Giáo Hội xác minh chuyện Đức Mẹ hiện ra như thế nào?
Khi đề cập về các sự kiện Đức Mẹ hiện ra, Giáo Hội Công Giáo luôn có cách tiếp cận khôn ngoan, tập trung nhiều vào thông điệp hơn là vào phép lạ. Các hiện tượng siêu nhiên, chẳng hạn như phép lạ về Mặt trời ở Fatima (Bồ Đào Nha) được nhắc đến cách đây gần 100 năm, không phải là yếu tố chính để công nhận một cuộc hiện ra là xứng đáng với đức tin.
Trong trường hợp đặc biệt đó, Giám mục của Giáo phận Leiria (nơi Fatima thuộc quyền) cho rằng các cuộc hiện ra – chứ không phải là chuyện kỳ lạ về Mặt trời – thì xứng đáng với đức tin. Quyết định của ngài được đưa ra vào năm 1930, nghĩa là hơn một thập kỷ sau khi Đức Mẹ Maria đã hiện ra với Lucia dos Santos và hai người em họ là Jacinta và Francisco Marto. Trên thế giới có hơn 1.500 thị kiến về Đức Mẹ Maria đã được trình báo, nhưng trong thế kỷ vừa qua, chỉ có chưa tới 20 trường hợp được Giáo Hội công nhận là xứng đáng với đức tin. Hồi năm 1978, Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã ban hành “Các tiêu chuẩn của Vatican về cách thức xử lý trong quá trình phân định những cuộc hiện ra hoặc mặc khải giả định”.
Cũng giống như trường hợp ở Fatima, trách nhiệm xác minh một cuộc hiện ra thuộc về vị giám mục địa phương, theo các tiêu chuẩn do Bộ Giáo Lý Đức Tin biên soạn. Tiến trình này không bao giờ là gọn lẹ, một số trường hợp phải mất hàng trăm năm. Cần phải điều tra những thị nhân và chứng nhân, sau đó nghiên cứu những kết quả của cuộc hiện ra, chẳng hạn như các thay đổi, phép lạ và sự chữa lành.
Theo tiêu chuẩn nói trên, vị giám mục địa phương phải thành lập một ủy ban chuyên môn, bao gồm các nhà thần học, giáo luật, tâm lý học và bác sĩ để giúp ngài xác định rằng thị nhân đó khỏe mạnh và đứng đắn về suy tư, luân lý và tinh thần; đồng thời xem xét các thông điệp và lời khai của đương sự có trái nghịch với thần học và giáo lý hay không. Vị giám mục địa phương có thể đưa ra một trong ba kết luận:
Một là ngài xác minh cuộc hiện ra này là đúng và xứng đáng với đức tin;
Hai là ngài cho rằng sự việc này là giả tạo, điều này sẽ để ngỏ khả năng kháng nghị;
Ba là ngài có thể nói rằng vào thời điểm này ngài không biết và cần được giúp đỡ thêm. Trong trường hợp cuối cùng, cuộc điều tra sẽ được đưa đến Hội đồng Giám mục của quốc gia. Nếu Hội đồng vẫn không thể đi đến kết luận, vấn đề sẽ được đệ trình lên Đức Giáo Hoàng, và ngài sẽ ủy thác cho Bộ Giáo lý Đức tin đảm trách và đưa ra lời khuyên hoặc chỉ định những người khác đi điều tra. Dù vậy, Giáo Hội Công Giáo không đòi hỏi tín hữu phải tin vào những cuộc hiện ra, ngay cả khi nó được Giáo Hội công nhận.
Đức nguyên Giáo Hoàng Bênêđictô XVI nói trong Tông Huấn Lời Chúa (Verbum Domini) năm 2010 rằng: Khi Giáo Hội công nhận một mặc khải cá nhân, về bản chất, đó chỉ là cách mà Giáo Hội nói rằng nó không trái nghịch với đức tin và luân lý, được hợp pháp để công khai sứ điệp, và “các tín hữu tự thẩm định tin tưởng một cách thận trọng”. (CatholicHerald)
Nguồn betrenthuongcap.net