Chính quyền cộng sản tại Trung Quốc đã bắt đầu một làn sóng tháo dỡ Thánh giá khác khi đại dịch coronavirus được báo cáo đã lắng xuống tại Trung Hoa đại lục.
Trong hai tuần qua, các nhà chức trách đã tiếp tục tháo dỡ Thánh giá khỏi đỉnh tháp chuông tại hai nhà thờ, các nguồn tin phát biểu với UCA News vào ngày 27 tháng Tư. Họ lo sợ về các hành động như vậy.
Việc tháo dỡ Thánh giá bắt đầu khi chính quyền báo cáo việc xuất viện của bệnh nhân Covid-19 cuối cùng ở Vũ Hán, thành phố trung tâm của Trung Quốc nơi coronavirus được báo cáo lần đầu tiên vào tháng 12 năm ngoái.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết cả nước chỉ báo cáo ba trường hợp nhiễm Covid-19 vào ngày 26 tháng Tư. Hai trong số đó đều là người Trung Quốc trở về từ nước ngoài, trong khi một người khác bị lây nhiễm từ cộng đồng tại địa phương.
Hoạt động tháo dỡ Thánh giá bắt đầu khi các quan chức chính phủ trở nên tương đối thoát khỏi áp lực chống lại đại dịch Covid-19, các nhà lãnh đạo Kitô giáo nói.
Các nhà chức trách đã gỡ bỏ Thánh giá tại Nhà thờ Đức Mẹ Mân côi tại Giáo phận An Huy vào ngày 18 tháng 4, theo John, một nguồn tin trong Giáo phận cho biết.
Ông chia sẻ rằng nhà thờ này được coi như là một phần của Giáo hội công khai được nhà nước công nhận nhưng không có bất kỳ vị Linh mục hay Nữ tu nào lãnh đạo các hoạt động tôn giáo tại đây. Giáo dân tự quản lý các chương trình tôn giáo của mình.
Năm ngày trước khi vụ việc xảy ra, ông John cho biết, lãnh đạo Giáo xứ đã tiếp cận chính quyền địa phương về việc sửa chữa tòa nhà. Nhưng các quan chức cho biết kế hoạch được dự kiến sẽ tiến hành tháo dỡ Thánh giá của cả hai nhà thờ Công giáo và Tin lành trong khu vực.
Một quan chức chính quyền địa phương, được gọi là giám đốc cộng đồng, vào ngày 16 tháng 4 đã yêu cầu giáo dân trao cho họ chìa khóa nhà thờ. “Họ muốn vào nhà thờ và dỡ bỏ Thánh giá”, ông John nói.
Giáo dân đã báo cáo vụ việc cho Đức Cha Giuse Lưu Tân Hồng (Liu Xinhong) Địa phận An Huy. Đức Cha Liu Xinhong đã chỉ thị họ đến văn phòng địa phương của Hiệp hội Yêu nước Công giáo Trung Quốc do nhà nước phe chuẩn và hỏi chi tiết. Nhưng các quan chức địa phương của hiệp hội đã phủ nhận việc có thông tin về vấn đề này.
Giám đốc cộng đồng đã nói với giáo dân vào ngày 17 tháng 4 rằng các quan chức đang hành động “theo chỉ đạo của cấp trên”. Tuy nhiên, không có tài liệu hay văn bản nào được đưa ra để chứng minh cho tuyên bố này.
Vào ngày 18 tháng 4, giám đốc cộng đồng đã dẫn đầu một nhóm thanh niên để dỡ bỏ Thánh giá.
Trong một diễn biến khác tại Giáo phận An Huy vào ngày 19 tháng 4, một cây Thánh giá đã bị dỡ bỏ khỏi một nhà thờ ở quận Yongqiao của thành phố Tô Châu vào khoảng 4 giờ sáng, có lẽ để tránh người Công giáo tụ tập phản đối, một giáo dân tên Paul cho biết.
Hoạt động tháo dỡ Thánh giá vào lúc sáng sớm được thực hiện dưới sự bảo vệ của cảnh sát. Các quan chức cảnh sát không cho phép mọi người vào nhà thờ, tụ tập bên ngoài hoặc chụp ảnh. Một chiếc điện thoại di động đã bị tịch thu khi chụp ảnh vụ việc.
Trong vụ việc mới nhất vào ngày 27 tháng 4, nhà chức trách đã cố gắng gỡ bỏ Thánh giá của một nhà thờ Tin lành ở Tô Châu thuộc thành phố Hợp Phì.
“Thói quen và chiến thuật tương tự đã được sử dụng trên khắp Trung Quốc”, Cha Chen thuộc Địa phận An Huy, cho biết. “Đây không phải là trường hợp của một Giáo phận hoặc tỉnh cụ thể nào. Nó đang diễn ra trên khắp đại lục, nhưng Giáo hội tại đại lục vẫn tiếp tục im lặng”.
Cha Chen tin rằng Giáo phận An Huy sẽ phải đối mặt với chiến dịch loại bỏ Thánh giá nhiều hơn. “Nếu các nhà thờ không cùng nhau hiệp lực phản đối, sẽ có thêm nhiều Thánh giá sẽ bị tháo dỡ”, Cha Chen nói.
Cuộc bách hại vẫn tiếp diễn
Giáo phận Hàm Đan ở tỉnh Hà Bắc cũng đang phải đối mặt với chiến dịch tháo dỡ Thánh giá hoặc thậm chí là phá hủy toàn bộ các tòa nhà nhà thờ.
Một thành viên cấp cao của hàng giáo sĩ, muốn giấu danh tính, cho biết Giáo phận gần đây đã nhận được thông báo từ chính quyền yêu cầu việc tháo dỡ Thánh giá bên ngoài bốn nhà thờ ở Feixiang.
Vị giáo sĩ cấp cao phát biểu với UCA News rằng kể từ năm 2019, các tín hữu Công giáo và các tôn giáo khác đã được yêu cầu thay đổi “các tòa nhà không hợp pháp” của họ để biến chúng trở thành hợp pháp theo yêu cầu của luật pháp.
Vị giáo sĩ cho biết rằng, theo một nghĩa nào đó, những hành động này không thể được gọi là tháo dỡ Thánh giá bởi vì những nhà thờ đó không được đăng ký với nhà nước đối với các hoạt động tôn giáo.
“Sau khi biểu tượng tôn giáo bị tháo dỡ, nhà thờ được thay đổi trở thành một trung tâm hoạt động, một viện dưỡng lão hoặc một thứ gì đó tương tự. Nó không còn là một nhà thờ nữa”, vị giáo sĩ nói.
Kể từ tháng 10 năm 2018, hàng trăm Thánh giá trên khắp Trung Quốc đã bị tháo dỡ. Các Giáo phận ở các tỉnh Chiết Giang, Hà Nam, Hà Bắc và Quý Châu đã chứng kiến hàng loạt Thánh giá đã bị tháo dỡ, được cho là sau khi họ vi phạm luật quy hoạch.
Vào tháng 10 năm 2019, một nhà thờ ở huyện Guantao, Hà Bắc đã bị phá hủy vì bị cáo buộc tội “chiếm giữ trái phép đất canh tác”. Chỉ riêng trong năm nay, Thánh giá của hai nhà thờ ở huyện Qiu ở Hà Bắc đã bị tháo dỡ.
Các Linh mục cho biết các Giáo phận thường sẽ hợp tác trong việc tháo dỡ Thánh giá với hy vọng cứu được tòa nhà thuộc sở hữu của Giáo hội.
Cha Chen cho biết cuộc đàn áp Giáo hội đã gia tăng kể từ khi Vatican ký thỏa thuận với Trung Quốc vào tháng 9 năm 2018 về việc bổ nhiệm các Giám mục. Thỏa thuận tạm thời cho phép Đức Giáo hoàng bổ nhiệm và phủ quyết các Giám mục do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phê duyệt. Thỏa thuận này nhằm mục đích hợp nhất Giáo hội công khai do chính phủ điều hành với Giáo hội hầm trú trung thành với Vatican.
Cha Chen cho biết rằng ĐCSTQ không từ bỏ cuộc đàn áp tôn giáo thậm chí ngay cả khi Covid-19 đang hoành hành tại Trung Quốc. Cha Chen kêu gọi các tín hữu Công giáo trên toàn cầu cùng chung tay và lên tiếng để khôi phục quyền của các Kitô hữu tại Trung Quốc.
Minh Tuệ (theo UCA News)
Nguồn dcctvn.org