Icon Collap
...
Trang chủ / Dịch coronavirus hay dịch hãi sợ?

Dịch coronavirus hay dịch hãi sợ?

Dưới đây là thông báo của Giám mục công giáo can đảm Pascal Roland, giáo phận Ars-Belley:

Còn hơn là nạn dịch coronavirus, chúng ta phải sợ nạn dịch sợ hãi! Về phần tôi, tôi không nhường bước trước sự hoảng sợ tập thể và tôi phải tuân theo nguyên tắc phòng ngừa của chính quyền dân sự.

Vì vậy tôi không có ý định đưa ra các chỉ dẫn đặc biệt cho giáo phận tôi: giáo dân sẽ ngừng các buổi họp nhau cầu nguyện không? Họ có bỏ thói quen giúp đồng loại không? Ngoài các biện pháp thận trọng cơ bản mà mọi người tự động làm để không làm lây cho người khác, thì tôi không cần phải thêm gì.

Chúng ta nên nhớ trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, trong những lần bị dịch hạch, khi đó các điều kiện vệ sinh không giống như bây giờ, các tín hữu kitô cho thấy họ họp nhau cầu nguyện, họ giúp bệnh nhân, họ ở bên cạnh người sắp qua đời và chôn cất người quá cố. Nói tóm lại, các môn đệ Chúa Kitô không quay lưng với Chúa, cũng không quay lưng với đồng loại. Ngược lại là khác!

Sự hoảng sợ tập thể ngày hôm nay có cho chúng ta thấy mối quan hệ sai lầm của mình với thực tế cái chết không? Nó có nói lên các tác động gây lo lắng do việc đánh mất Chúa đó không? Chúng ta không thấy mình là phàm nhân phải chết, khép kín trong chiều kích thiêng liêng của mình, chúng ta mất chân đứng. Vì chúng ta có các kỹ thuật ngày càng tinh vi và hiệu quả, chúng ta cho rằng mình kiểm soát được tất cả và che giấu để không thấy mình không phải là bậc thầy của sự sống!

Cùng lúc chúng ta nên ghi nhận, nạn dịch này xuất hiện khi chúng ta đang thảo luận về luật đạo đức sinh học, may mắn thay nó nhắc cho chúng ta về sự mong manh của con người! Và cuộc khủng hoảng toàn cầu này ít nhất có lợi thế khi nó làm cho chúng ta nhớ, chúng ta cùng sống trong một ngôi nhà chung, rằng tất cả chúng ta đều dễ bị tổn thương và phụ thuộc lẫn nhau, và cấp bách là phải hợp tác chứ không phải đóng cửa biên giới!

Và rồi chúng ta như đánh mất cái đầu! Dù sao chúng ta cũng sống trong nói dối. Vì sao đột nhiên tập trung mọi chú ý của chúng ta vào một mình coronavirus? Vì sao chúng ta không thấy hàng năm có từ 2 đến 6 triệu người bị cúm và khoảng 8000 người chết trong mùa dịch cúm bình thường ở Pháp?

Dường như chúng ta cũng loại ra khỏi bộ nhớ tập thể, mỗi năm rượu làm chết 41.000 người và thuốc là làm chết 73.000 người!

Tôi không phải là người sẽ đóng cửa các nhà thờ, hủy bỏ thánh lễ, không trao bình an, ấn định cách rước lễ nào cho hợp vệ sinh (mọi người luôn có thể làm theo ý mình muốn!), vì nhà thờ không phải là nơi có rủi ro cao nhưng là nơi cứu rỗi. Đó là khoảng không gian nơi chúng ta đón nhận Chúa Giêsu Kitô, Đấng ban sự sống, với Ngài, qua Ngài và trong Ngài, chúng ta học để cùng sống với nhau. Một nhà thờ phải là nơi với đúng chức vụ của nó: nơi hy vọng! Có nên nhốt mình trong nhà không? Có nên vét hết đồ đạc trong siêu thị để trữ đồ ăn, làm như thành phố mình đang bị phong tỏa không? Không! Vì một tín hữu kitô không sợ chết. Họ không phải không biết có ngày mình cũng phải chết, nhưng họ biết đặt lòng tin vào ai. Họ tin ở Chúa Giêsu, người đã nói với họ: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết (Ga 11, 25-26). Họ biết họ có “Thần Khí, Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết” (Ga 8, 11).

Và rồi một tín hữu kitô không thuộc về chính mình, đời sống đã được ban cho họ, họ theo Chúa Giêsu, Đấng đã dạy: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy (Mc 8, 35). Chắc chắn người tín hữu kitô không để mình bị nguy hiểm nhưng họ cũng không tìm cách bảo vệ thái quá. Theo chân Thầy và Đấng chịu đóng đinh, họ học để quảng đại phục vụ người anh em mong manh nhất của mình, với cái nhìn của một đời sống vĩnh cữu.

Như thế chúng ta đừng nhường bước trước nạn dịch hãi sợ! Đừng là những người nửa sống nửa chết. Như Đức Phanxicô đã nói: Anh chị em đừng để mình bị mất hy vọng!

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bình luận
error: Content is protected !!