Địa ngục không bao giờ là một ngạc nhiên khó chịu cho một người thật sự có hạnh phúc. Và cũng không nhất thiết địa ngục là hồi cuối báo trước cho một người cay đắng và không hạnh phúc. Một người hạnh phúc nồng hậu có thể xuống hỏa ngục sao? Một người cay đắng không hạnh phúc có thể lên thiên đàng sao? Tất cả tùy thuộc vào sự hiểu biết của chúng ta về địa ngục và cách chúng ta đọc tâm hồn con người.
Một người đấu tranh một cách trung thực để có hạnh phúc không thể xuống hỏa ngục vì hỏa ngục là phản đề của một đấu tranh trung thực cho hạnh phúc. Theo Đức Phanxicô, hỏa ngục là “muốn xa tình yêu của Chúa”. Ai chân thành mong muốn tình yêu và hạnh phúc sẽ không bao giờ bị lên án đời đời phải bị tha hóa, trống rỗng, cay đắng, giận dữ, thù hận (là các chất liệu dùng thiêu đốt lửa hỏa ngục), vì hỏa ngục là không muốn ở thiên đàng. Vì thế, người chân thành mong có một cơ hội khác để sửa chữa mọi thứ để lên thiên đàng, thì không ở trong hỏa ngục. Nếu có ai phải ở hỏa ngục, thì là vì người đó thực sự muốn xa lánh tình yêu.
Nhưng ai là người thực sự muốn xa lánh tình yêu của Chúa và tình yêu của nhân loại? Câu trả lời khá phức tạp vì chúng ta là phức tạp: “Muốn gì đó” nghĩa là gì? Chúng ta có thể cùng một lúc muốn vài thứ và không muốn tất cả đó sao? Đúng, bởi vì có các mức độ khác nhau trong tâm hệ con người và vì thế, trong cùng một mong muốn mình có thể xung đột với chính mong muốn này.
Chúng ta có thể cùng một lúc muốn vài thứ và không muốn tất cả. Đó là kinh nghiệm chung. Lấy ví dụ một đứa bé vừa bị mẹ phạt. Lúc đó đứa bé cay đắng ghét mẹ mình, nhưng trong một lúc khác nhẹ hơn, đứa bé khao khát được ôm mẹ mình. Nhưng cơn hờn dỗi nó muốn xa mẹ, nhưng mong muốn sâu xa nhất của đứa bé vẫn là ở bên cạnh mẹ mình. Chúng ta tất cả đều biết cảm nhận này.
Như chúng ta biết, sự thù hận không đối nghịch với tình yêu, nhưng là một hình thức tang chế của tình yêu. Loại năng động này luôn tồn tại trong quan hệ nghịch lý, hoang mang, phức tạp mà hàng triệu người trong chúng ta duy trì trong quan hệ với Chúa, với Giáo hội, với nhau và với chính tình yêu. Các tổn thương của chúng ta gần như hầu hết không phải lỗi của chúng ta, nhưng là hậu quả của một lạm dụng, một ức hiếp, một phản bội hay do khinh suất đau thương trong vòng tình yêu. Tuy nhiên điều này không ngăn chúng ta làm những chuyện thích thú. Khi chúng ta bị tổn thương vì tình yêu thì như đứa bé hờn dỗi vì bị phạt, nó chỉ muốn xa mẹ nó, chúng ta cũng vậy, trong một thời gian hoặc đôi khi cả đời, chúng ta không muốn thiên đàng vì chúng ta cảm thấy mình bị đối xử bất công. Đây là chuyện tự nhiên đối với nhiều người muốn xa Chúa. Đứa trẻ bị bắt nạt ở sân chơi, sẽ khoanh “những người bắt nạt mình” vào một vòng, và dĩ nhiên nó sẽ xa cái vòng này, hoặc có thể chứng tỏ cho thấy bạo lực dưới mắt mình.
Tuy nhiên ở cấp độ tâm hồn thì sâu hơn, khao khát cuối cùng của chúng ta là luôn ở bên trong vòng tình yêu mà lúc đó dường như chúng ta ghét, ghét vì cảm thấy mình bị đối xử bất công, bị ức hiếp và chúng ta xem đó là một cái gì mình không muốn thuộc về. Vì thế, một người có thể có tâm hồn rất chân thành nhưng vì các tổn thương sâu xa, họ đi qua cuộc sống và chết, họ chỉ muốn xa cái mà họ xem đó là Chúa, là tình yêu và thiên đàng. Nhưng chúng ta không thể đưa ra một đánh giá đơn giản ở đây.
Chúng ta cần phân biệt giữa những gì chúng ta muốn rõ ràng ở một thời điểm nhất định và những gì chúng ta muốn ẩn ngầm (thực sự) cũng cùng thời điểm đó. Và thường thường chúng không giống nhau. Đứa bé bị phạt rõ ràng nó muốn xa mẹ, nhưng ở một cấp độ khác thì nó rất muốn gần mẹ.
Nhiều người muốn xa Chúa và các nhà thờ. Nhưng Chúa đọc được tâm hồn họ, nhận ra sự giả vờ ẩn giấu bên trong hờn dỗi hay bĩu môi và theo đó mà Ngài phán xét. Chính vì lý do này mà chúng ta không nên nhanh chóng lấp đầy địa ngục với những người muốn xa tình yêu, đức tin, nhà thờ và Chúa. Tình yêu của Chúa có thể bao phủ, thương cảm, làm tan chảy và chữa lành hận thù đó. Tình yêu của chúng ta cũng phải vậy.
Hy vọng kitô giáo đòi hỏi chúng ta phải tin vào những chuyện đi ngược với bản năng và xúc cảm tự nhiên của mình. Một trong các điều này là tình yêu của Chúa, một tình yêu cực mạnh, cũng giống như cái chết của Chúa Giêsu, Ngài có thể xuống địa ngục ban tình yêu và tha thứ cho các tâm hồn bị tổn thương nhất, chai đá nhất. Hy vọng đòi hỏi chúng ta phải tin vào chiến thắng cuối cùng của tình yêu Chúa và chính Lu-xi-phe cũng sẽ trở lại, sẽ quay về trời và địa ngục sẽ trống rỗng.
Như thế có viễn vông không? Không, vì đó là hy vọng kitô giáo; là điều các vị thánh lớn của chúng ta tin tưởng.
Đúng, có một địa ngục, và với sự tự do của con người, chắc chắn ai cũng có khả năng rơi vào đó; nhưng, với tình yêu của Chúa, có thể đến một lúc nào đó, địa ngục sẽ hoàn toàn trống rỗng.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch