Ơn cứu độ, mặc khải và sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới bắt đầu như thế và luôn như vậy. Sự mặc khải của Thiên Chúa được thể hiện trong điều nhỏ bé. Sự vĩ đại có vẻ rất mạnh mẽ, quyền năng – chúng ta thử nghĩ về Chúa Giêsu trong sa mạc, [và] Satan xuất hiện cách mạnh mẽ như ông chủ của cả thế giới như thế nào: tôi sẽ cho ông mọi thứ, nếu ông …” Ngược lại, những gì thuộc về Thiên Chúa bắt đầu bằng việc nảy mầm, từ một hạt giống, từ những điều rất nhỏ. Và Chúa Giêsu nói về điều nhỏ bé ấy trong Tin Mừng.
Hãy trở nên nhỏ bé để Nước Thiên Chúa có thể nảy mầm
Chúa Giêsu vui mừng và cảm tạ Chúa Cha vì đã mặc khải cho những người bé mọn, hơn là cho những người hùng mạnh. Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng vào dịp Giáng sinh, tất cả chúng ta sẽ có dịp chiêm ngắm những hang đá, nơi cho thấy sự nhỏ bé của Thiên Chúa. Và Đức Thánh Cha nhấn mạnh:
Trong một cộng đoàn Kitô giáo, nếu các Kitô hữu, các linh mục, các giám mục không đi theo con đường bé nhỏ này, cộng đoàn ấy không có tương lai, nó sẽ sụp đổ. Chúng ta đã thấy điều đó trong các dự án vĩ đại của lịch sử: Kitô hữu là những người xem chính mình như là những người đầy sức mạnh với quân lực, và vĩ đại với những cuộc chinh phạt. Nhưng Nước Thiên Chúa chỉ nảy mầm trong những điều bé nhỏ, luôn luôn là những điều bé nhỏ, những hạt giống của cuộc đời. Nhưng hạt giống tự nó có thể làm được gì? Nhưng có một thực tại khác ban cho nó sức mạnh: “Ngày ấy, từ gốc Giê-sê sẽ đâm ra một bông hoa. Trên bông hoa ấy, thần linh của Thiên Chúa sẽ ngự xuống.”
Thần Khí không thể đi vào một con tim cao ngạo
Thần Khí chọn những điều nhỏ bé bởi Người không đi vào những kẻ hùng mạnh, tự mãn, và tự đủ nơi chính mình. Thiên Chúa mặc khải chính mình cho những tâm hồn bé mọn.
Đức Thánh Cha lấy ví dụ về những nhà nghiên cứu tôn giáo: nói về thần học thực sự không có nghĩa là biết nhiều sự kiện. Những người như thế có thể được gọi là những “nhà bách khoa toàn thư về thần học”. Họ biết mọi thứ, nhưng không thể làm thần học bởi vì người ta chỉ có thể làm thần học “bằng cách quỳ gối” và trở nên bé nhỏ.
Cũng thế, một mục tử, dù có là linh mục, giám mục, giáo hoàng, hay hồng y, dù là ai chăng nữa, nếu không để mình trở nên bé nhỏ, người ấy không phải là mục tử thực sự, mà chỉ là người quản lý văn phòng. Điều này đúng với tất cả mọi người, từ những người có vai trò quan trọng trong Giáo Hội, cho tới những bà cụ nghèo làm những việc bác ái cách thầm lặng.
Kitô hữu bé nhỏ không có nghĩa là nhút nhát rụt rè
Nhưng người ta có thể nói: những người nhỏ bé thường hay nhút nhát rụt rè, nghĩa là những người tự khép lại nơi chính mình và sợ hãi. Ngược lại, Đức Thánh Cha khẳng định: điều nhỏ bé là điều vĩ đại, bởi người ấy không sợ mạo hiểm, và vì chẳng có gì để mất. Điều nhỏ bé dẫn tới những điều cao cả bởi vì nó cho phép chúng ta vượt lên chính mình, vì biết rằng Thiên Chúa là nguồn cội của sự vĩ đại.
Và Đức Thánh Cha trích dẫn Tổng Luận thần học của thánh Tô-ma Aquinô để giải thích cách thức Kitô hữu, dù nhận biết sự nhỏ bé của mình, nhưng cần phải hành động thế nào khi đối mặt với những thách đố của thế giới, mà không sống như những kẻ hèn nhát. Ngài nói: “Đừng sợ những điều cao cả”. Và Đức Thánh Cha lưu ý rằng thánh Phanxicô Xaviê mà chúng ta kính nhớ hôm nay cho chúng ta thấy điều đó.
Đừng sợ những điều vĩ đại, hãy tiến bước, nhưng đồng thời, hãy nghĩ đến những điều nhỏ nhất, đó là điều thánh thiêng. Một Kitô hữu luôn bắt đầu từ sự nhỏ bé. Nếu trong lời cầu nguyện của mình, tôi nhận thấy mình thật nhỏ bé, với những giới hạn, tội lỗi của mình, như người thu thuế đã cầu nguyện ở phía cuối đền thờ, vừa xấu hổ vừa thưa rằng: “Xin thương xót con là kẻ có tội”, thì bạn sẽ tiến bước. Nhưng nếu bạn tin rằng bạn là Kitô hữu tốt, bạn sẽ cầu nguyện như người Pharisiêu, người mà khi đi về không được kể là người công chính: “Con cám ơn Chúa, vì con là một người thật tuyệt vời”. Không, chúng ta cám ơn Chúa vì chúng ta là những người bé mọn.
Điều cụ thể trong lời xưng tội của trẻ em
Và Đức Thánh Cha kết thúc bài giảng của mình với chia sẻ rằng: ngài rất thích nghe giải tội, đặc biệt là những em bé. Những lời xưng thú của các em thật đẹp vì đó là những điều rất cụ thể. Ví dụ, một em nhỏ có thể thú nhận rằng: “thưa cha, con đã nói những lời thế này: …” – và em ấy lặp lại những lời ấy cho tôi nghe. Đức Thánh Cha gọi điều ấy là “sự cụ thể của những gì bé nhỏ”. Đây chính là một mẫu gương cho thấy chúng ta nên đến với Thiên Chúa như thế nào: “Lạy Chúa, con là kẻ có tội, vì con đã làm điều này, điều này, điều này… Đó là sự khốn khổ, yếu đuối và bé mọn của con. Nhưng xin gửi Thần Khí của Chúa tới để con không sợ hãi những điều cao cả, nhưng kính sợ Chúa – Đấng thực hiện những điều vĩ đại trong cuộc đời con”.