Icon Collap
...
Trang chủ / Đức Thánh cha: Trước mặt Chúa, tất cả chúng ta là những người hành khất

Đức Thánh cha: Trước mặt Chúa, tất cả chúng ta là những người hành khất

Sáng thứ Tư, 06/5/2020, Đức Thánh cha Phanxicô đã thực hiện buổi tiếp kiến trực tuyến thứ chín, từ thư viện Giáo hoàng trong dinh Tông Tòa, không có tín hữu tham dự, ngoài tám linh mục thuộc phủ Quốc vụ Khanh đảm phận việc thông dịch bài huấn giáo và những lời chào của Đức Thánh cha ra các sinh ngữ chính, hai giám chức phụ giúp ngài và các nhân viên kỹ thuật thu hình.

Tuy có sự giảm sút tại một số nơi, nhưng nói chung đại dịch Covid-19 tiếp tục lan tràn trên thế giới. Trong một tuần qua, có thêm gần 589.000 người bị nhiễm coronavirus và hiện có ba triệu 728.000 bệnh nhân. Có thêm 40.000 người thiệt mạng nâng tổng số nạn nhân lên gần 258.400 người, tính đến chiều ngày 05/5/2020.

Trong phần tôn vinh Lời Chúa mở đầu, tám linh mục thông dịch đã lần lượt đọc đoạn Tin mừng theo thánh Marco (10,46-52), kể lại phép lạ Chúa chữa người mù hành khất Bartimeo, sau khi anh ta kêu cầu “Lạy Đức Giêsu, Con Vua Đavit, xin thương con!”

Huấn dụ của Đức Thánh cha

Trong bài huấn giáo tiếp đó, Đức Thánh cha bắt đầu loạt bài giáo lý mới về sự cầu nguyện. Ngài nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

“Hôm nay, chúng ta bắt đầu một loạt bài giáo lý với về đề tài cầu nguyện. Cầu nguyện là hơi thở của đức tin, là sự biểu lộ đức tin một cách thích hợp nhất. Cầu nguyện như một tiếng kêu xuất phát từ con tim của người tin tưởng và tín thác nơi Thiên Chúa.

“Chúng ta hãy nghĩ đến câu chuyện Bartimeo, một nhân vật của Tin mừng (Xc. 10,46-52). Anh ta mù và ngồi ăn xin bên vệ đường, ở ven thành Giêricô, nơi anh sinh sống. Anh ta không phải là một nhân vật vô danh, nhưng có một khuôn mặt, một danh xưng là Bartimeo, nghĩa là “con của Timeo”. Một hôm, Barimeo nghe nói Chúa Giêsu đi qua đó. Thành Giêricô là một nơi dân chúng qua lại, liên tục có những người hành hương và thương gia. Thế là Bartimeo làm tất cả những gì có thể để gặp Chúa Giêsu.

Thái độ của Bartimeo biểu lộ ý nghĩa nòng cốt của cầu nguyện

“Vì thế, người ấy đi vào Tin mừng như một tiếng kêu vang. Ông ta không nhìn thấy, không biết Chúa Giêsu ở gần hay xa, nhưng qua đám đông ông hiểu rằng số người đông hơn và Chúa đang đến gần… Nhưng ông hoàn toàn lẻ loi và chẳng ai quan tâm đến ông. Vậy Bartimeo làm gì? Ông kêu lên. Ông dùng khí giới duy nhất ông có, đó là tiếng nói. Ông bắt đầu kêu: “Lạy Đức Giêsu, Con Vua Đavít, xin thương con!” (v.47).

Đức Thánh cha nhận xét rằng:

“Tiếng kêu liên tục của ông làm cho người ta khó chịu. Nhiều người trách và bảo ông im đi. Nhưng Bartimeo không im, trái lại, ông càng kêu to hơn: “Lạy Đức Giêsu, Con Vua Đavít, xin thương con!” (v.47). Thành ngữ “Con Vua Đavit” rất quan trọng và có nghĩa là “Đức Messia”. Đó là một sự tuyên xưng niềm tin, xuất phát từ miệng của người bị mọi người khinh rẻ.

“Và Chúa Giêsu nghe tiếng kêu của ông. Kinh nguyện của Bartimeo đánh động tâm hồn của Ngài, tâm hồn của Thiên Chúa, và những cánh cửa cứu độ được mở ra cho ông. Chúa Giêsu cho gọi ông. Ông nhảy lên và những người trước đó bảo ông im đi, nay dẫn ông đến cùng Thầy. Chúa Giêsu nói với ông, bảo ông biểu lộ ước muốn của ông – đây là điều quan trọng – và lúc ấy tiếng kêu của ông trở thành lời xin: “Xin cho tôi được thấy!” (v.51).

“Chúa Giêsu nói với ông: “Anh hãy đi, đức tin của anh đã cứu anh” (v. 52). Ngài nhìn nhận nơi người nghèo, yếu đuối, bị khinh rẻ ấy tất cả sức mạnh đức tin của ông. Niềm tin ấy đã lôi kéo lòng thương xót và quyền năng của Thiên Chúa. Đức tin là có hai tay giơ lên, một tiếng kêu lên để khẩn cầu ơn cứu độ. Sách Giáo lý dạy rằng “lòng khiêm tốn là nền tảng của kinh nguyện” (SGLCG, 2559). Kinh nguyện nảy sinh từ đất, từ “humus” – từ ‘umile’, ‘umiltà’, nghĩa là lòng khiêm tốn; từ tình trạng bấp bênh của chúng ta, từ lòng liên tục khao khát của chúng ta đối với Thiên Chúa (Xc SGLCG, 2560-2561).

Đức tin là tiếng kêu; sự không tin tưởng bóp nghẹt tiếng kêu ấy, một thứ “im lặng ém nhẹm”. Đức tin là một sự phản đối chống lại một tình cảnh cơ cực mà chúng ta không hiểu lý do; thái độ không tin tưởng chỉ thu hẹp vào sự chịu đựng một hoàn cảnh mà chúng ta thích ứng để chịu đựng. Đức tin là hy vọng được cứu thoát; trong khi không tin tưởng là làm quen với bất hạnh đè nén chúng ta.

Giải thích ý nghĩa cầu nguyện

Từ những trình bày trên đây, Đức Thánh cha nói:

“Anh chị em thân mến, chúng ta bắt đầu loạt bài giáo lý này với tiếng kêu của Bartimeo, vì có lẽ trong một hình ảnh như của anh ta, có viết lên tất cả. Bartimeo là một người kiên trì. Chung quanh anh có những người giải thích rằng khẩn cầu như anh là điều vô ích, một tiếng kêu không có câu trả lời, là tiếng ồn ào gây phiền toái, vậy thôi. Nhưng Bartimeo không im lặng. Và sau cùng, anh ta đã đạt được điều anh mong muốn.

“Mạnh mẽ hơn bất kỳ luận điệu trái ngược, trong tâm hồn con người có một tiếng kêu cầu. Một tiếng kêu bộc phát, mà chẳng ai truyền khiến, một tiếng kêu tự hỏi về ý nghĩa hành trình của chúng ta nơi trần thế này, nhất là khi chúng ta ở trong tăm tối: “Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con! Lạy Chúa Giêsu xin thương xót tất cả chúng con!”

“Nhưng có lẽ những lời ấy đã chẳng được ghi trong toàn thể thụ tạo sao? Tất cả thụ tạo đều kêu cầu và khẩn nguyện để mầu nhiệm thương xót được viên mãn chung cục. Có các tín hữu Kitô không cầu nguyện đơn độc: họ chia sẻ tiếng kêu khẩn nguyện với tất cả mọi người nam nữ. Nhưng chân trời còn có thể mở rộng hơn nữa: Thánh Phaolô khẳng định rằng toàn thể thụ tạo “rên xiết và đau đớn như khi sinh con” (Rm 8,22). Các nghệ sĩ thường diễn tả tiếng kêu thầm lặng ấy đang đè nặng trên mọi thụ tạo và nhất là trổi lên trong tâm hồn con người, vì con người là “một người hành khất của Thiên Chúa”. (Xc. SGLCG, 2559)

Chào thăm các tín hữu

Sau bài huấn dụ bằng tiếng Ý trên đây, tám linh mục lần lượt tóm tắt bài huấn giáo và những lời chào thăm của Đức Thánh cha qua các sinh ngữ khác nhau.

Đặc biệt, khi chào các tín hữu bằng tiếng Ba Lan, Đức Thánh cha nói thêm rằng: “Ngày 08/5 tới đây, anh chị em sẽ mừng lễ trọng kính thánh Stanislao, giám mục tử đạo, bổn mạng của Ba Lan. Từ nhiều thế kỷ, vị đại thánh này vẫn tồn tại trong ký ức và linh đạo của người Ba Lan, như một vị kiên cường bảo vệ đức tin, trật tự luân lý và xã hội, vị bênh vực những người yếu thế nhất và vô phương tự vệ, vị mục tử sẵn sàng hiến mạng sống vì Chúa Giêsu và vì đoàn chiên. Qua lời chuyển cầu của thánh nhân, chúng ta hãy cầu nguyện cho Giáo hội tại Ba Lan và cho nhân dân nước này, để trong tình cảnh khó khăn hiện nay của thế giới vì đại dịch và trong mọi thời đại, họ được phúc lành của Thiên Chúa, an bình và thịnh vượng.

Lời kêu gọi và nhắn nhủ

Đức Thánh cha nhắn nhủ các tín hữu rằng: “Ngày thứ Sáu, 08/5 tới đây, tại Đền thánh Đức Mẹ Pompei, sẽ có những lời khẩn nguyện thiết tha được dâng lên “Đức Mẹ Mân Côi”. Tôi nhắn nhủ tất cả mọi người hãy hiệp ý với cử chỉ đức tin và sùng mộ bình dân này, để xin Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ, ban cho Giáo hội và toàn thế giới được lòng thương xót và an bình”.

Sau cùng, khi chào các tín hữu bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha nhắn nhủ rằng: “Chúng ta mới bắt đầu tháng Năm, tháng mà lòng đạo đức bình dân Công giáo dành để kính Mẹ Thiên Chúa. Tôi khuyên anh chị em hãy tín thác nơi Mẹ, – khi đứng dưới chân thánh giá, – Người đã được Chúa ban cho chúng ta như Mẹ hiền.”

Đức Thánh cha chào thăm các bạn trẻ, các bệnh nhân và các đôi tân hôn. Ngài nói: “Anh chị em hãy tín thác đặt mình dưới sự bảo vệ hiền mẫu của Mẹ Maria và hãy tin chắc rằng Mẹ sẽ không để anh chị em thiếu sự an ủi của Mẹ trong lúc thử thách. Xin Chúa chúc lành và xin Mẹ bảo vệ anh chị em!”

Buổi tiếp kiến trực tuyến của Đức Thánh cha kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành ngài ban cho các tín hữu theo dõi buổi tiếp kiến qua các phương tiện truyền thông.

G. Trần Đức Anh, O.P.
Bình luận
error: Content is protected !!