ĐTC bắt đầu bài huấn dụ như sau:
Anh chị em thân mến,
Niềm vui của lễ Giáng sinh vẫn còn tràn ngập tâm hồn chúng ta: lời loan báo tuyệt vời rằng Chúa Kitô đã giáng sinh vì chúng ta và mang bình an đến cho thế giới vẫn tiếp tục vang vọng. Trong bầu khí hân hoan này, hôm nay chúng ta cử hành lễ thánh Stephano, phó tế và là vị tử đạo tiên khởi. Có thể là chúng ta cảm thấy lạ khi lễ kính nhớ thánh Stephano được đặt gần với biến cố giáng sinh của Chúa Giêsu, bởi vì sẽ nổi lên sự tương phản giữa niềm vui của Bêlem và thảm kịch của Stephano, bị ném đá ở Giêrusalem trong cuộc bách hại đầu tiên chống lại Giáo hội mới khai sinh. Trong thực tế thì không phải như thế, bởi vì Hài Nhi Giêsu là con Thiên Chúa nhập thể làm người, Đấng sẽ cứu nhân loại bằng cái chết của Người trên thập giá. Giờ đây chúng ta chiêm ngắm Người được quấn trong khăn nằm trong hang đá; sau khi Người bị đóng đinh, Người sẽ lại được quấn khăn và đặt trong mồ.
Hai thái độ giống nhau giữa Chúa Giêsu và thánh Stephano
ĐTC nói đến hai thái độ giống nhau của Chúa Giêsu trên thập giá và của thánh Stephano khi bị ném đá. Thánh Stephano là người đầu tiên theo bước của Thầy Chí Thánh bằng con đường tử đạo; thánh nhân đã chết như Chúa Giêsu khi phó thác chính cuộc sống của mình cho Thiên Chúa và bằng cách tha thứ cho những kẻ bách hại mình.
Thái độ thứ nhất: Tín thác vào Chúa
ĐTC giải thích thái độ thứ nhất: Trong khi bị ném đá, thánh nhân đã cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, xin đón nhận linh hồn con” (Cv 7,59). Những lời này hoàn toàn giống với những lời mà Chúa Kitô đã thốt ra trên thánh giá: “Lạy Cha, trong tay Cha, con xin phó thác hồn con” (Lc 23,46). Thái độ của thánh Stephano, trung thành bắt chước hành động của Chúa Giêsu, là lời mời gọi mỗi người chúng ta đón nhận với đức tin từ đôi tay của Chúa những điều mà cuộc sống mang lại cho chúng ta, tích cực cũng như tiêu cực. Cuộc sống của chúng ta không chỉ được ghi dấu bởi những hoàn cảnh vui tươi – chúng ta biết điều này – nhưng với cả những thời điểm khó khăn và lạc hướng. Nhưng niềm tín thác vào Chúa giúp chúng ta đón nhận những giây phút cực khổ khó khăn và sống những thời điểm này như là cơ hội để lớn lên trong đức tin và xây dựng những mối liên hệ mới với anh chị em. Đó là đặt mình trong bàn tay Chúa, Đấng mà chúng ta biết là người Cha vô vùng tốt lành với con cái mình.
Thái độ thứ hai: tha thứ cho người làm hại mình
ĐTC giải thích thái độ thứ hai của thánh Stephano, ngài nói: Thái độ thứ hai mà thánh Stephano bắt chước Chúa Giêsu trong thời khắc cao điểm trên thập giá đó là tha thứ. Thánh nhân không nguyền rủa những người bách hại mình nhưng cầu nguyện cho họ: “Ông Stephano quỳ gối xuống, kêu lớn tiếng: ‘Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này.’” (Cv 7,60). Chúng ta được mời gọi học tha thứ từ thánh nhân, tha thứ luôn luôn, và tất cả chúng ta biết là không dễ làm điều này. Lòng tha thứ mở rộng con tim, làm nảy sinh sự chia sẻ, đem lại sự thanh tĩnh và an bình. Thánh Stephano tử đạo tiên khởi chỉ cho chúng ta con đường để đi theo trong các mối tương quan liên cá nhân trong gia đình, trong trường học và nơi làm việc, trong giáo xứ và trong các cộng đoàn khác nhau. Luận lý tha thứ và của lòng thương xót luôn luôn chiến thắng và mở ra những chân trời hy vọng.
Cầu nguyện thêm sức mạnh chịu khó khăn và tha thứ
ĐTC khẳng định rằng: Nhưng sự tha thứ được gieo trồng bằng lời cầu nguyện và giúp chúng ta luôn nhìn vào Chúa Giêsu. Thánh Stephano đã có thể tha thứ cho những kẻ giết mình bởi vì, ngài được đầy tràn Chúa Thánh Thần, đăm đăm nhìn lên trời và mở mắt chiêm ngắm Thiên Chúa (x. Cv 7,55). Từ việc cầu nguyện, thánh nhân nhận được sức mạnh để chịu đựng cuộc tử đạo. Chúng ta phải kiên trì cầu nguyện với Chúa Thánh Thần để Người đổ tràn trên chúng ta ơn sức mạnh xóa tan những nỗi sợ hãi của chúng ta, những yếu đuối của chúng ta và cả những nhỏ nhặt của chúng ta và mở rộng trái tim để tha thứ. Luôn luôn tha thứ .
Cuối cùng, ĐTC mời gọi các tín hữu: Chúng ta cầu xin Đức Mẹ và thánh Giuse cầu nguyện cho chúng ta: lời cầu nguyện của các ngài giúp chúng ta luôn tin tưởng vào Thiên Chúa, đặc biệt trong những thời khắc khó khăn và trợ giúp chúng ta trong ý muốn trở thành những người nam, người nữ có khả năng tha thứ.
nguồn: Vatican