẻ như chính phủ đã bắt đầu làm cho vấn đề này trở nên nghiêm trọng.”
William Nee, một nhà nghiên cứu của tổ chức Ân xá quốc tế, nói với ucanews.com rằng chính phủ Trung Quốc nên ngay lập tức đảo ngược lệnh cấm bán Kinh Thánh của họ và đảm bảo rằng tất cả các Kitô hữu và mọi người khác đều có thể thực hành đức tin mà không bị chính phủ can thiệp hoặc đe doạ.
Ông nói: “Đối với một chính phủ vừa tuyên bố ủng hộ tự do tôn giáo, thật vô lý khi cuốn sách cốt lõi của một tôn giáo lớn trên thế giới – Kinh Thánh – không thể tìm thấy trên các trang thương mại điện tử lớn của Trung Quốc.”
Sách trắng
Sách trắng ghi nhận số lượng người thực hành tôn giáo là 200 triệu người, tăng gấp đôi con số 100 triệu trong sách trắng trước đây được công bố vào năm 1997. Chính phủ nói có 6 triệu người Công giáo, 38 triệu người Tin Lành và 20 triệu người Hồi giáo.
Nhưng những số liệu khác được phát hành trong những năm gần đây cho thấy chính phủ Trung Quốc đang phủ nhận số lượng những người thực hành tôn giáo bằng cách loại trừ hàng chục triệu người thuộc tất cả các giáo phái Kitô giáo bên ngoài nhà thờ quốc doanh do nhà nước điều hành.
Sách trắng mô tả quyền lực của Đảng cộng sản trên tôn giáo là cần thiết cho sự độc lập của Trung Quốc, và nói rằng các tôn giáo “phương Tây” như Kitô giáo “từ lâu đã bị kiểm soát bởi thực dân và đế quốc.”
Sách trắng cũng nhấn mạnh rằng các nhà lãnh đạo Hồi giáo ở Trung Quốc phải giữ những tín đồ của họ trong một khoảng cách rõ ràng với các quan điểm cực đoan.
Trong một động thái hiếm hoi, Chen Zongrong, nguyên phó giám đốc Văn phòng Tôn giáo của Nhà nước, đã đặt vấn đề trên các phương tiện truyền thông không chỉ về sách trắng mà còn về các cuộc hội đàm giữa Vatican và Bắc Kinh.
Chen nói rằng ông không đồng ý rằng sự ngăn cản Vatican kiểm soát việc bổ nhiệm các giám mục sẽ cản trở tự do tôn giáo.
Chen nói rằng Bắc Kinh đang nỗ lực phối hợp để đưa ra một thỏa thuận với Vatican về việc bổ nhiệm các giám mục, nhưng Vatican nói thỏa thuận như vậy không phải là sắp xảy ra. Trung Quốc sẽ chọn các ứng cử viên giám mục nhưng Đức Giáo hoàng sẽ có quyền phủ quyết – một sự sắp xếp để kết thúc việc bổ nhiệm các giáo sĩ đối lập.
Không có ý tưởng mới đáng kể
Ying Fuk Tsang, giám đốc Trường Ba Ngôi của Trường Cao đẳng Chung Chí tại Đại học Trung Quốc của Hồng Kông, nói với ucanews.com rằng không có những ý tưởng mới đáng kể trong sách trắng, mà về cơ bản chỉ là nhắc lại quan điểm chủ chốt của bài nói chuyện của Chủ tịch Tập Cận Bình tại Hội nghị Công tác Mặt trận Thống nhất Trung ương và Hội nghị Quốc gia về Công tác Tôn giáo vào tháng 5 năm 2016.
Ying nói: “Vì sách trắng không phải là một tài liệu chính sách nên nó chỉ là một lời tuyên bố và báo cáo về lập trường của chính phủ, không có ý nghĩa nhiều đối với việc bảo vệ tự do tôn giáo.”
Ying lưu ý rằng sách trắng cuối cùng về tôn giáo đã có 21 năm trước và kể từ khi Tập lên nắm quyền vào cuối năm 2012, “có nhiều động thái mới trong chính sách tôn giáo. Những điều này được bao gồm trong sách trắng như là một minh chứng cho các lập trường về các hoạt động tôn giáo trong kỷ nguyên Tập và một phản ứng với thế giới bên ngoài, vốn đang đặt câu hỏi liệu Tập có thắt chặt thêm các hạn chế đối với tự do tôn giáo hay không.”
Ying cho biết số Kitô hữu đuọc ghi trong sách trắng chỉ là con số chính thức và người ta tin rằng các thành viên của các Giáo hội hầm trú và các Giáo hội tại gia không được bao gồm trong đó.
“Đối với các nhà thờ Tin lành, theo cuộc điều tra dân số các hộ gia đình do Học viện Khoa học Xã hội thực hiện năm 2008, con số này là 23,5 triệu người, nhiều hơn 14,49 triệu và tăng 64,8%. Con số này phản ánh xu hướng gia tăng của các nhà thờ Tin Lành,” Ying nói. Ông nhấn mạnh rằng các quan chức sẵn sàng chấp nhận con số ngày càng tăng này.
Or Yan Yan, một cán bộ dự án của Ủy ban Tư pháp và Hoà bình của Hồng Kông, cho biết các nhà thờ đang phải đối mặt với các cuộc càn quét từng người một. Những người dưới 18 tuổi cũng bị cấm vào nhà thờ.
Or Yan Yan nói bà đã được thông báo rằng nhiều trang mua sắm trực tuyến ở Trung Quốc đại lục đã phải gỡ bỏ Kinh Thánh khỏi danh sách các sản phẩm của họ.
Bà hy vọng cộng đồng quốc tế sẽ không tin vào chính sách “hai mặt” của Trung Quốc. Sách trắng đề cập đến việc quản lý các vấn đề tôn giáo theo luật pháp nhưng cái gọi là luật pháp ở Trung Quốc không phải là để bảo vệ tự do tôn giáo của công dân mà là để theo dõi và kiểm soát các tôn giáo, bà nói.
Or Yan Yan cho biết nhiều quy định và luật pháp được thực hiện trên đại lục, đặc biệt là các quy định sửa đổi về vấn đề tôn giáo, đã vi phạm hoàn toàn việc bảo vệ tự do tôn giáo được tuyên bố trong khuôn khổ Công ước quốc tế về quyền con người.
Bà nói thêm, cuốn sách trắng này sử dụng từ ngữ rất đẹp để mô tả nguyên tắc “độc lập, tự chủ và tự quản”, tuy nhiên bà lưu ý nguyên tắc này chủ yếu không phải tôn trọng việc hội nhập văn hóa, quyền tự trị và bản chất của Giáo hội mà là tiêu hủy điều cốt yếu của Giáo hội và nguyên tắc đức tin.
Sách trắng nói rằng các cộng đồng tôn giáo sẽ được hướng dẫn để chấp nhận và ủng hộ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, trong khi Cục Tôn giáo mới đây được sáp nhập vào Bộ phận làm việc của Mặt trận Thống nhất.
“Nhiệm vụ chính trị đã được Đảng Cộng sản chỉ định cho các tôn giáo và tương lai của các tôn giáo chỉ có thể vận hành theo hướng phục vụ chính trị”, Yan Yan nói.
Cha Joseph, một linh mục thuộc Giáo hội hầm trú, tin rằng cái gọi là tự do tôn giáo là “tự do dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản” vì đảng nói lời tối hậu về mọi thứ. Ngài thẳng thắn lưu ý rằng ít nhất là việc chuyển đổi sang Công giáo thuộc giáo hội quốc doanh không phải là tự do.
Ngài nói: “Ở Trung Quốc, Giáo hội Công giáo không được phép tồn tại một cách hợp pháp, vì chỉ có giáo hội độc lập, tự lập và tự quản là đang được công nhận, nhưng đó không phải là Giáo hội Công giáo thực sự.
Một người Công giáo hầm trú được gọi tên là Gioan mô tả cuốn sách trắng là “nhảm nhí, đầy dối trá, chơi đùa với những từ ngữ và một vỏ bọc bằng chất phủ đường để lừa Vatican và người nước ngoài”.
“Chỉ có một số người phương Tây tin những gì được nói trong đó, nhưng những người quen thuộc với tình hình quốc gia Trung Quốc sẽ coi đó là một trò đùa”, ông nói thêm.
Lạy Mẹ, xin hãy cho lời Chúa mở trái tim chúng con để chúng con biết từ bỏ cái ác, biết đón nhận Chúa vào trong thế giới này qua lời của Ngài. Amen
Michael Sainsbury và các phóng viên ucanews.com, Hồng Kông
Ngọc Huỳnh chuyển ngữ