DUY TRÌ CHƯƠNG TRÌNH THIÊN CHÚA
Tội của một tạo vật không thể biến đổi những dự định của Thiên Chúa bất di bất dịch.
Sau sự sa sút ban đầu, chương trình của tạo hóa vẫn tồn tại nguyên tuyền: loài người vẫn được mời gọi sống thân mật với Thiên Chúa, họ chỉ có thể tìm thấy thế quân bình hoàn toàn ở trạng thái siêu nhiên đầu tiên mà Chúa đã đặt cho họ.
Vì thế loài người luôn luôn bất mãn, Dù có những thú vui trần thế, loài người vẫn luyến tiếc những hoan hỷ trong lạc viên xưa.
Loài người mất công thiết lập những hệ thống triết học, kinh tế xã hội, để cho mình được sung sướng trên trần gian: họ sẽ gặp hết thất bại này đến thất bại khác, vì họ còn thiếu một yếu tố quan hệ là việc phát triển nảy nở tâm hồn trong tình thân thiết với Thiên Chúa, hay nói cách khác, trong đời sống ân sủng của Chúa.
SỰ DI TRUYỀN VÀ NHỮNG HẬU QUẢ CỦA NGUYÊN TỘI
Thật ra chúng ta không để ý mấy đến việc ADong phạm tội, chúng ta chỉ uất ức và tức bực vì chính chúng ta đã phải sa đọa.
Đây là điềm làm bận trí khôn ta hơn hết, y như khi ta dây mình vào một cuộc tranh chấp nào vậy
Này, chúng ta là nạn nhân do sự vụng về của một người họ hàng rất xa chỉ vì tội một người , tội chúng ta không hề dính líu vào mà chúng ta lại phải ngu dốt, phải đau ốm, phải chết! Thế ra Thiên Chúa phạm tội đại bất công sao?
Mấy tư tưởng sau đây có lẽ sẽ giúp ta giải quyết thắc mắc này:
– Trước hết chúng ta nên biết rằng trong những điều thắc mắc trên, người ta chỉ để ý đến những ơn ngoại nhiên mà không xét gì đến ân sủng.
Được làm con Thiên Chúa, tham dự vào sự sống riêng biết của Thiên Chúa, đối với họ không có gì đáng kể, nhưng khỏi đau răng, giải được một bài toán đó là điều khiến họ vui sướng.
Như vậy là thu hẹp những dữ kiện của vấn đề một cách vô lý và tự đưa đến chỗ không thể giải quyết được vấn đề.
– Hơn nữa thực ra chúng ta có hành động khác ADong chăng? Chúng ta có giữ cho mình những ơn siêu nhiên ông ADong đã được chăng? Hay là nghĩ đến tội lỗi riêng chúng ta, chúng ta phải thú nhận chúng ta cũng đã tệ bạc với Chúa như ADong.
Bởi vậy do tội chúng ta, chúng ta thực đã đáng chịu vì tội một người khác. Như vậy là có gì khác nhau lắm không?
Nếu chúng ta so sánh những tai họa do nguyên tội với những tai họa do nguyên tội với những tai họa do tội riêng ta, thì cán cân có luôn luôn nghiêng về một bên chăng?
Vậy ta nên để cho nguyên các người công chính được quyền nghiên cứu những vấn đề về nguyên tội và phê phán nó. Và sau khi biết ý kiến của những vị Thánh, chúng ta hết sức kinh ngạc vì các Ngài đã vui nhận tín điều nguyên tội và những kết quả do những tội đó
– Chúng ta lại phải hạn định cho đúng những sự tổn thất và nên nhớ rằng: chúng ta chưa mất một ơn tự nhiên nào vì nguyên tội, tất cả các cơ năng của ta hãy còn nguyên tuyền.
Thực ra Thiên Chúa chỉ rút lại những ơn nhưng không, tuy rằng thích hợp nhưng không cần thiết cho bản tính của ta thôi.
Vậy, nếu Chúa không ban ơn hay nếu Chúa đặt những điều kiện di truyền ơn đó thì có già là bất công?
Chúng ta có trách một vị đế vương chỉ ban tước quý tộc cho dòng họ nào có người trưởng tộc xứng đáng chăng?
Và khi người trưởng tộc đã vong ân, vì đế vương, vì lòng nhân hậu, định tha lỗi và cho những người trong dòng họ người đó một ơn trọng đại hơn nữa thì ai dám bảo là bất công? Thế mà chính Chúa đã làm như thế. Chúa ban cho ta Chúa Kito để tha tội cho ta “Ôi tội hạnh phúc vì đã ban cho ta một Đấng Cứu Thế quý trọng biết bao”
– Sau hết muốn hiểu tường tận nguyên tộ, chúng ta phải trở lại luật tương hỗ, màu nhiệm nhưng thực sự, chi phối sự chuyền vận các tinh tú và sự phát triển các tế bào trong thể xác ta.
Luật đó xác định mọi người đồng nhất trong người đầu tiên.
Đã hay rằng, vì luật đó chúng ta phải chịu những kết quả do nguyên tội cũng như do tội của kẻ khác nhưng chúng ta đừng vội quên rằng: hầu hết những ơn chúng ta được hưởng cũng đều do luật đó.
Cũng vì luật đó mà chúng ta được nhờ sự hy sinh của cha mẹ ta, được nhờ lao công của người hàng bánh mỳ, của thầy thuốc và được nhờ lao công của người mục đồng ở Úc Châu, của người dân Nhật cặm cụi trên cánh đồng ngập nước và của người thuyền chài trông nom bờ bể Ái Nhĩ Lan.
Mọi sự ở chung quanh ta, ở ngoài và ở trong ta hết thảy đều là kết quả của vô số những người thợ vô danh đã vì luật tương hỗ gây dựng cho ta được nhờ.
Bởi vậy tại sao chỉ nhìn nguyên mặt trái của luật này?
Tại sao bó buộc Thiên Chúa chỉ thi hành luật này khi nào có lợi cho chúng ta thôi? Tại sao kết án một luật rất hữu ích như thế?
KẾT LUẬN
Trong tất cả những điều đó còn ẩn khuất nhiều điều bí mật, chúng ta còn phải chờ đợi, vì vấn đề vượt quá sức chúng ta.
Chỉ có Thiên Chúa bao quát và hiểu được tất cả tấn kịch nhân loại, bởi vì Ngài biết Ngài đang hướng dẫn Thế Giới đi về đâu. Phải là Thiên Chúa mới hiểu được lập trường của Thiên Chúa.
Nhưng càng đi sâu vào vấn đề, ta càng thấy vấn đề nguyên tội hình như càng minh bạch hơn, tuy vẫn còn là một màu nhiệm ta phải tin. Sau cùng, vấn đề nguyên tội đối với ta chỉ còn là một hồi không quan trọng lắm trong bản kịch Thế Giới, đó là một cơ hội để Thiên Chúa ban cho chúng ta, trong việc cứu chuộc nhân loại, một bằng chứng mới về tình yêu của Người.
(HẾT)
Trích sách “Giải quyết vấn đề nhân sinh” – F.Lelette S.J