Icon Collap
...
Trang chủ / Nữ tu Rita, người mang sứ điệp của ĐTC đến cho các tù nhân

Nữ tu Rita, người mang sứ điệp của ĐTC đến cho các tù nhân

Nữ tu Rita, người mang sứ điệp của ĐTC đến cho các tù nhân

Vào năm 2015, tại Tòa nhà Quốc hội, thành phố Rôma đã tổ chức trao giải thưởng vinh danh các phụ nữ nổi bật trong việc phục vụ cộng đồng. Trong số đó có một phụ nữ không phải là một thiên tài, một tài tử điện ảnh mà là một thiên thần của nhà tù, một người mẹ của rất nhiều chàng trai, người mà họ có thể tin tưởng kể lại những thảm kịch cuộc đời của mình và hy vọng cho một tương lai tươi sáng hơn.

Người phụ nữ đó là sơ Rita Del Grosso, nữ tu dòng Các Nữ tử Bác ái Canossiane, đã trên tám mươi tuổi. Từ năm 2004 sơ hoạt động bác ái cho các tù nhân. Sơ đi từ nhà giam này tới nhà tù khác để phục vụ các tù nhân với mong ước có thể đem lại những điều tốt nhất cho họ. Sơ nói: «Nếu tôi phải nói điều quan trọng nhất mà tôi đã có được cho đến lúc này, đó chính là những tình cảm biết ơn mà các chàng trai dành cho tôi. Họ là những người đã tìm thấy sự khích lệ, nâng đỡ của tôi. Một số người trong số họ đã liên lạc lại với tôi sau khi họ tự do và điều này làm tôi rất vui”.

Hai điện thoại, một túi xách, một ba lô, một cuốn sổ tay đầy các cuộc hẹn và một danh sách dài những việc cần làm. Đó là tất cả hành trang của sơ Rita, người luôn sẵn sàng đi đến phục vụ nơi các nhà tù.

Khi được một nhà báo phỏng vấn về công việc, sơ Rita liền nói: “Bạn hãy viết và nhấn mạnh rằng kinh nghiệm trong nhà tù không phải tất cả là một thời kỳ đen tối và bạo lực. Nó phụ thuộc vào cách người ta sống tương quan với nó và trên hết là cách ta quản lý của các cơ sở này, làm sao để những người sống sau song sắt có thể được lắng nghe nhu cầu của họ. Trong một số trường hợp, có thể tái sinh thực sự”.

Tất cả những gì các tù nhân chia sẻ, kể lại cùng vời những suy tư của mình sơ Rita thể hiện trong các tác phẩm: Lòng thương xót giải thoát và biến đổi hơn mọi hình phạt, Những tư tưởng tự do, Thinh lặng, Roma và thực tế, những cuộc sống ẩn giấu, không gian của ánh sáng giữa những bụi gai rối bời. Sơ Rita nói: “Tôi mời các chàng trai kể lại cuộc sống của họ bằng cách viết ra. Tôi thu thập công việc của họ và xin được một số tiền để xuất bản những trải nghiệm này. Tất cả đều được nhận tiền công cho dù trong số đó có những người không có khiếu kể. Nhưng tôi là người “bướng bỉnh”.

 

Các tù nhân biết rõ những gì họ cộng tác với sơ. Tất cả tình nguyện viên, các nhà giáo dục, cảnh sát trại giam, giám đốc nhà tù đôi khi phàn nàn, nhưng thông cảm, về việc làm “quá mức”, quyết tâm đạt được các mục tiêu của sơ. Sơ còn còn thuyết phục giám đốc các nhà tù cho phép các tù nhân được tham gia vào các hoạt động tinh thần do chính sơ tổ chức như: các buổi hành hương, cầu nguyện, các buổi hòa nhạc, tham quan Nhà nguyện Sitina.

Khi được hỏi bí quyết nào giúp sơ có thể giao tiếp và được các tù nhân đón tiếp một cách ưu ái, sơ cho biết: “Tôi làm những gì ĐTC Phanxicô làm khi Ngài vào thăm tù nhân: Tôi lắng nghe họ. Tận sâu thẳm luôn có trong tôi câu hỏi: ai là tù nhân? Là một người bị tổn thương cần được chăm sóc, tốt nhất là lắng nghe những gì họ muốn nói với bạn, không có gì khác hơn. Tùy thuộc rất nhiều vào việc sẵn sàng đối thoại và cởi mở. Hầu hết họ đã sống những kinh nghiệm đau thương trong thời thơ ấu và thiếu niên. Một số đã là thành phần các tổ chức tội phạm, đối tượng nhắm đến của các tổ chức tội phạm”.

Sơ Rita quan tâm đặc biệt đến tù nhân nữ, sơ cho biết: «Đối với phụ nữ, con đường giam giữ rất khó khăn vì họ cũng là mẹ. Lúc đầu, bạn sẽ không bao giờ nghĩ rằng bạn có thể nói chuyện với một người phạm tội nghiêm trọng, nhưng sau đó mọi sự thay đổi. Họ yêu cầu giúp đỡ và sẵn sàng làm việc. Họ biết cách làm nhiều việc và thể hiện bản thân bằng các kỹ năng thủ công của mình. Họ thường nói về trẻ em và đây đã là một dấu hiệu thay đổi rất quan trọng”.

Khi hỏi về kế hoạch cho những ngày tiếp theo sơ cho biết: “Tôi mời các sinh viên đi thăm các tù nhân cùng với tôi, tôi nghĩ đây chắc chắc sẽ là một trải nghiệm tốt cho cuộc sống của cả hai phía”.

Ai muốn gặp sơ Rita không phải dễ, không phải vì sơ là người khó tính nhưng thực ra sơ luôn bận rộn với những cuộc gọi. Sơ phải làm việc trong nhiều nhà tù cho nên sơ luôn phải di chuyển. Mỗi khi có một tù nhân nào muốn nói chuyện với sơ hoặc muốn trao cho sơ những bài viết mà họ đã hoàn thành thì sơ luôn mau lẹ đến để nhận và tổng hợp lại thành những tác phẩm tiếp theo. Mặc dù đã lớn tuổi nhưng sơ luôn xác tín đây là một việc phục vụ luôn có ý nghĩa trong cuộc đời dâng hiến của sơ.

Ngọc Yến

(VaticanNews 10.08.2019)

Bình luận
error: Content is protected !!