Icon Collap
...
Trang chủ / “Hãy về nhà”: Lời tâm huyết ĐGH Phanxicô dành cho người trẻ Công giáo Việt Nam

“Hãy về nhà”: Lời tâm huyết ĐGH Phanxicô dành cho người trẻ Công giáo Việt Nam

Trong lời chào cuối cùng, Đức Giáo Hoàng đã cố gắng nói bằng Tiếng Việt, dù Ngài bị hụt hơi vào phút cuối. Dẫu vậy, việc được nghe một câu chào bằng tiếng mẹ đẻ của mình từ miệng Đức Giáo Hoàng hẳn đã làm ấm lòng rất người Việt Nam.
Chưa có một Đức Giáo Hoàng nào viếng thăm Việt Nam, nhưng tấm lòng của các Đức Giáo Hoàng dành cho Giáo Hội với nhiều thăng trầm bách hại này là điều không thể nghi ngờ. Năm 1984, trong chuyến tông du Thái Lan, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã gởi một thông điệp qua Radio cho Giáo Hội Việt Nam. Ba mươi lăm năm sau, trên đường đến Thái Lan, Đức Giáo Hoàng Phanxicô lại ưu ái gởi cho giới trẻ Việt Nam một thông điệp bằng Video. Lần này, thông điệp gởi đi không chỉ được nghe qua âm thanh, mà còn được thấy qua hình ảnh và cung cách nói chuyện sống động của Đức Giáo Hoàng.

Thông điệp của Đức Giáo Hoàng Phanxicô gởi đi lần này nhân dịp Đại Hội Giới Trẻ Giáo Tỉnh Miền Bắc được tổ chức tại Giáo Phận Bùi Chu với chủ đề: “Hãy về với thân nhân”, một câu trong Tin Mừng Máccô (5,19). Đức Giáo Hoàng có lẽ đã dựa vào nguyên bản Hy-lạp của câu Kinh Thánh, và dịch lại câu chủ đề: “Hãy về nhà, với thân nhân”. Toàn văn thông điệp của Đức Giáo Hoàng được quảng diễn xoay quanh một chữ “nhà”.

Có thể kể ra năm điểm chính trong nội dung và hai chi tiết quan trọng được gói ghém trong thông điệp.

1.     Đào sâu di sản truyền thống và văn hoá

Trong phần khởi đầu của thông điệp, chữ “nhà” được phân tích cách độc đáo dựa trên tâm thức và văn hoá của người Việt. Đức Giáo Hoàng nhận ra rằng “nhà” là từ đẹp nhất trong kho tàng văn hoá Việt Nam, vì “gói ghém” trọn vẹn những gì là thân thương nhất trong trái tim của một con người, bao hàm cả gia đình, họ hàng và quê hương xứ sở. Ngài chỉ ra rằng những nét đẹp đặc trưng trong văn hoá của Người Việt như truyền thống gia đình, việc thảo kính cha mẹ, tôn trọng người già… đều được sinh ra từ chữ “nhà”. Từ đó, Ngài đọc câu chủ đề của ngày Đại Hội Giới Trẻ như một câu châm ngôn thôi thúc các bạn trẻ trở về đào sâu và khám phá di sản văn hoá quý giá của truyền thống và văn hoá dân tộc mình. Ngài nhấn giọng: “Những di sản ấy là những kho tàng quý giá của các con. Đừng bao giờ để mất kho tàng ấy.”

2.     Đào sâu di sản đức tin

Trong phần thứ hai, nghĩa của chữ “nhà” được Đức Giáo Hoàng nhân rộng lên. Ngài khẳng định với các bạn trẻ: “Giáo Hội là một ngôi nhà. Là ngôi nhà của các con.” Nhìn lại dòng lịch sử, Đức Giáo Hoàng đã đánh giá rất cao đặc tính anh hùng và giàu gương sống đạo của Giáo Hội Việt Nam. Ngoài việc nhắc đến gương các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Đức Giáo Hoàng đặc biệt mời gọi các bạn trẻ nhìn lại chính cuộc đời của ông bà và cha mẹ mình, những người đã phải sống qua đau khổ của chiến tranh loạn lạc, nhưng kiên quyết giữ vững đức tin như giữ một kho tàng quý giá nhất và truyền lại cho con cháu.

Trong phần này, thông điệp của Đức Giáo Hoàng cũng nhắn nhủ các bạn trẻ về lòng biết ơn. Ngài nhắc đến công khó của những nhà truyền giáo đầu tiên mang Tin Mừng đến Đất Việt. Đồng thời, Ngài nhắc lại sự đón nhận đầy nhiệt tâm và cách sống đạo đầy chứng tá của những Kitô hữu Việt Nam đầu tiên, như được diễn tả qua tường thuật của nhà truyền giáo Alexandre de Rhodes [Đắc Lộ], “Đạo Công Giáo là Đạo của Tình Yêu.” Ngài mời gọi các bạn trẻ tựa vào di sản đức tin phong phú ấy để làm động lực thôi thúc mình đi về phía trước trong hành trình truyền giáo.

3.     Chứng tá Tin Mừng

Trong phần thứ ba, Đức Giáo Hoàng mời người trẻ Việt Nam gỡ mình khỏi văn hoá khép kín và cục bộ, để mở ra và hướng đến người khác. Ngài nhắc nhở các bạn trẻ Công Giáo hướng mắt nhìn ra để thấy rằng người Công Giáo vẫn còn là một thiểu số giữa lòng dân tộc mình. Ngài mời gọi các bạn trẻ Công Giáo đảm nhận vai trò truyền giáo, bằng chính đời sống chứng tá của mình, chứ không phải bằng sự khuyến dụ hay lôi kéo.

Trong lời kêu gọi này, có thể đọc ra sự tin tưởng và kỳ vọng mà Đức Giáo Hoàng dành cho các bạn trẻ. Giống như vị tiền nhiệm của mình, Đức Phanxicô nhìn nhận rằng giới trẻ không phải chỉ là tương lai, nhưng như là hiện tại của Giáo Hội. Chính sự nhập cuộc đầy sáng tạo và vui tươi của người trẻ làm nên sức sống và bộ mặt của Giáo Hội. Ngài mời gọi các bạn trẻ đảm nhận trách nhiệm của mình trong ngôi nhà Giáo Hội. Ấy là nơi nhân cách và phẩm giá của họ được đào luyện và lớn lên.

4.     Nhân cách của một người trẻ Công Giáo

Trong phần cuối của thông điệp, Đức Giáo Hoàng đưa ra một lời khuyên dạy cụ thể, như cách của một người Cha dành cho con cái của mình. Trước thực tế xã hội Việt Nam, Đức Giáo Hoàng khuyên các bạn trẻ đừng sợ sống đẹp và đừng ngại để cho cái đẹp trong nhân cách của một người Công Giáo được tỏ bày trước mặt mọi người. Ba đức tính quan trọng được Đức Giáo Hoàng kể ra, là sự trung thực, tinh thần trách nhiệm và tính lạc quan, cũng như sự cần kíp của việc biết phân định. Ngài khẳng định đó không chỉ là những giá trị làm nên xã hội mà còn là những giá trị mà cả Giáo Hội Việt Nam đang cần.

 

Nguồn Vatiacannew

Bình luận
error: Content is protected !!