“… Hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Thiên Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12,2).

Sống “cuộc sống trong (theo) Thần Khí” có thể được mô tả như một cách đặt trái tim (tâm hồn) của chúng ta vào sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Trong Thư gửi tín đồ Rôma, Thánh Phaolô khẳng định rất rõ ràng rằng quyền năng của Chúa Thánh Thần là một phần không thể thiếu trong Phúc Âm mà ngài đã đi loan báo khắp thế giới.

Theo Phaolô, tất cả chúng ta đều có một số lĩnh vực trong cuộc sống của chúng ta là của Thiên Chúa và rất đẹp lòng Người, đồng thời, cũng có những lĩnh vực khác không tốt lắm. Phaolô hiểu rằng chỉ bằng cách sống trong Thần Khí, chúng ta mới có thể tiếp tục xây dựng những phần làm đẹp lòng Chúa và dần dần loại bỏ những phần tội lỗi và không tốt.

Phaolô đã rất thực tế về việc thách đố này có thể như thế nào. Tại một trong những đoạn văn nổi tiếng nhất của ngài trong thư Rôma, Phaolô đã phải kêu lên: “Tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu, vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng tôi ghét, thì tôi lại cứ làm” (Rm 7,15). Liệu kinh nghiệm của chúng ta có xác nhận vấn đề nan giải này không? Mỗi chúng ta đều có những kiểu hành vi thất thường của riêng mình. Trong một trường hợp, chúng ta có thể rộng lượng cho một lỗi lầm, trong một trường hợp khác, chúng ta có thể hoàn toàn ích kỷ. Trong một khoảnh khắc chúng ta tử tế và chu đáo và trong khoảnh khắc tiếp theo chúng ta lại tức giận và cố chấp.

Đây có phải là cách Thiên Chúa muốn chúng ta sống không? Có phải Chúa thực sự muốn chúng ta trở nên ngớ ngẩn (không thận trọng) trong hành động của mình chăng? Áp dụng những lời của Thánh Phaolô, chẳng lẽ Thiên Chúa lại thực sự muốn chúng ta lúc thì được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần và lúc khác lại bị điều khiển bởi những ham muốn ích kỷ của chúng ta sao (x. Rm 8,5)?

Thưa anh chị em, Thiên Chúa không muốn chúng ta hành động và suy nghĩ ngớ ngẩn, lung tung. Người muốn chúng ta có khả năng nhận biết liệu suy nghĩ của chúng ta đến từ Chúa Thánh Thần, từ ma quỷ hay từ bản chất sa ngã của chúng ta. Thiên Chúa không muốn chúng ta bỏ qua việc tự hỏi liệu những suy nghĩ và hành động của chúng ta có làm hài lòng Chúa không. Không, Thiên Chúa muốn chúng ta biết rằng chúng ta thực sự có thể nhận ra khi nào hành vi của chúng ta là của Chúa và khi nào thì không. Thiên Chúa muốn đảm bảo với chúng ta rằng chúng ta có sức mạnh của Chúa Thánh Thần để giúp chúng ta lớn lên trong khả năng phân định của chúng ta để nhận ra ý muốn của Thiên Chúa và sự hoạt động của Thần khí Chúa trong chúng ta.

Đặt Những Câu Hỏi Đúng. Rõ ràng là nếu chúng ta muốn sống trong Thần Khí, chúng ta sẽ phải nhìn vào cách chúng ta suy nghĩ và hành động. Chúng ta sẽ phải bắt đầu tự hỏi mình những câu hỏi như: “Tại sao tôi lại sống rất yêu thương trong tình huống này nhưng sau đó lại trở nên rất tức giận trong tình huống đó?” “Tại sao tôi có thể tử tế với một số người và lại rất lạnh lùng, thậm chí bực bội, khó chịu đối với những người khác?”

Ngoài việc tự mình kiểm tra những động cơ của chúng ta như thế này, chúng ta cũng sẽ phải bắt đầu cầu xin chính Chúa Thánh Thần thăm dò chúng ta và kiểm tra tâm hồn của chúng ta. Đây là cốt lõi của việc sống trong Thần Khí. Chúng ta cần phải sử dụng lý trí tự nhiên của chúng ta, đó là một món quà quý giá từ Thiên Chúa, nhưng chúng ta cũng cần xin Chúa Thánh Thần chỉ cho chúng ta điều gì là tốt nơi chúng ta và những gì phải loại bỏ.

Mặc dù đôi khi có vẻ khó phân biệt sự khác biệt giữa những gì thuộc về Chúa và những gì không thuộc về Chúa, nhưng chúng ta có thể yên tâm rằng nếu chúng ta kiên trì, sự khôn ngoan của Thần Khí sẽ ngự xuống trên chúng ta. Nếu chúng ta tạo thói quen suy gẫm về những kinh nghiệm của mình và nếu chúng ta dành thời gian để cầu nguyện mỗi ngày, chúng ta sẽ thấy những thay đổi thực sự trong cuộc sống của chúng ta.

Hơn cả Những Người Chiến Thắng (Chinh Phục). Làm thế nào chúng ta có thể tự tin như vậy? Bởi vì Chúa Thánh Thần sống trong chúng ta và Người thực sự muốn ban cho chúng ta sức mạnh để thay đổi. Người muốn ban cho chúng ta ân sủng của Người, mạnh mẽ hơn nhiều so với sức mạnh ý chí của con người. Khi chúng ta biết rằng chúng ta được Chúa Kitô bào chữa và khi chúng ta cố gắng sống theo Thần Khí, chúng ta có thể trở nên “toàn thắng (hơn cả những người chiến thắng)” (Rm 8,37). Với ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta có thể vượt qua mọi lĩnh vực trong cuộc sống bị điều khiển bởi tội lỗi. Chúng ta có thể trở nên thánh thiện hơn mỗi ngày. Tất cả những gì Thiên Chúa yêu cầu là chúng ta để cho Thánh Thần của Người chữa lành và xây dựng tất cả những điều tốt đẹp trong bản chất của chúng ta. Với sự kết hợp giữa ân sủng của Thiên Chúa và sự cộng tác của chúng ta, chúng ta không thể lầm lạc.

Hầu hết chúng ta là một hỗn hợp những điều tốt và điều xấu. Một số hành vi và suy nghĩ của chúng ta thuộc về Thần Khí và một số là thuộc về xác thịt. Tuy nhiên, chúng ta nên vững niềm hy vọng. Chúng ta không phải làm theo những cách của thế gian này. Với một chút nỗ lực mỗi ngày, chúng ta có thể được biến đổi khi tâm trí của chúng ta được đổi mới. Chúng ta có thể bắt đầu hiểu và chấp nhận thánh ý của Thiên Chúa dành cho cuộc sống của chúng ta. Chúng ta có thể biết tất cả những gì tốt đẹp, có thể chấp nhận và hoàn hảo nhờ sức mạnh của Thần Khí Chúa (Rm 12,2).

Hãy nhớ lại giáo viên yêu thích của bạn và ảnh hưởng của người này trên cuộc sống của bạn. Kiểu biến đổi này quá nhỏ so với sức mạnh của Thánh Thần để biến chúng ta thành hình ảnh của Chúa Giêsu. Một giáo viên có thể làm cho chúng ta trở thành một người suy nghĩ tốt hơn hoặc một người sáng tạo hơn, nhưng chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể nâng chúng ta lên đến quyền năng và sự hiện diện của Chúa Giêsu.

Khi chúng ta biết rằng chúng ta được Chúa Kitô bào chữa, chúng ta biết tình yêu của Thiên Chúa và chúng ta biết rằng chúng ta sẽ ở bên Chúa mãi mãi. Đây là dấu ấn không thể xóa nhòa mà Thiên Chúa muốn ghi dấu trong tâm hồn (trái tim) chúng ta. Đây là một ánh sáng nội tại (sự sáng suốt) sẽ thúc đẩy chúng ta làm hài lòng Chúa trong mọi việc chúng ta làm và khiến chúng ta muốn sống trong Thánh Thần. Nguyện xin Chúa chúc lành cho lời cầu nguyện và sự xét mình của bạn:

Năm Câu Hỏi cho Biết (Tâm Hồn) Trái Tim của Bạn Ở Đâu

1. “Luật của Thần Khí ban sự sống trong Đức Kitô Giêsu, đã giải thoát tôi khỏi luật của tội và sự chết” (Rm 8,2). Ngay bây giờ tôi có tin rằng Chúa Giêsu đã giải thoát tôi khỏi tội lỗi không? Tôi có ý thức về lòng biết ơn, niềm hy vọng hay sự bình an, khi biết rằng tôi không còn bị kết án nữa?

2. “Những ai sống theo Thần Khí, thì hướng về những gì thuộc Thần Khí” (Rm 8,5). Những suy nghĩ đang làm tâm trí của tôi bận tâm ngay bây giờ là gì? Chúng có chân thật, cao quý, chính trực, tinh tuyền (trong sáng) và nhân từ không (x. Pl 4,8)? Hay chúng liên quan đến sự tức giận, thù hằn, ô uế, ích kỷ và chia rẽ (x. Gl 5,19-20)? Tôi có thể quay về với Chúa Giêsu ngay bây giờ và cầu xin Người giải thoát tôi khỏi bất cứ điều gì không vừa lòng Người chứ?

3. “Khi chúng kêu lên: ‘Abba! Cha ơi! Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa” (Rm 8,16). Tôi có biết trong lòng mình rằng tôi là con Thiên Chúa không? Tôi có biết rằng tôi có thể trải nghiệm tình yêu, sức mạnh và sự hướng dẫn của Cha tôi ngay bây giờ không? Tôi có thể xin Chúa Thánh Thần làm cho tôi tin rằng Thiên Chúa yêu tôi hơn tôi có thể tưởng tượng không?

4. “Thần khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn; vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải” (Rm 8,26). Tôi có kinh nghiệm Thiên Chúa nâng tôi lên và lấp đầy tôi với sự an ủi, bình an và niềm vui không? Khi cầu nguyện tôi có ý thức rằng Chúa Giêsu ở với tôi và đang lắng nghe tôi bằng tình yêu không? Có phải Thánh Kinh đang ngày càng trở nên sống động đối với tôi không? Thần Khí thích giúp đỡ chúng ta tiếp xúc với ngai vàng của Thiên Chúa!

5. “Tôi tin chắc rằng… sẽ không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa trong thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa của chúng ta” (Rm 8,39). Trước những tình huống thử thách mà tôi sẽ gặp hôm nay, tôi có thể giữ vững niềm tin rằng không có gì có thể tách được tôi ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa không? Ngay cả khi tôi “không cảm nhận” được tình yêu của Thiên Chúa, tôi vẫn có thể giữ được sự thật về tình yêu vô điều kiện của Chúa không? Hãy để Thần Khí xây dựng niềm tin của bạn vào Chúa hôm nay.

Theo The Word Among Us [wau.org]
Prayer Resoures
Chuyển ngữ:  Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương