Hòa chung tâm tình hân hoan mừng lễ Chúa Cứu Thế, một thánh lễ được Dòng Chúa Cứu Thế trên khắp thế giới mừng một cách trọng thể vào Chúa Nhật thứ ba trong tháng bảy.
Để hiệp thông với nhà dòng, Gia đình sinh viên Công giáo Thái Hà và giới trẻ thừa sai Chúa Cứu Thế đã cùng với cha linh hướng Gioan, hiệp dâng thánh lễ vào lúc 20h ngày 14 tháng 7, tại Đền Thánh Giêrađô, để cùng tạ ơn Thiên Chúa và cầu nguyện cho các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế.
Mở đầu bài giảng, cha Gioan đã chia sẻ và Ngài đã đặt cho chúng ta một câu hỏi:
“Hầu hết các dòng tu được thiết lập và mang danh các vị thánh như dòng Đaminh, dòng Phanxico, dòng Vinh Sơn,…hoặc những dòng được thiết lập bởi những mục tiêu định sẵn như dòng Bác Ái, dòng Mến Thánh Giá,…
Vậy tại sao Dòng Chúa Cứu Thế do Thánh Anphongso sáng lập lại không mang danh của Ngài, mà lấy tên dòng là Dòng Chúa Cứu Thế?
Thứ nhất: Điều đó khởi đi từ sứ vụ Ngài được Chúa Giêsu gieo vào lòng, đó là cảm thức về ơn cứu độ thế giới. Và Ngài đã thực hiện sứ vụ đó qua việc giảng đại phúc, cứu giúp những người nghèo khổ,…Ngài ý thức rõ việc quan trọng nhất mà Thiên Chúa đến thế gian, đó chính là cứu độ thế giới.
Thứ hai: Ngài muốn đi theo con đường của Đấng Cứu Thế, để được tham dự vào sứ mạng cứu thế giới.
Thứ ba: Chỉ có một mình Chúa Giêsu là Đấng cứu độ duy nhất, ngoài Người ra không có một vị thần nào khác.
Thứ tư: Ngài muốn đặt dòng của mình dưới sự bảo trợ của Đấng Cứu Thế và muốn những người con của mình phải đi theo Chúa Cứu Thế. Nghĩa là phải theo khuôn mẫu của Đấng Cứu Thế, sống như Đấng Cứu Thế và chết như Đấng Cứu Thế. Nhờ đó, sẽ được tham dự vào sứ mạng cứu thế giới cùng với Thầy Chí Thánh của mình.
Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy rõ: Thiên Chúa sai Con Người đến để cứu thế gian, chứ không phải đến luận phạt và hủy diệt. Chính vì vậy, Chúa Giêsu chấp nhận mình là một thành phần của thế giới, đến ở để chia sẻ những đau khổ, những tội lỗi của thân phận con người; những ngổn ngang, những sự dữ trong thế giới đầy thương tổn này.
Sau khi trở nên như một con người trong thế giới, thì Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng và sống một đời sống mới. Ngài chữa lành bệnh tật, xua đuổi ma quỷ, làm cho mọi người tin Ngài là Đấng Cứu Thế, để ai tin vào Ngài thì được sống đời đời. Và Ngài đã chấp nhận hy sinh cả mạng sống mình để làm chứng cho những điều mình rao giảng.
Là tu sĩ của Dòng Chúa Cứu Thế, đừng bao giờ đứng nhìn, hãy nhập cuộc, hãy bước vào trong cuộc sống của những người anh chị em mình – là những con người đang than khóc vì đau khổ. Hãy làm những gì họ đã làm, sống những gì họ đã sống. Hãy bước ra khỏi ranh giới của bản thân, của nhà dòng mình để đến rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh tật, xua đuổi ma quỷ và làm cho người ta tin rằng Đấng Cứu Thế đang ở với mình. Hãy chấp nhận chết đi, thối nát đi như một tội nhân thì mới có thể cứu được họ.
Cuộc đời Thánh Anphongso gắn liền với 3 trung tâm của Chúa Giêsu:
Thứ nhất: Ngài đã nhập thể trong thế giới này, như chính Chúa Giêsu, để quyện mình vào trong đau khổ của thế giới con người.
Thứ hai: Ngài sống mầu nhiệm tử nạn, thương khó và say mê tình yêu của Chúa Giêsu trên thập tự giá. Ngài chấp nhận mọi thử thách, mang lấy những vết thương của Chúa Giêsu, Ngài ôm lấy những đau khổ, tội lỗi của nhân loại dâng lên ngai tòa Đấng Cứu Thế.
Thứ ba: Ngài đòi con cái Ngài phải sống mầu nhiệm Chúa Giêsu Phục Sinh nơi Bí tích Thánh Thể.
Trong hồng ân của Đấng Cứu Thế, chúng ta cầu xin Chúa ban chúng ta 3 ơn:
Ơn thứ nhất: Xin Chúa Giesu cho chúng ta biết đón nhận Ngài là Đấng Cứu Thế và trung thành với duy nhất một mình Ngài.
Ơn thứ hai: Xin Đấng Cứu Thế cho chúng ta biết vững tin và sống theo khuôn mẫu của Chúa Giêsu.
Ơn thứ ba: Xin Đấng Cứu Thế cho chúng ta được tham dự vào sứ mạng cứu thế của Ngài, để tình yêu thương của Ngài được tỏa rạng nơi chúng ta.
Nguyện xin Thần Khí Chúa đốt lửa tâm hồn mỗi người chúng con, để chúng con biết khao khát ơn cứu độ và ra đi làm chứng cho ơn cứu độ của Chúa, để ngọn lửa Chúa Cứu Thế được bùng lên, cháy sáng trong gia đình, trong cộng đoàn,…để mọi ngõ ngách tận cùng của thế giới đều biết đến Thiên Chúa là Đấng Cứu Thế. Amen”.
Hoimehangcuugiup và St Alfonso