Icon Collap
...
Trang chủ / Viết cho Đặng Lê Nguyên Vũ về vấn đề Tạo Dựng

Viết cho Đặng Lê Nguyên Vũ về vấn đề Tạo Dựng

Chú Nguyên Vũ thân mến,

Từ khi có phiên tòa ly hôn trong gia đình chú, cháu thường nghe nhiều phát biểu của chú trên báo đài. Trong phiên tòa cuối cùng, khi nghe chú trò chuyện với phóng viên về nhiều điều thú vị, cháu nghe đi nghe lại đoạn chú nói về một Đấng Tạo Dựng vũ trụ này. Chú cho biết đây là điều trước đây chú chưa từng quan tâm đến. Tuy nhiên, khi nhìn về bản thể vũ trụ, tất cả mọi sự, chú đặt câu hỏi: “Mặt trời, mặt trăng, trái đất, con người và sự sống này do Ai tạo ra?” Là người chưa cùng niềm tin Kitô giáo với cháu, nhưng chú đã cho cháu một lần nữa thêm xác tín vào Thiên Chúa Tạo dựng. Chú khẳng định rằng: “Không có một sự ngẫu nhiên nào mà tạo ra một cách tuyệt vời như vậy. Phải có một Đấng Hóa Công, Đấng Tạo Hóa tạo ra.” (Xem Video ở phút cuối.)

Thực ra tạo dựng là đề tài gây nhiều tranh cãi từ cổ chí kim. Từ triết học cho đến thần học, con người luôn muốn truy tìm nguồn gốc của chính mình và của vũ trụ. Có Thiên Chúa không? Và ai tạo ra vũ trụ này, hay chỉ là ngẫu nhiên? Trong vấn đề này, người ta hoang mang trước những giả thuyết về Sáng Tạo được học ở trường. Thuyết Big Bang dường như có vẻ thuyết phục; thuyết Tiến Hóa của Darwin dẫn nhiều người đến chỗ tin rằng mọi sự vật trên đời đều tiến hóa theo tiến trình chọn lọc tự nhiên; rồi gần đây nhất, nhà thiên văn học Stephen Hawking xác tín “Chúa không tạo ra vũ trụ…”, v.v

Hơn nữa, trong bầu không khí vô thần, người ta có khi “mắc kẹt” trong niềm tin của mình về một Thiên Chúa sáng tạo muôn loài. Nhiều người, nhất là những người tin vào Thiên Chúa thấy khoa học dường như chống lại tôn giáo, nghịch với Thượng Đế. Có lần nhà bác học Albert Einstein cho rằng: “Khoa học không tôn giáo là mù lòa, tôn giáo thiếu khoa học là què quặt…Tôi chưa hề gặp điều gì trong Khoa học của tôi mà lại đi ngược với Tôn giáo.” Rồi bên cạnh đó, còn có những nhà bác học hữu thần luôn tin vào Thiên Chúa tạo dựng (Johannes Kepler, Isaac Newton, Max Planck, Francis Collins, Louis Pasteur v.v.). Người ta còn kể ra nhiều nhà thần học, triết học và khoa học khác xác tín điều như chú nói: “Phải có một Đấng Hóa Công, Đấng Tạo hóa tạo ra vũ trụ này.”

Gần đây hơn, Đức Gioan Phaolô II đã trả lời vấn đề này vào năm 1985 rằng: “Nói là do tình cờ đã phát sinh ra một vũ trụ, điều ấy chứng tỏ trí tuệ loài người đã đầu hàng khi từ chối suy tư để tìm ra giải đáp cho các vấn đề của mình.” Hay như nhà vật lý học Áo Walter Thirring nhận xét rằng: “Sự chính xác phi thường của tiến trình “Big Bang” có thật là kết quả của ngẫu nhiên không? Ý tưởng thật vô lý!” Tuy nhiên, trước những tranh luận phức tạp, sôi sục từ nhiều thế kỷ qua, những ai tin Thiên Chúa đều xác tín rằng: “Chúng ta không phải là sản phẩm của tình cờ ngẫu nhiên và không được định hướng đến tiến hóa. Mỗi người chúng ta là kết quả của tư tưởng thần linh. Mỗi người được muốn, được yêu, mỗi người đều có ích.” (Youcat, số 43.) Tư tưởng thần linh ấy không ai khác ngoài Thiên Chúa Cha, Đấng Tạo Thành, Tạo Hóa.

Là người đang học thần học, cháu đọc nhiều về công trình tạo dựng của Thiên Chúa nơi sách Sáng Thế. Đây là cuốn sách đầu tiên trong Kinh Thánh và là sách cổ xưa ghi lại quá trình Thiên Chúa tạo dựng như thế nào. Chúng ta có thể phê bình về tính khoa học của bản văn, nhưng mục đích của những người Do Thái viết ra trình thuật ấy để chủ yếu muốn tin một điều: Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ và con người là hình ảnh của Thiên Chúa.” Dĩ nhiên trong Giáo Hội Kitô giáo cũng đón nhận mặc khải ấy: “Khi nói Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ, nghĩa là xác định địa vị của vũ trụ trước Thiên Chúa và xác định vũ trụ có nguồn gốc do Thiên Chúa.” Giáo Hội Công giáo còn nhấn mạnh rằng: Được sáng tạo đó là một đặc tính gắn liền với mọi vật và là một chân lý sơ đẳng về mọi vật.” (x. Youcat 41.)

Trong niềm tin Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ, người tín hữu dĩ nhiên hạnh phúc với một Thiên Chúa quá yêu thương và tạo dựng mọi sự. Thực vậy, “Thiên Chúa tạo dựng nên con người do tình yêu Người “quá đầy”. Người muốn chia sẻ niềm vui của Người cho ta là những thụ tạo của tình yêu Người.” (Youcat, 2). Như thế, chính Thiên Chúa đặt con người vào thế giới để hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa. Để trong các thụ tạo hữu hình, chỉ một mình con người là có thể nhận biết và yêu mến Đấng tạo dựng nên mình (Vatican II, Gaudium et Spes 12,3). Đó là một mặc khải lớn lao và quan trọng đối với con người. “Mặc khải là việc Thiên Chúa biểu lộ bằng cách tự cởi mở, tự bày tỏ và nói cho thế giới biết về sáng kiến riêng của Người.” Theo đó, khi chiêm ngắm vũ trụ, muôn loài, sự vận hành vĩ mô, vi mô nơi vũ trụ một cách diệu kỳ, con người có thể thấy và tin vào Thiên Chúa.

Khi học về những lý thuyết Thiên Chúa tạo dựng như thế nào, cháu tâm đắc khi biết rằng Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ từ hư không với tình yêu lớn lao. Nghĩa là trước đó không có gì ngoài Thiên Chúa, và Ngài phán một lời liền có. Không phải thời đại chúng ta mới thắc mắc về Đấng Tạo Hóa hay Thiên Chúa, chính trong lịch sử Do Thái, họ cũng muốn biết Thiên Chúa là ai. Ông Môsê, người dẫn dắt dân Do Thái thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập, có lần hỏi Thiên Chúa là ai? Chúng ta đọc thấy câu trả lời của Thiên Chúa: “Ta là Đấng Hiện Hữu” (Xh3, 13-15). Câu trả lời này cũng có thể dịch: “Ngài gọi vào hiện hữu.”: Ngài là Đấng Sáng Tạo. Đó là màu nhiệm mà con người không tài nào hiểu bằng lý trí khoa học thuần túy. Như thế, vấn nạn này đòi hỏi người ta một đức tin và tình yêu để đón nhận. Đừng quên nếu Thiên Chúa đã tạo dựng con người một cách lạ lùng, thì chính Ngài còn cứu chuộc họ một cách lạ lùng hơn nữa. Đó là công trình cứu chuộc của chính Con Thiên Chúa xuống thế làm người là Chúa Giêsu.

Dĩ nhiên cháu không thể đi vào chi tiết từng lý thuyết Tạo Dựng! Nhưng với niềm tin của mình, cháu cảm ơn chú đã khơi lên một đề tài quá thú vị về thế giới của chúng ta. Còn đó những quan điểm trái chiều. Nhưng phải thừa nhận như chú rằng, thế giới này vận hành quá tuyệt vời, từ vĩ mô đến vi mô của thế giới khiến chúng ta phải đặt ghi vấn về một Đấng Tạo Hóa. Cháu xin trích lời khẳng định của một nhà bác học thiên văn Nicolas Copernic (1473-1543): “Nhờ quan sát và suy nghĩ về sự sắp đặt hoàn hảo của vũ trụ do khôn ngoan của Chúa tổ chức, có ai mà không ca ngợi Đấng toàn năng làm chủ công trình đó.” Theo đó, cháu thêm xác tín vào một Thiên Chúa toàn năng và tạo dựng muôn loài. Ngài vẫn đang đồng hành cùng con người và muốn cứu độ con người.

Ước gì mỗi khi chiêm ngắm vũ trụ, để tâm đến những vận hành quá tuyệt vời của muôn loài, nhiều người biết đằng sau đó có bàn tay của một Đấng uy quyền. Người chưa tin vào Thiên Chúa thì gọi đó là “Ông Trời”, còn người Kitô giáo gọi đó là Thượng Đế, là Thiên Chúa – Một Thiên Chúa sáng tạo muôn loài.

Vài dòng chia sẻ với chú, chúc chú luôn nhiều hạnh phúc bình an trong cuộc đời này.

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

Bình luận
error: Content is protected !!