Trưa Chúa nhật 6/9/2020, Đức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền tin với khoảng 600 tín hữu Roma và nhiều người hành hương từ các nước khác, tại Quảng trường thánh Phêrô. Nhiều nhóm với những là cờ lớn, cờ quốc gia hoặc những biểu ngữ lớn về hội đoàn của họ.
Huấn dụ của Đức Thánh Cha
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh Cha diễn giải ý nghĩa bài Tin Mừng Chúa nhật XXIII thường niên năm A, với lời Chúa Giêsu dạy, và Đức Thánh Cha đặc biệt nhắc nhở các tín hữu tránh hết sức nói hành nói xấu người khác.
Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Bài Tin ừng Chúa Nhật hôm nay (xc. Mt 18,15-20) rút từ diễn văn thứ tư trong trình thuật của thánh Matthêu, quen gọi là diễn văn “cộng đoàn” hoặc “hội thánh”. Đoạn hôm nay nói về việc “sửa lỗi huynh đệ”, và mời gọi chúng ta suy tư về hai chiều kích của đời sống Kitô: chiều kích cộng đoàn, đòi phải bảo vệ tình hiệp thông, và chiều kích cá nhân, đòi phải chú ý và tôn trọng lương tâm của mỗi người.
Ba giai đoạn sửa lỗi
Để sửa chữa người anh em sai lầm, Chúa Giêsu đề nghị một lối sư phạm phục hồi, được trình bày qua ba đoạn. Trước tiên, Chúa nói: “Hãy khuyên bảo riêng giữa con và người ấy” (v.15), nghĩa là không phổ biến tội của họ. Điều cần làm ở đây là đến với người anh em ấy trong tinh thần kín đáo, không phải để phán xét họ, nhưng để giúp họ ý thức về điều họ đã làm. Bao nhiêu lần chúng ta đã trải qua kinh nghiệm này: có người đến và nói với chúng ta: “Anh à, anh đã sai lầm. Anh cần thay đổi một chút trong vấn đề này”. Có lẽ thoạt đầu chúng ta giận, nhưng rồi chúng ta cám ơn, vì đó là một cử chỉ huynh đệ, hiệp thông, giúp đỡ, phục hồi.
Không dễ thực hành giáo huấn này của Chúa Giêsu vì nhiều lý do khác nhau. Ta sợ người anh em, hoặc chị em ấy phản ứng không tốt; nhiều khi thiếu sự thân thiện đủ với người ấy và những lý do khác…
Giai đoạn hai
Tuy nhiên, có thể xảy ra là, mặc dù những ý hướng tốt của ta, sự can thiệp đầu tiên bị thất bại. Trong trường hợp này, tốt hơn đừng dừng lại, nhưng hãy nhờ sự hỗ trợ của người anh em, chị em khác. Chúa Giêsu nói: “Nếu người ấy không nghe, thì hãy đưa một hoặc hai người khác đi với con, để mỗi việc được giải quyết theo lời của hai hoặc ba nhân chứng” (v.16). Đây là một qui định theo luật Môisê (xc. Dnl 19,15). Mặc dù điều này có thể bị coi như chống bị cáo, nhưng trong thực tế, biện pháp này nhắm bảo vệ họ khỏi những người cáo gian. Chúa Giêsu còn đi xa hơn nữa: hai nhân chứng được yêu cầu không phải để cáo buộc hoặc xét xử, nhưng là để giúp đỡ. Thực vậy, Chúa Giêsu lưu ý rằng cả biện pháp thứ hai này, với các nhân chứng, cũng có thể bị thất bại, khác với luật Môisê, theo đó chứng tá của hai hoặc ba người đủ để kết án.”
Giai đoạn ba
“Thực vậy, cả tình thương của hai hoặc ba anh em cũng có thể là không đủ. Chúa Giêsu nói thêm rằng trong trường hợp như vậy, “hãy nói sự việc với cộng đoàn” (v.17), nghĩa là với Giáo hội. Trong một số hoàn cảnh, toàn thể cộng đoàn can dự. Có những điều không thể để các anh em khác dửng dưng: cần có một tình thương lớn hơn để phục hồi người anh em. Nhưng nhiều khi cả biện pháp này cũng không đủ. Chúa Giêsu nói: “Nếu người ấy không nghe cả cộng đoàn, thì hãy coi họ như dân ngoại và người thu thuế” (ibd.). Thành ngữ này có vẻ coi rẻ, nhưng trong thực tế là đặt người anh em ấy trong tay Thiên Chúa: chỉ có Chúa Cha mới có thể chứng tỏ một tình thương lớn hơn tình thương của tất cả các anh chị em hợp lại. Giáo huấn này của Chúa Giêsu giúp chúng ta rất nhiều, vì – ví dụ, khi chúng ta thấy một lỗi lầm, một khuyết điểm của anh chị em chúng ta, nhiều khi điều đầu tiên chúng ta làm là đi kể với người khác, và nói hành. Những vụ nói hành nói xấu khép kín tâm hồn đối với cộng đoàn, làm hại tình hiệp nhất của Giáo Hội. Kẻ nói hành nói xấu nhiều là ma quỉ, luôn luôn đi kể những điều xấu của người khác, vì hắn là kẻ nói dối, tìm cách làm cho Giáo hội bị chia rẽ, làm cho các anh chị em xa lìa, và không còn hợp thành cộng đoàn. Xin anh chị em vui lòng đừng nói hành nói xấu. Đây là một thứ dịch, tệ hơn cả dịch Covid-19.
“Đó là tình thương của Chúa Giêsu, Đấng đã đón nhận những người thu thuế và dân ngoại, khiến cho những người thông thái thời ấy lấy làm gương mù. Vì thế, đây không phải là một sự lên án chung kết, nhưng là nhìn nhận rằng nhiều khi những cố gắng nhân trần của chúng ta có thể thất bại, và chỉ có sự đặt mình trước Thiên Chúa mới có thể đặt người anh em đứng trước lương tâm và trách nhiệm về những hành vi của họ. Nếu sự việc không ổn, thì hãy im lặng và cầu nguyện cho người anh em, chị em đã sai lỗi, nhưng đừng bao giờ nói hành nói xấu họ.”
Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng con biến việc sửa lỗi huynh đệ thành một thói quen lành mạnh, để trong các cộng đoàn chúng con có thể luôn luôn thiết lập những quan hệ huynh đệ mới mẻ, dựa trên sự tha thứ cho nhau và nhất là trên sức mạnh vô địch của lòng Chúa thương xót”.
Bài đọc thêm:Chúa đau cùng con trong mùa đại dịch covid-19
Chào thăm
Sau khi đọc kinh truyền tin và ban phép lành Tòa Thánh cho các tín hữu, Đức Thánh cha nói:
“Anh chị em thân mến,;
Tôi chào tất cả anh chị em, người Roma và các tín hữu đến từ nhiều nước, các nhóm giáo dân của các giáo xứ và hội đoàn. Đặc biệt, tôi chào các chủng sinh Giáo hoàng Học viện Bắc Mỹ ở Roma và chủng sinh của Đại chủng viện Lubliana, Slovenia. Tôi chào các thiếu niên ở Cernusco sul Naviglio và Chiuso, đang mang khăn màu vàng, những người chuẩn bị tuyên xưng đức tin. Tôi nhắn nhủ tất cả hãy luôn gắn bó với Chúa Giêsu, là Đá Góc và là Mục Tử Nhân Lành.”
Đức Thánh Cha cũng chào các nữ vận động viên bị bệnh xơ cứng, đã đi bộ qua đường Francigena, từ thành Siena đến Roma này (hơn 250 cây số).
Cuối cùng, Đức Thánh Cha nói: “Tôi cầu chúc tất cả một Chúa nhật tốt đẹp. Và xin anh chị em vui lòng đừng quên cầu nguyện cho tôi!”
Nguồn; daichanlyachau