ROME – Đức Giáo hoàng Phanxicô đã bắt đầu buổi cử hành phụng vụ Tuần Thánh được phát trực tiếp hôm Chúa nhật Lễ Lá 5/4 bằng cách nói rằng sự đau khổ mà Chúa Giêsu chịu đựng trên cuộc hành trình thập giá nhằm đảm bảo với nhân loại rằng chúng ta không hề đơn độc – và sự bùng phát của coronavirus COVID-19 hiện tại chính là cơ hội để yêu thương và phục vụ những người khác, như Chúa Giêsu đã làm.
“Khi chúng ta bị rơi vào tình thế cực kỳ nguy hiểm, khi chúng ta tự nhận thấy mình ở một ngõ cụt, không có ánh sáng và không lối thoát, khi dường như chính Thiên Chúa không đáp lại lời kêu xin của chúng ta, chúng ta nên nhớ rằng chúng ta không hề cô đơn”, ĐTC Phanxicô chia sẻ trong bài giảng hôm Chúa nhật Lễ Lá ngày 5 tháng Tư, được coi như là khởi đầu của Tuần Thánh của Giáo hội.
Phát biểu trong Thánh lễ được phát trực tiếp tại Đền thờ Thánh Phêrô gần như trống rỗng, Đức Phanxicô lưu ý rằng, giống như nhiều người đang vật lộn với nỗi sợ hãi và sự bát ổn, chính Chúa Giêsu đã phải trải nghiệm cảm giác “bị bỏ rơi hoàn toàn trong một tình huống mà trước đây Ngài chưa từng trải qua để trở nên một với chúng ta trong tất cả mọi thứ”.
“Đó chính là mức độ mà qua đó Chúa Giêsu đã phục vụ chúng ta: Ngài hạ mình xuống vực thẳm của những sự đau khổ cay đắng nhất của chúng ta, đỉnh điểm đó chính là sự phản bội”, thậm chí ngay cả cảm giác bị Chúa Cha bỏ rơi, ĐTC Phanxicô nói.
Khi COVID-19 tiếp tục lan rộng và cướp đi nhiều sinh mạng, Đức Phanxicô cho biết rằng khi đối mặt với thảm kịch này và nhiều cảm giác về sự an toàn giả dối đã vỡ vụn, trước rất nhiều hy vọng bị phản bội, ở khía cạnh của việc bị bỏ rơi đè nặng lên tâm hồn chúng ta”, Chúa Giêsu nói với mỗi người chúng ta rằng: “Hãy can đảm, hãy mở lòng ra với tình yêu của Ta. Các con sẽ cảm nhận được niềm an ủi của Thiên Chúa, Đấng giải thoát các con”.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chia sẻ trong Thánh lễ Chúa nhật Lễ Lá truyền thống, mà năm nay được truyền hình trực tiếp từ bên trong Đền thờ Thánh Phêrô. Các Thánh lễ công cộng ở Ý đã bị đình chỉ kể từ ngày 8 tháng 3, và do những hạn chế đó, Vatican đã chọn cử hành các nghi thức Phụng vụ Tuần Thánh và lễ Phục sinh mà không có sự hiện diện của các tín hữu.
Thay vì cử hành Thánh lễ Chúa nhật Lễ Lá tại Bàn thờ chính, như Ngài thường làm khi Vương Cung Thánh Đường có sự tham dự đầy đủ của cộng đoàn, Đức Phanxicô đã chủ sự Thánh lễ tại Bàn thờ Ngai Tòa Thánh Phêrô ngay sau Bàn thờ chính, bên dưới cửa sổ kính màu Chúa Thánh Thần của nghệ sĩ baroque nổi tiếng, Gian Lorenzo Bernini.
Nghi thức khai mạc Thánh lễ và cuộc rước lá, vốn thường diễn ra tại Quảng trường Thánh Phêrô và tưởng niệm việc Chúa Giêsu vào Thành Giêrusalem trên lưng một con lừa, năm nay được thực hiện tại Bàn thờ Tuyên xưng Đức tin, nằm cạnh Bàn thờ Ngai Tòa Thánh Phêrô.
Bên cạnh bàn thờ trong Thánh lễ là Bức ảnh Đức Mẹ “Salus Populi Romani” (Sự Cứu rỗi của dân Thành Rome), thường được đặt trong Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả, và “Cây Thánh Giá kỳ diệu” từ nhà thờ St. Marcellus trên đại lộ Via del Corso, một con phố mua sắm sầm uất thường cực kỳ đông đúc.
Theo truyền thống của người La Mã trong thời kỳ bệnh dịch, các vật phẩm thiêng liêng đều được Đức Giáo hoàng Phanxicô sử dụng trong một sự kiện cầu nguyện vào ngày 27 tháng 3 và Phép lành Toàn Xá “Urbi et Orbi” tại Quảng trường Thánh Phêrô trống rỗng.
Trong bài giảng của mình, Đức Giáo hoàng Phanxicô lưu ý rằng cách thức Thiên Chúa cứu loài người không phải qua một cử chỉ cứu rỗi phi thương, mà qua sự phục vụ.
“Thiên Chúa đã giải cứu chúng ta bằng cách phục vụ chúng ta. Chúng ta thường nghĩ rằng chúng ta là những kẻ phụng sự Thiên Chúa”, nhưng Thiên Chúa là Đấng “tự do chọn phục vụ chúng ta, vì Ngài yêu chúng trước”, Đức Giáo hoàng nói, đồng thời giải thích rằng Chúa Giêsu phục vụ những người xung quanh Ngài không chỉ bằng cách rửa chân cho các môn đệ vào Thứ Năm Thánh, mà qua cái chết của chính mình, Chúa Giêsu đã nhận lấy hình phạt tội lỗi của nhân loại, mà không than vãn.
Chúa Giêsu đã làm điều này “hoàn toàn vì tình yêu”, Đức Giáo hoàng nói, đồng thời lưu ý rằng khi Chúa Giêsu bị đóng đinh, Thiên Chúa không giải thoát Ngài khỏi đau khổ, nhưng đã nâng đỡ và trợ sức cho Ngài.
Lưu ý rằng Chúa Giêsu đã phải chịu đựng cả sự phản bội và bị bỏ rơi trong những giờ phút cuối cùng của mình, Đức Phanxicô nói rằng Ngài không chỉ bị phản bội bởi những người đã trao nộp và từ chối Ngài, “mà còn bởi tổ chức tôn giáo đã lên án Ngài và tổ chức chính trị đã rửa tay va tuyên bố vô can trong vụ đổ máu Người”.
Chúa Giêsu, Đức Phanxicô nói, cũng đã phải chịu đựng “sự lẻ loi cô độc tột độ” trong lời cầu nguyện của mình, được thể hiện qua lời kêu van thống thiết trên Thập giá: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?”.
Tất cả những điều này đã được thực hiện vì tình yêu, Đức Phanxicô nói, đồng thời nhấn mạnh rằng, đổi lại, “mỗi người có thể từ chối phản bội Ngài vì nhờ Ngài mà chúng ta đã được tạo dựng, và không từ bỏ những gì thực sự quan trọng trong cuộc sống của chúng ta”.
“Chúng ta được đưa vào thế giới này để yêu mến Ngài và những anh chị em xung quanh chúng ta. Tất cả mọi thứ khác rồi cũng sẽ qua đi, chỉ còn lại điều này”, Đức Phanxicô nói, đồng thời nhấn mạnh rằng cuộc khủng hoảng coronavirus chính là một lời hiệu triệu “để thực hiện nghiêm túc những điều quan trọng và không bị cuốn vào những vấn đề ít quan trọng hơn; để tái khám phá ra rằng cuộc sống sẽ không có ích lợi gì nếu không được sử dụng để phục vụ người khác”.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi các gia đình, nhiều người trong số họ hiện đang bị cầm chân trong nhà do những hạn chế nhằm kiểm soát dịch bệnh, hãy đứng trước Thánh giá và “cầu xin Thiên Chúa ban ân sủng để biết phục vụ tha nhân. Chớ gì chúng ta có thể tiếp cận với những ah chị em đang đau khổ và những người cần được giúp đỡ nhất. Chớ gì chúng ta đừng bận tâm đến những gì chúng ta thiếu, nhưng những gì chúng ta có thể làm cho những người khác”.
Minh Tuệ (theo Crux)
Nguồn dcctvn.org