Icon Collap
...
Trang chủ / Phục Sinh tại Rôma, Thánh Phêrô đầy những đau khổ và hy vọng của thế giới

Phục Sinh tại Rôma, Thánh Phêrô đầy những đau khổ và hy vọng của thế giới

Mừng lễ Phục Sinh nhưng không có sự hiện diện của giáo dân, Đức Phanxicô lặp lại sự đau khổ của một thế giới bị đại dịch khống chế, ngài kêu gọi một sự lây lan của hy vọng.

Quảng trường Thánh Phêrô trống vắng vào cuối tuần Phục Sinh này, nhưng lại đầy đau khổ và hy vọng cho một thế giới phải đương đầu với đại dịch coronavirus. Vì Đức Phanxicô không thể dâng lễ với giáo dân nên đã làm cho Rôma thành nơi âm vang của nỗi thống khổ thế giới, nơi có thể nói lên tốt hơn niềm hy vọng của Đấng Phục sinh.

Với các linh mục trong thánh lễ Bữa Tiệc Ly, “tất cả đều ở với tôi trên bàn thờ”, Đức Phanxicô cám ơn tất cả những ai hiến mạng sống mình vì Chúa Giêsu. Hoặc với các tù nhân của nhà tù Pađua, những người Đức Phanxicô đã nhờ họ viết bài suy niệm 14 chặng đàng thánh giá, không phải đi tại Đấu trường La Mã như truyền thống mà ở Quảng trường Thánh Phêrô, nơi “tiếng nói khàn khàn” của các tù nhân nói lên một cách tiêu biểu nhất hy vọng về một thế giới đang bi cách ly.

Đàng thánh giá tại Quảng trường Thánh Phêrô ngày Thứ Sáu Tuần Thánh 10 tháng 4. @NicolasSeneze)

Nhưng chính vào đêm Phục sinh, vào buổi Canh thức ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, “ngày của thinh lặng tuyệt đối”, Đức Phanxicô nhắc đến sự thiếu vắng mà các tín hữu công giáo vì cách ly nên không thể họp nhau để tuyên xưng đức tin, ngài so sánh nỗi buồn này với nỗi buồn của các phụ nữ tại ngôi mộ trống.

“Các con đừng sợ: những chữ này là những chữ nói với chúng ta ngày hôm nay.”

Đức Phanxicô tóm tắt: “Cũng như chúng ta, các bà đã chịu đau khổ, một đau khổ bất ngờ xảy đến quá nhanh. Họ đã nhìn thấy cái chết và cái chết ở trong tim họï. Nỗi đau khổ cọng thêm nỗi sợ hãi (…). Với họ, đây là giờ đen tối nhất, cũng như với chúng ta bây giờ.”

Dù vậy họ “không để mình bị tê liệt, họ cũng không chạy trốn thực tại” nhưng “chuẩn bị nước hoa tẩm xác Chúa.” Đức Phanxicô gợi lên hình ảnh song song của những người chăm sóc người bệnh, cũng như các bà ngày xưa, các người chăm sóc là “hạt giống hy vọng”.

Vì trong đại dịch này, trên hết là hy vọng gắn liền với ngày lễ Phục sinh. “Đừng lo sợ, đừng hãi sợ”: lời thiên thần nói với các bà là lời “dành cho chúng ta hôm nay”, ngài nhắc “quyền cơ bản sẽ không được lấy khỏi chúng ta: đó là quyền hy vọng.

“Lây lan hy vọng”

Đức Phanxicô nhấn mạnh, đây không phải là lạc quan đơn giản, như một cái vỗ vai “Mọi thứ sẽ ổn” như người Ý hô to để ngăn chặn nỗi sợ tăng dần. Thật vậy, bị giam trong mộ, “nơi chỉ có đi vào mà không đi ra” và “Chúa Giêsu đã đi ra cho chúng ta, đã sống lại cho chúng ta” để mang sự sống đến nơi cái chết, để bắt đầu một câu chuyện mà chúng ta đặt tảng đá lên”, Đức Phanxicô khẳng định trong vương cung thánh đường trống rỗng, biểu tượng đêm tối của ngôi mộ trống ở Giêrusalem.

Trong sứ điệp urbi et orbi trưa ngày chúa nhật

Phục Sinh, Đức Phanxicô lên tiếng: “Trong một thế giới bị đại dịch khống chế, thì cuối cùng là sự lây lan của hy vọng.”

Một lời kêu gọi hy vọng và đoàn kết. Ngài khẩn thiết kêu gọi một “tinh thần đoàn kết cụ thể để chống lại sự ích kỷ của những lợi ích đặc biệt” đối với một Liên minh châu Âu mà các thành viên không đặc biệt xuất sắc về tình đoàn kết của họ, đặc biệt là với nước Ý.

“Sự thờ ơ, ích kỷ, chia rẽ, quên lãng không phải là những chữ chúng ta muốn nghe”

Đối với Đức Phanxicô, không phải vì đại dịch là dịp để chúng ta quên những người sống trong hoàn cảnh bấp bênh, dù các nước giàu cũng bị nạn dịch tấn công, những người nghèo, những người thiếu thuốc men, những người di dân càng chết hơn bao giờ hết trong sự thờ ơ nói chung…

Đức Phanxicô mạnh mẽ xin “ngừng bắn toàn cầu và ngay lập tức ở tất cả các khu vực trên thế giới” và ngài long trọng xin giảm nợ cho các nước nghèo, nếu được xin hoàn toàn xóa nợ.”

Trong sứ điệp Phục Sinh của mình, ngài kết luận “sự thờ ơ, ích kỷ, chia rẽ, hay quên lãng không phải là những chữ chúng ta muốn nghe lúc này”, ngài phác họa một “ngày sau đó” là ngày thế giới đổi mới. Một thế giới, như ngài đã nói vào chiều thứ bảy, tín hữu kitô sẽ là người loan báo sự sống, người loan báo hy vọng cho tất cả mọi người chứ không bị cách ly trong các nơi thiêng liêng của chúng ta.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Nguồn: phanxico.vn

Bình luận
error: Content is protected !!