repubblica.it, Paolo Rodari, 2020-03-18
Phỏng vấn Đức Phanxicô: “Ứng xử của chúng ta luôn có tác động trên đời sống của những người khác. Tôi xin bàn tay Chúa chấm dứt nạn dịch.”
“Trong những ngày khó khăn này, chúng ta tìm lại các cử chỉ nhỏ để thể hiện sự gần gũi, lòng tốt của mình với những người thân yêu, một vòng ôm với ông bà nội ngoại, một nụ hôn với con cái hay với những người chúng ta yêu thương. Đó là những cử chỉ quan trọng. Nếu chúng ta làm theo cách này thì chúng ta không lãng phí thời gian cách ly.”
Đức Phanxicô suốt ngày ở Vatican và theo dõi cuộc khủng hoảng sức khỏe liên quan đến coronavirus. Cách đây hai ngày ngài đến Đền thờ Đức Bà Cảvà nhà thờ San Marcello để cầu nguyện. Ngài nói với báo Repubblica các bài học ngài rút tỉa từ các sự kiện này.
Trọng kính Đức Thánh Cha, cha đã xin gì khi đến hai nhà thờ này để cầu nguyện?
Tôi xin Chúa ngưng nạn dịch: Lạy Chúa, xin bàn tay Chúa làm ngưng nạn dịch này. tôi đã cầu nguyện xin điều này.
Làm thế nào chúng ta sống trong lúc này mà không có cảm tưởng mất thì giờ?
Chúng ta phải thấy sự quan trọng của các cử chỉ nhỏ, những quan tâm nhỏ với người thân, với gia đình, với bạn bè. Hiểu rằng sự giàu có đích thực nằm trong những chuyện nhỏ. Một vài chuyện đơn sơ đôi khi mất hút trong những chuyện không tên hàng ngày, những cử chỉ âu yếm, trìu mến, trắc ẩn lại rất quyết định và quan trọng. Chẳng hạn, một bữa ăn nóng, một vòng ôm, một cuộc gọi điện thoại… Đó là các cử chỉ thân thuộc hàng ngày mang đến cho cuộc sống một ý nghĩa và có được giao tiếp giữa chúng ta.
Không phải chúng ta thường sống như vậy sao?
Đôi khi chúng ta chỉ giao tiếp ảo. Chúng ta phải tìm một cách mới để gần nhau hơn. Một giao tiếp cụ thể cần đến quan tâm và kiên nhẫn. Chẳng hạn các gia đình ăn chung với nhau nhưng lại ăn trong thinh lặng, đây không phải là lắng nghe nhau, vì cha mẹ vừa ăn vừa xem truyền hình, con cái thì dán mắt vào điện thoại cầm tay. Họ giống như các đan sĩ sống cô lập nhau. Như thế ở đó không có giao tiếp, vậy mà quan trọng là phải nghe nhau để hiểu nhu cầu của nhau, các mong muốn, các khó khăn, những điều cấp bách của nhau. Ngôn ngữ của các cử chỉ cụ thể cần được ghi vào bộ nhớ. Theo tôi, nỗi đau của những ngày này phải đưa đến các chuyện này.
Nhiều người mất người thân, rất nhiều người ở tuyến đầu để cứu đời sống nhiều người. Cha muốn nói gì với họ?
Tôi xin cám ơn những người đã tận tâm, quảng đại làm việc cho người khác. Họ là tấm gương thuyết phục cho các hành động cụ thể này. Tôi xin những ai gần những người đã mất người thân cố gắng an ủi họ bằng mọi cách có thể. Bây giờ là lúc phải dấn thân hoàn toàn. Về vấn đề này, tôi rất xúc động khi đọc bài báo của nhà báo Fabio Fazio viết trên tờ Repubblica về các bài học ông rút tỉa từ các sự kiện này.
Đặc biệt là điều gì?
Rất nhiều đoạn nhưng chung chung, ứng xử của chúng ta luôn có tác động trên đời sống của nhiều người khác. Chẳng hạn ông nói: “Hôm nay những người nào không trả thuế không những họ phạm tội, nhưng họ còn là người phạm tội ác: nếu chúng ta thiếu giường bệnh viện, thiếu máy trợ thở là lỗi của họ.” Câu này làm tôi rất xúc động.
Làm thế nào những người vô thần giữ được hy vọng trong lúc khó khăn này?
Chúng ta tất cả là con Chúa, và Chúa nhìn đến tất cả chúng ta. Với cả những người chưa gặp Chúa, những người chưa có ơn đức tin, họ có thể tìm con đường của họ trong những chuyện tốt họ tin: họ có thể tìm sức mạnh trong tình yêu cho con cái, cho gia đình, cho anh chị em họ. Một số người sẽ nói: “Tôi không thể cầu nguyện vì tôi không tin”. Nhưng đồng thời, họ có thể tin tưởng và tìm thấy hy vọng ở những người xung quanh họ.
Marta An Nguyễn dịch
Nguồn: phanxico.vn