“Chúng tôi không biết họ đã để thầy ở đâu.” “Địa chỉ” của Chúa Giê-su là điều được Tin Mừng Gioan lưu ý nhiều lần. Ngay từ đầu cuốn Tin Mừng, hai môn đệ đầu tiên đã hỏi: “ Thưa Thầy, Thầy ở đâu?” (Ga 1,38). Đến phần cuối trang Tin Mừng, câu hỏi “Thầy ở đâu?” lại được lặp lại. Các môn đệ Chúa Giêsu luôn muốn biết “ địa chỉ” của Ngài, nhất là lúc này đây.
Cả ba nhân vật trong câu chuyện này đều “chạy” : Madalêna chạy tìm Simon-Phêrô, ông với Gioan “ cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn”. Họ “chạy” để làm gì? Thưa, để tìm đến “ địa chỉ” của Thầy Giê-su. Đây là cuộc hành trình của đức tin. Họ đang muốn tìm một ánh sáng của niềm tin, niềm hi vọng vào Thầy. Những quả tim thổn thức, những con mắt căng sáng ra để nhìn cho tỏ con đường đến. Cả con mắt đức tin cũng không còn nhấp nháy nữa mà muốn căng tròn ra để muốn bắt gặp một ‘tiêu điểm’ sáng là Thầy của mình.
Thiên Chúa đặt sẵn những dấu chỉ giúp họ tìm, đó là một ngôi mộ trống, những khăn vải liệm còn đó được xếp gọn gàng và những lời tiên báo của Thánh Kinh. Và nhất là họ vừa chạy vừa cố ôn lại những gì Thầy đã đôi ba lần nói trước kia. Nhưng chỉ một mình “môn đệ kia” đã đọc được ý nghĩa của những dấu chỉ ấy nên “đã thấy và đã tin”. Gioan tìm được “địa chỉ” của Chúa Giêsu. Thực ra, nhiều lần chúa Giêsu đã ám chỉ đến “địa chỉ” này như: “Thầy về cùng Cha Thầy” xem Tin Mừng Ga 7,33-34. 8,21.. Nhưng các môn đệ vẫn chưa hiểu. Hôm nay Gioan đã hiểu: Chúa Giêsu đã sống lại và về cùng Thiên Chúa.
Quả vậy, khi quanh ta hầu như tối đen và chỉ có một tia sáng hi vọng còn len lói, thì ta làm gì? Đứng đó mà than khóc, hay nhanh chân chạy tới nguồn ánh sáng? Hay ngạn ngữ đời thường vẫn hay nhắc rằng: thay vì bạn nguyền rủa bóng đêm thì hãy tìm cách thắp lên một tia sáng.
Thế giới hôm nay cũng giống như một màn đêm tăm tối: nhiều người không có đức tin, không hi vọng, không yêu thương. Hãy lạc quan nhận ra những tia sáng đó, hãy chỉ cho mọi người thấy những tia sáng đó và hãy khuyến khích mọi người cùng ta chạy tới, chạy tới ánh sáng chẳng hề mờ nhạt đi, chẳng hề tiêu hao.
Có câu chuyện kể rằng, một mùa Phục Sinh nọ, có nhóm bạn diễn lại hoạt cảnh Chúa Giêsu Phục Sinh. Một học sinh chạy tới hỏi một nhóm bạn học sinh khác: “Chúa Giê-su đâu rồi? Ai đã đem Chúa Giêsu đi đâu rồi? Mọi người ngơ ngác, sau đó ai nấy đều lần lượt trả lời “ Tôi không có ! Tôi không biết !” Rồi cả nhóm cặm cụi tìm kiếm trong và quanh ngôi mộ của Ngài.
Từ một góc sân khấu, một học sinh lên tiếng: “đừng tìm ở đó vô ích. Chúa Giêsu đang ở nhà với bà tớ đấy. Mỗi khi tớ giúp bà tớ một việc gì thì khuôn mặt rạng rỡ của Chúa Giêsu hiện lên trong nụ cười của bà”.
Từ các góc khác, một học sinh khác cũng lên tiếng: Chúa Giêsu đang ở trong Nhà Thờ đấy. Mỗi khi tôi lắng nghe Lời Chúa, tôi nghe Ngài nói trong Tin Mừng. Mỗi khi tôi dự lễ, tôi nhìn thấy Ngài ngự trong Bánh Thánh mà tôi rước lấy. Và tôi ấp ủ Ngài trong lòng.
Ở mọi nơi tôi sống cũng vậy, Chúa Giêsu ở ngay bên người thân cạnh của tôi, mỗi khi tôi giúp đỡ người bạn bè tôi một việc nhỏ, hay những lần cùng nhau vượt qua những khó khăn của đời sống, những lần thực hành công việc chung những việc bổn phận thật tốt, tôi đều thấy Chúa Giêsu hiện diện. Chúa Giêsu vẫn còn đâu đó nơi những người ăn xin lấm lem khăn áo, những người đang phải gồng gánh bởi cái đói và cái rét đang chờ chúng ta chia sẻ. Chúa Giêsu ở nơi những người thấp cổ bé miệng, những oan sai mà nhiều người còn gánh chịu, Chúa Giêsu ở nơi những ngả đường, góc phố thiếu vắng tình thương, sự nghi kị, phân cấp, nơi nhấp nhoáng ánh hào quang đèn điện, phố xá, sân khấu, hay nơi những miền đất khô cằn thiếu nhựa sống đức tin của những miền Truyền Giáo…, Chúa đang ở đó và mời gọi chúng ta bước tới để trở nên “ MEN, MUỐI” và “ÁNH SÁNG” cho mọi người.
Mừng đại lễ CHÚA PHỤC SINH, Chúng ta hãy xin Chúa làm sáng dậy lòng tin ấp ủ trong lòng bấy lâu nay. Xin Chúa Phục Sinh đốt lên trong lòng chúng ta lòng cậy và lòng mến nồng nàn. Để trước những thách đố của cuộc sống, chúng ta trở nên cánh tay nối dài của Chúa, trở nên ánh sáng Phục Sinh cho nhân loại tăm tối được sáng.
Chúng ta cũng không quên nhớ đến nhân loại đang chìm trong bóng tối của sự chết vì đại dịch Covid-19 và những tổn thất về tinh thần và vật chất mà đại dịch gây ra. Trước những bóng đen của sự chết bao phủ, chúng ta hãy bình tâm và sống một cuộc sống hi vọng; chúng ta hi vọng sau bóng đêm dài của lo âu, gánh nặng là ánh sáng của bình minh liền kề, thứ ánh sáng của Chúa Giêsu Phục Sinh là niềm hi vọng đích thực. Và để niềm hi vọng đó được chan chứa niềm vui, mỗi người hãy biết nhìn nhận lại chính mình trong tương quan với tình yêu thương.
Hãy đặt lương tâm chính mình nơi một cõi thẳm sâu của sự suy tư và phân định rằng: đâu là chọn lựa mang đến bình an và hạnh phúc cho chính mình? Liệu đó là tình thương hay vụ lợi cá nhân? Niềm vui hòa bình hay sự hấn thù ghen ghét đỗ kị? Đoàn kết hay là chia rẽ…vv. Hãy lấy tình thương làm thước đo chuẩn mực cho đời sống chúng ta. Có như vậy, đời sống con người mới hi vọng “Phục Sinh” như Chúa đã Phục Sinh hôm nay. Nhân loại sẽ tràn ngập niềm vui và sống trong an vui khi con người biết đẩy lùi những gì xấu xa, kiêu ngạo của lòng người. Hãy sống và diễn tả một niềm vui Phục Sinh trọn vẹn, bởi Chúa đã dạy chúng ta sống niềm tin Phục Sinh ấy.
Cầu Chúa ban thưởng niềm vui Phục Sinh cho những người đã qua đời, và xin chữa lành vết thương tích mà đại dịch Covid-19 gây ra cho nhân loại. Amen.
Antôn Đinh Duyệt
Nguồn dongten.net