Ba chìa khóa mở cửa sức mạnh tâm linh
Làm cách nào để đời sống của bạn được gắn bó mật thiết với Thiên Chúa?
Sức mạnh tâm linh cần đến sự hoạt động hiệu quả của “hệ thống tâm linh” đó là: sự kết hiệp với Chúa Giêsu, sự chăm lo đời sống nội tâm, và nỗ lực yêu thương tha nhân như Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta. Nếu “hệ thống tâm linh” này hoạt động hiệu quả thì mỗi ngày chúng ta sẽ nên giống Chúa Giêsu hơn. Và ngược lại, nếu một trong ba điều đó bị lãng quên thì cuộc sống của chúng ta sẽ là phản ảnh của thế gian chứ không phải của Thần Khí.
Bạn đã bao giờ nghĩ về sự gắn kết kỳ diều của mọi thứ trong thế giới này hay chưa? Một chiếc xe chạy tốt được là nhờ động cơ, nhiên liệu, hệ thống điện và bộ phận làm mát cùng hoạt động nhịp nhàng với nhau. Chỉ cần một trong những thứ đó ngừng hoạt động thì chắc chắn chiếc xe của bạn sẽ không thể chạy lâu và thậm chí là ngừng hoạt động. Tương tự, một chiếc máy tính chỉ có thể hoạt động được khi có ổ cứng, bộ nhớ, màn hình, và bàn phím cùng kết nối với nhau và hoạt động hiệu quả.
Đời sống tâm linh của chúng ta cũng vậy, sức mạnh tâm linh cần đến sự hoạt động hiệu quả của “hệ thống tâm linh” đó là: sự kết hiệp với Chúa Giêsu, sự chăm lo đời sống nội tâm, và nỗ lực yêu thương tha nhân như Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta. Nếu “hệ thống tâm linh” này hoạt động hiệu quả thì mỗi ngày chúng ta sẽ nên giống Chúa Giêsu hơn. Và ngược lại, nếu một trong ba điều đó bị lãng quên thì cuộc sống của chúng ta sẽ là phản ảnh của thế gian chứ không phải của Thần Khí.
Ba điều này thật sự là một gợi mở hữu ích, để chúng ta đối chiếu vào đời sống tâm linh của mình. Để cảm nhận được sức mạnh tâm linh mạnh mẽ như thế nào, chúng hãy tìm gặp sự hiện diện của Thiên Chúa, hãy để Thần Khí Chúa soi chiếu đời sống nội tâm và cố gắng yêu thương và phục vụ tha nhân.
Bài học từ thánh Phêrô
Cùng nhìn vào một trong những gương thánh tuyệt hảo trong Tân Ước đó là thánh Phêrô – người tông đồ làm nghề đánh cá. Giống như chúng ta, bên cạnh những phẩm chất tốt lành thì thánh Phêrô khi mới theo Chúa cũng có những yếu đuối cần được nâng đỡ. Nhưng không có yếu đuối nào khiến thánh nhân lìa xa Chúa mãi, ngược lại, nhờ đó ngài nhận ra thân phận tội lỗi của mình và quyết định bước theo Chúa Giêsu ngay từ đầu.
Nhìn vào đời sống của Thánh Phêrô qua ba khía cạnh: Nước Trời, nội tâm và với tha nhân, chúng ta càng thấy rõ được hình ảnh một con người của “quá khứ” và “hiện tại”. Càng ngày Thánh Phêrô càng yêu Chúa nhiều hơn. Ngài nhận ra cuộc sống mình cần thay đổi thế nào và sau đó là mong ước mãnh liệt được chia sẻ Tin Mừng nhận được cho mọi người. Chính những dẫn chứng về thánh Phêrô sẽ giúp chúng ta rõ hơn phần nào về cuộc hành trình của chính mình.
Nhìn lên và Sống
Khía cạnh Nước Trời đòi hỏi chúng ta phải hành động trong mối tương quan với Thiên Chúa. Mối tương quan được thắt chặt qua những lần tham dự thánh lễ, trong những lời cầu nguyện và qua những lần tìm kiếm thánh ý Chúa. Không dừng tại đó, Thiên Chúa luôn mời gọi chúng ta đến với Ngài và hướng lòng về Ngài. Ngài vẫn không ngừng tuôn đổ hồng ân và tình yêu trên tất cả chúng ta, Ngài vẫn luôn mở lòng mở trí chúng ta và cho chúng ta cảm nghiệm sâu hơn về tình yêu Ngài, về Lời của Ngài và ý muốn của Ngài.
Thánh Phêrô được đầy tràn ân sủng và biết rằng Thiên Chúa yêu mình. Và chính nhờ sự mạc khải từ Thiên Chúa, mắt thánh nhân được mở ra, và ngài đã tuyên xưng Chúa Giêsu là “Đấng Mesia, là con Thiên Chúa Hằng Sống” (Mt 16,16). Thánh nhân đã hiểu được giá trị của lời cầu nguyện và được đầy tràn Thánh Thần trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Qua thị kiến khi cầu nguyện, thánh nhân đã được hướng dẫn để loan báo Tin Mừng không chỉ cho người Do Thái mà cho cả dân ngoại. Cũng chính nhờ ơn riêng đó, niềm tin vào Chúa Giêsu nơi ngài được thêm vững vàng. Những cảm nghiệm về sự hướng dẫn của Thần Khí trở nên mãnh liệt. Khao khát có Chúa ngự trị không ngừng lớn mạnh. Theo cách thức đó, càng tìm kiếm sự hiện diện của Thiên Chúa chúng ta sẽ càng tìm gặp được Ngài.
Sự chữa lành của Thiên Chúa
Đời sống tâm linh của chúng ta luôn cần đến Thiên Chúa, để qua Ngài chúng ta được nên thánh nhờ việc chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Ngài. Thế nhưng, trên con đường nên thánh đó luôn có hai mối hiểm nguy lớn cản trở chúng ta đạt đến cuộc sống mà chúng ta mong muốn – một cuộc sống bình an, yêu thương và thánh thiện. Trở ngại thứ nhất là những ký ức bị tổn thương luôn dày vò tâm trí và cách hành xử của chúng ta. Và trở ngại thứ hai là bản chất dễ sa ngã, sự cám dỗ của ma quỷ, sức lôi cuốn của thế gian khiến chúng ta phạm tội.
Thiên Chúa thấu rõ những tổn thương trong tâm khảm của mỗi chúng ta khi bị chối bỏ, oán hận và thất bại. Ngài biết những tổn thương đó ảnh hưởng đến cách mà chúng ta đối xử với người khác và Ngài muốn chữa lành chúng ta. Ngài muốn xóa mờ những vết thương và trao ban cho chúng ta ân sủng để tha thứ cho những người đã làm tổn thương mình. Và ngay chính lúc đó, Ngài muốn tha thứ cho chúng ta vì những hành động ích kỷ mà chúng ta đã làm tổn thương người khác. Ngài muốn giúp chúng ta tha thứ cho những người khiến mình đau đớn, và cũng giúp chúng ta vượt thắng tội lỗi.
Một lần nữa, chúng ta có thể thấy đời sống nội tâm của thánh Phêrô đã lớn lên như thế nào. Thánh nhân là một người nóng nảy, luôn có ý kiến về mọi thứ. Ngài thường tin vào chính mình hơn là Chúa Giêsu. Nhưng theo thời gian, sự tự cao của thánh nhân đã được chữa lành. Ngài đã học được cách làm thế nào để lựa chọn thánh ý Chúa hơn là ý muốn bản thân cũng như học được cách hối lỗi ăn năn và tha thứ.
Nghĩ về điều đã xảy ra sau khi thánh Phêrô chối bỏ Chúa Giêsu trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh. Kinh Thánh nói rằng thánh nhân “bắt đầu khóc lóc thảm thiết” khi ý thức được việc mình vừa làm (Mt 26, 75). Hãy tưởng tượng về sự thất vọng và nỗi đau mà ngài phải trải qua. Chắc chắn thánh nhân thấy mình là một kẻ hèn nhát và thất bại. Nhưng cuối cùng khi thánh nhân và Chúa Giêsu trò chuyện, thì rõ ràng Chúa Giêsu đã tha thứ cho ông. Chúa Giêsu vẫn yêu thương Thánh Phêrô và vẫn muốn thánh nhân là người đứng đầu Hội Thánh (Ga 21,15-19). Trong lần gặp gỡ đó, chúng ta thấy được thánh Phêrô đã cảm nhận được ơn tha thứ và đón nhận được sự chữa lành nội tâm. Điều mà Chúa Giêsu muốn làm cho tất cả chúng ta.
Một tình yêu “khắc nghiệt và khủng khiếp”
Sau cùng, bề ngoài của đời sống nội tâm của chúng ta sẽ lớn lên khi chúng ta nhận biết được điều Chúa muốn chúng ta làm đó là yêu thương tha nhân như Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta một cách vô điều kiện và vô tận (Ga 13, 34). Nhiều bộ phim, đặc biệt là phim tình cảm hài hước, có xu hướng mô tả tình yêu là sự ngọt ngào và lãng mạn. Mọi thứ có vẻ dễ dàng và tự nhiên. Thế nhưng chúng ta biết rằng, yêu là một công việc khó khăn. Như Fyodor Dostoyevsky đã viết: “So với tình yêu mơ mộng thì tình yêu trong hành động là sự khắc nghiệt và khủng khiếp”.
Tình yêu có thể “khắc nghiệt và khủng khiếp” khi chúng ta đi ngược lại sự mời gọi trao ban bản thân cho một ai đó, đặc biệt đối với người mà chúng ta khó có thể yêu thương. Đó là một thử thách giống như khi chúng ta được mời gọi tha thứ cho người khác. Tình yêu sẽ trở nên khắc nghiệt khi chúng ta được mời gọi phải bước ra khỏi vùng thoải mái của bản thân để kiên trì, thấu hiểu, rộng lượng, chân thành và ngay thẳng. Đó chính là tình yêu mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta.
Bằng sức mạnh bản thân thì lời mời gọi này là điều không thể. Nhưng khi có Thiên Chúa, chúng ta sẽ bắt đầu thực hiện điều không thể này. Nghĩ về thánh Phêrô, một người đánh cá bình thường, đã dấn thân trong việc rao giảng Tin Mừng và xây dựng Hội Thánh. Hãy nghĩ về tình yêu đã khiến thánh nhân hết lần này đến lần khác phải mạo hiểm chình mình vì Danh Chúa. Hãy nghĩ về cái chết vì Đức Tin và vì Hội Thánh mà thánh nhân được chọn là người lãnh đạo. Gương thánh Phêrô nói với chúng ta rằng Thiên Chúa lựa chọn những con người bình thường, giống như chúng ta, để biến đổi họ thành người tôi tớ trung thành và can đảm.
“Hãy cho họ ăn”
Khi còn ở dương thế, Chúa Giêsu đã cho những người theo Chúa có nhiều cơ hội để học hiểu và chia sẻ Tin Mừng cũng như phục vụ dân Chúa. Đối diện với đám đông dân chúng đang đói, Người đã nói với các môn đệ: “Hãy cho họ ăn” (Mt 14, 16). Chúa Giêsu đã sai mười hai tông đồ và nói với họ rằng “Nước Trời đã gần đến” (Mt 10, 7). Ngài còn sai bảy mươi hai tông đồ và bảo họ hãy chữa lành những người đau yếu và loan báo về Nước Trời (Lc 10, 9). Rõ ràng, các tông đồ đã có những lần thử nghiệm thực tế để thêm tự tin!
Nhưng khi Chúa Giêsu về Trời thì những lần thử nghiệm đó đã chấm dứt. Ngài đã gửi Chúa Thánh Thần đến ngự trong lòng những người theo Chúa, trong đó có cả chúng ta! Bây giờ mọi thứ sẽ phụ thuộc vào chúng ta, giống như đã từng phụ thuộc vào thánh Phêrô và các tông đồ khác.
Vậy hãy hướng lòng về Nước Trời qua lời cầu nguyện và lời tạ ơn, và hãy cầu xin tình yêu Chúa đến với chúng ta qua các giờ lễ, giờ cầu nguyện và trong Lời Chúa. Hãy chăm lo đời sống nội tâm của mỗi người để có được những mối tương quan tốt đẹp, vững mạnh và đầy Thần Khí – sẽ không bị cản trở bởi những tổn thương và tội lỗi. Và hãy để chúng ta được lớn mạnh qua việc hết lòng yêu thương tha nhân như chúng ta đã được yêu thương. Nếu chúng ta kết hợp với Chúa Giêsu theo ba cách này, chúng ta sẽ thấy mình đang làm những điều dường như không thể!
Chuyển ngữ: Giới Trẻ Thừa Sai Chúa Cứu Thế Miền Nam