Có lẽ chỉ có con người là có một đời sống đa chiều và phức tạp với rất nhiều khía cạnh khác nhau. Xét cho cùng, chúng ta cũng chỉ là một loài động vật với những nhu cầu thể lý để sinh tồn. Nhưng chúng ta tự thấy mình không giống với các loài sinh vật khác. Trong nhận thức của mình, chúng ta thấy nếu chỉ là ăn uống để tồn tại thôi thì không đủ để làm nên cuộc sống. Chúng ta chưa bao giờ thấy một loài động vật nào bận tâm suy nghĩ về cái gọi là lý tưởng, ý nghĩa… Nó thậm chí còn không biết những điều đó là gì. Cuộc sống của chúng thật đơn giản!
Nhưng con người chúng ta thì khác hẳn. Dù có khi đời sống vật chất và tinh thần của mình chẳng thiếu thốn gì, nhưng nhiều lúc, có một cảm giác chán chường, hoang mang nào đó xảy đến trong ta. Ta thấy mình lạc lõng giữa dòng đời, thấy mình èo uột, tương lai mù mịt, hiện tại tối đen, chẳng biết mình đang làm gì và cuộc sống của mình rồi sẽ đi về đâu. Đánh mất đi ý nghĩa của cuộc sống thì cũng là đánh mất cả bản thân. Chúng ta là giống loài duy nhất biết ưu tư, biết lo lắng, biết lên đường đi tìm những giá trị chân thật, biết khoắc khoải, bồn chồn… Đây là những cảm xúc xảy đến “bên trong” chúng ta. Có một thực tại rộng lớn nằm sâu trong “lòng” chúng ta, nơi đó đã tuôn trào ra những vấn đề mà chúng ta gọi là “hiện sinh”. Chính nó là cái làm cho cuộc sống chúng ta trở nên phức tạp và cũng trỗi vượt hơn mọi loài khác.
Như thế, con người chúng ta không chỉ là thể lý, vật chất, hữu hình… nhưng còn có “linh hồn”, cái gì đó nằm đằng sau tất cả, vô hình, mang tính linh thiêng, thần thánh. Nó chi phối con người và cho thấy “tình trạng” của con người. “Hồn” chính là sức sống, là cái làm cho sống động. Đây là phần nối con người với siêu việt, nâng con người lên cao, tách con người ra khỏi những gì là tầm thường và nhỏ bé. Nó cũng đóng một vai trò không nhỏ đối với con người. Nó không quyết định hoàn toàn chuyện cơm áo, nhưng lại có ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của chúng ta. Nó cũng tác động đến những yếu tố bên ngoài như cách ta hành xử, các mối tương quan, những chọn lựa hay sự hài lòng của chúng ta về chính bản thân mình. Thế giới bên trong ấy, quan trọng là thế nhưng vì vốn dĩ là vô hình và có vẻ ẩn kín, nên rất dễ bị bỏ quên. Quả vậy, con người thường chỉ chú tâm đến cái bên ngoài. Cho đến khi gặp vấn đề, họ mới giật mình và nhận ra là hình như họ đã bỏ qua điều gì đó.
Con người ngày nay thường sống quá vội vàng. Vội trong thời gian, vội cả trong suy nghĩ. Người ta vội nên quên nhiều thứ. Vội nên bỏ qua nhiều chuyện, không có thời giờ để thưởng ngoạn từng giây phút Trời ban. Vội nên thích những gì nhanh chóng, bề mặt, chạy theo hiệu quả. Đã đành là với sự phát triển của kinh tế thị trường, người ta không thể chậm trễ để mất đi những cơ hội làm giàu, nhưng một kiểu sống vội như thế sẽ dần dần làm cho con người quên là mình cần phải “sống”. Con người sẽ sống thiếu chiều sâu, chỉ thấy những điều trước mắt, dễ mất niềm tin, mất định hướng. Dần dần, họ sẽ nảy sinh một cách sống hời hợt, không tìm thấy ý nghĩa cho sự hiện hữu của mình. Có khi họ chạy theo những cám dỗ của cuộc đời mà đánh mất chính bản thân, dẫn đến những cách hành xử nông nổi, bộp chộp, gây ra những hậu quả tai hại khôn lường.
Thực ra, các khía cạnh trong con người chúng ta đều có mối tương quan với nhau. Khía cạnh này phát triển thì khía cạnh khác cũng được hưởng nhờ. Nhưng mỗi khía cạnh cũng cần được trau dồi theo cách riêng của nó. Thân thể của chúng ta cần được bồi bổ qua các bài thể dục, thì phần thiêng liêng cũng cần được thao luyện để trở nên mạnh mẽ, vững vàng và ổn định hơn. Ta không bỏ qua các khía cạnh thể lý, tâm lý, tinh thần, nhưng cũng không được phép quên khía cạnh thiêng liêng, nghĩa là đầu tư cho phần “linh hồn” của mình.
Chúng ta cần những khoảng lặng trong ngày sống, vài phút thôi cũng được rồi. Lặng là đưa mình ra khỏi vòng xoáy của cuộc sống thường nhật, tưởng thưởng cho mình một sự nghỉ ngơi nội tâm. Sự thinh lặng sẽ đưa ta từ thế giới bên ngoài vào thế giới bên trong. Khoảng lặng ấy sẽ giúp ta gặp gỡ chính mình và gặp gỡ Siêu Việt đang ngự trị trong ta. Nó sẽ giúp ta thấy “tình trạng” cuộc sống của mình, biết mình đang ở đâu, biết những xáo trộn và lệch lạc đang chi phối bản thân mình. Những vùng ẩn khuất trong ta sẽ được chiếu sáng. Ta sẽ biết được nhiều thứ mà bấy lâu nay ta không để ý. Cái biết ấy sẽ cho chúng ta một sự giác ngộ, một tia sáng để ta sắp xếp lại cuộc đời mình, hưởng nếm cuộc sống mà Tạo Hoá tặng ban.
Tìm về với thực tại bên trong chính là con đường trở về với bản thân mình. Có một cái “tôi” nào đó đang ẩn khuất trong ta và đang chờ ta khám phá. Khám phá được nó rồi, ta sẽ thấy được ý nghĩa của cuộc sống và sự hiện hữu của bản thân. Nhờ đó, ta tự khắc sẽ cảm nhận được một niềm hạnh phúc lớn lao vì ngộ ra được giá trị cũng như phẩm giá cao quý của mình. Thế giới nội tâm của ta càng được quan tâm, ta sẽ càng gia tăng ý thức, biết làm chủ bản thân, có sức mạnh để kiềm hãm những lệch lạc, đủ nghị lực và khôn ngoan để chỉnh đốn nó. Khi ấy, những phương diện khác của đời sống chúng ta cũng sẽ được điều hoà, con người tổng thể của chúng ta sẽ được hội nhất đầy đủ và tiến gần đến sự hoàn thiện hơn.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ