Icon Collap
...
Trang chủ / Gương sống đạo từ những người cha trong gia đình

Gương sống đạo từ những người cha trong gia đình

Cha là người sinh ra ta, vất vả nuôi ta khôn lớn, hi sinh và nhọc nhằn sớm hôm, nắng mưa vì ta chỉ mong ta nên người. Qua đó cho ta thấy được rằng người cha có vai trò và ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống mỗi người con trong gia đình. Vậy còn người cha mang danh Kitô hữu thì sao, có gì khác biệt? Hình tượng và vai trò của người cha đối với con cái không chỉ ảnh hưởng trong đời sống mà còn cả trong thực hành đức tin…

“Cha tôi không bao giờ nhắc nhở con cái ra mặt bằng lời, nhất là khi chúng tôi đã trưởng thành. Thay vào đó, cha làm. Anh em trong nhà thấy cha chỉnh tề, sốt sắng rồi cứ vậy mà lao phần mình”, chị Nguyễn Thị Thanh Vân, (29 tuổi, giáo xứ Tắc Sậy, giáo phận Cần Thơ) chia sẻ. Ở một giáo xứ quê và giàu truyền thống nhà đạo như nơi chị sống, lửa sốt mến ăn sâu vào tâm khảm từng người, đi qua các thế hệ. Vân tả, cha mình khá giống ông nội, từ ngoại hình đến tính cách, nhất là việc đạo đức. Ngày nội còn sống, ông cũng là cánh tay đắc lực của cha xứ, chu toàn chuyện nhà thờ lẫn gia đình. Không những thế, ông ươm mầm để chú của Vân bây giờ đi tu, trở thành linh mục.

Cha Vân, trong tâm thức của cô, cũng say mê, siêng năng như vậy: “Chắc theo gương ông nội mà bây giờ, cha cũng theo giúp nhà thờ. Nhà ai có người đau yếu, giỗ chạp, cần giúp gì là cha có mặt ngay. Tuy nhiên, thói quen này nhiều khi ảnh hưởng tới gia đình, vì có lúc mẹ cần cha phụ chuyện nào đó lại phải đợi người đàn ông đi xong việc nhà thờ rồi về. Nhưng mẹ bảo quen rồi. Bà cảm thấy vui vì chồng mình giúp nhiều người trong xóm, bà con quý mến”. Vân tâm sự thêm, thật ra, cũng có khi thấy mẹ càm ràm vì cha cứ đi tới tận khuya hoặc là lúc mọi thứ hoàn tất, nhất là lễ tang nhà nào. Mẹ hiểu hàng xóm, cần sống có tình có nghĩa và việc cha đi phụ trong lúc tang gia bối rối là điều nên làm, nhưng mẹ lo cho sức khỏe của cha. Ngược lại, người đàn ông nhiệt tình đáp gọn bâng: “Nghĩa tử là nghĩa tận”. Và, với những người có hoàn cảnh khó khăn hay thân thiết, ông lại càng xông xáo hơn.

Vân cũng tự nhận lúc nhỏ, cô xem cha mình như một thần tượng. Những buổi chiều, cha nắm tay con gái đi lễ trên con đường đất, cạnh dòng sông thanh bình. Lớn lên một chút, cha dạy tập xe đạp, cô chạy xe đi lễ, đi học với đám bạn, còn cha thì chậm rãi theo sau. “Mình có cảm tưởng, cha luôn dõi theo mình”, cô gái đang chuẩn bị lập gia đình nói.

Trong một giáo xứ, thông thường các thành viên Hội đồng Mục vụ, có nơi gọi là Ban hành giáo, số đàn ông nhiều hơn phụ nữ. Có lẽ, vì nữ giới thích tham gia các hội đoàn như Legio, ca đoàn… nhiều hơn để phục vụ lời ca tiếng hát và các công việc thầm lặng phía sau. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng tham gia các đoàn thể, hoặc là chỉ một trong hai, nhưng không vì thế mà bị coi là bê trễ. Theo chị Trần Thị Xuân Ðào, (giáo xứ Mặc Bắc, giáo phận Vĩnh Long) thì dù ít tham gia các hội đoàn, song cha của chị lại có khá nhiều con thiêng liêng: “Ngày Tết, tôi thấy cha cứ loay hoay tiếp con đỡ đầu, cũng gần hai chục người chứ ít đâu. Ði chơi chỗ này, chỗ kia, tôi nghe người ta bảo cha tôi hiền lành, tốt bụng. Dường như vì vậy mà họ tin tưởng để gởi gắm con trẻ cho cha tôi cầu nguyện, đỡ nâng đức tin”. Chị Ðào còn cho biết thêm, thật ra trong gia đình, ông Khánh – cha chị, khá trầm tính, ít nói. Ðiều mà chị thấy phục ở cha là sự đúng giờ, trong các cuộc hẹn, trong các nghi lễ, sinh hoạt. Tham dự phụng vụ, khi nhà thờ vừa đánh chuông, ông đã chuẩn bị tươm tất để đi trước, chọn cho mình ghế trong nhà thờ, không bao giờ đứng ngoài cửa hay đi trễ, dù giáo xứ mới bắt đầu nguyện các kinh trước lễ.

Sống đức tin giữa đời thường cũng là cách những người cha hun đúc tinh thần đạo nghĩa và tình yêu thương cho con cái…

Có khi, sự điềm tĩnh và ít nói của cha lại làm nên nét dễ thương trong tâm con cái. Anh Nguyễn Thiên Ðức, giáo xứ Bình An, TGP TPHCM cho biết, cha anh hay có cách nhắc nhở con cái nhẹ nhàng: “Có lần, tôi trốn đọc kinh tối, đi chơi tới nửa đêm mới về mà không báo trước xin phép gia đình. Thế là, ba nói nhỏ với mẹ ngay. Qua hôm sau, mẹ nhắc. Nhưng ba vẫn cứ bình thường với tôi, thậm chí còn cố ý hỏi đêm hôm qua đi sinh nhật vui không?”. Ðức cho là ba mình không khó, nhưng ba có nguyên tắc. Từ đó về sau, anh rút kinh nghiệm để tranh thủ đọc kinh chung với gia đình. Chỉ cuối tuần hoặc các cuộc hẹn thật sự quan trọng thì mới xin phép vắng nhà.

Người trẻ ngày nay bị cho là lơ là bổn phận đạo đức như đọc kinh, dự thánh lễ chẳng hạn; tham dự phụng vụ thì vào trễ, về sớm; ăn mặc đôi khi lại lôi thôi; và cũng chẳng mấy khi chịu gia nhập các đoàn hội, hoặc thực hành các việc đạo đức bình dân, kiệu Ðức Mẹ, kiệu thánh Cả… “Giáo xứ bây giờ chỉ toàn những ông, bà già”, đó là câu than phiền chung của các cha xứ. Tuy nhiên, cũng có những nơi, giới trẻ khá tích cực. Người trẻ ly hương, mang theo tinh thần hăng hái đó tới các giáo xứ phục vụ. Khi được hỏi về những tình cảm, về sinh hoạt trong gia đình, có người lại thành thật bảo rằng mẫu gương sống đạo của người cha giúp họ ý thức kinh kệ, chăm lo ích lợi thiêng liêng. Theo Khánh Ngọc, một bạn trẻ tích cực tại giáo xứ Thăng Long, TGP TPHCM thì dù đi xa quê nhưng vẫn ham mê sinh hoạt đoàn hội, ca hát: “Tôi nghĩ, gia đình đã tập cho tôi các thói quen đao đức, sinh hoạt. Mẹ và cha tôi là cây văn nghệ của giáo xứ quê nhà”. Trong lời chia sẻ của cô gái về cha mình thì chính cha là người dạy cô hát và đệm những bản thánh ca đầu tiên bằng cây đàn organ và còn dạy cả bộ môn sáo trúc. Mấy ngày nghỉ lễ, tết, sum họp gia đình, cả nhà cô đã đủ làm náo động bầu khí một khoảng không gian quê. Cha là giáo viên âm nhạc, chơi được sáo, organ và guitar. Mẹ cô, một giọng nữ chính trong ca đoàn hiền mẫu ở quê. Còn đứa em trai 13 tuổi, cũng đang được cha dạy cho cách bấm nốt, học hợp âm. “Nhiều khi nhớ nhà, mình kêu em trai quay clip lúc cha mẹ đàn hát, nhìn cũng vui. Ở xa, thi thoảng cha hay gọi điện để nhắc con cái lễ lạt, kinh sách, nhắc cả cách ăn ở, đối nhân xử thế với bạn bè, với các mối quan hệ”. Tuy xa, nhưng có thể cảm nhận, trong cô, gia đình ở rất gần, nhất là cha, người truyền lửa văn nghệ cho cô…

Nói về cha, về những điều tốt, điều hay… chắc hẳn sẽ là câu chuyện dài với mỗi người. Có những người hạnh phúc, không chỉ bởi sinh trưởng trong gia đình giàu có mà còn vì tình cảm gắn bó sâu sắc và thiêng liêng với cha, từ những cử chỉ nhỏ bé. Trong cuộc sống và cả đời sống đức tin, hình ảnh người cha tốt lành dù ở thời nào cũng đọng lại sâu trong tâm khảm con cái.

 

Nguồn: cgvdt.vn

Bình luận
error: Content is protected !!