Ngày 14.09 hàng năm, Hội thánh dâng lễ kính suy tôn Thánh Giá tưởng niệm Chúa Giê-su chịu chết treo trên cây thập giá để cứu độ nhân loại. Sau đó một ngày, ngày 15.09, Hội thánh lại dâng lễ kính Đức Mẹ sầu bi hay ta còn gọi là 7 sự thương khó Đức Mẹ. Khi suy niệm về 7 sự thương khó của Đức Mẹ chúng ta thấy cả cuộc đời của Đức Mẹ phải chịu biết bao nhiêu đau khổ, biết bao nhiêu gian nan bao nhiêu thử thách sau lời Đức Mẹ xin vâng để đón nhận Ngôi Lời nhập thể trong cung lòng Đức Mẹ đã phải đối diện với những khó khăn, thử thách như thế nào? 7 sự thương khó Đức Mẹ đã minh chứng cho chúng ta tất thảy.
Cha Giu-se Trần Hữu Hoan,CSsR chia sẻ lời Chúa với cộng đoàn
Bảy sự thương khó – bảy “thập giá” cuộc đời Đức Mẹ
Thứ nhất, khi Đức Mẹ sinh Chúa Giê-su rồi dâng hài nhi trong đền thánh và gặp ông Si-mê-on với những lời tiên tri về một tương lai không mấy gì tốt đẹp: “Ông Si-mê-on chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà”. (Lc 2, 34-35). Ông Si-mê-on nói tiên tri trước rằng Mẹ sẽ đau khổ vì trẻ thơ này.
Thứ hai, khi nghe tin Chúa Giê-su chào đời, vua Hê-rô-đê tìm cách để giết hài nhi, Mẹ Maria và thánh Giu-se đã phải lặn lội trốn sang Ai Cập để bảo vệ hài nhi Giê-su.
Thứ ba, khi lớn khôn lên, khi dâng Chúa Giê-su trong đền thờ khi trở về Mẹ đã thất lạc Chúa Giê-su ba ngày, Mẹ đã phải vất vả tìm con.
Thứ tư,sau những năm rao giảng Tin Mừng, Chúa Giê-su bị người ta chống đối, bị người ta bắt bớ. Trên đường lên đồi Gôn-gô-tha, Mẹ đã phải chứng kiến con của mình bị người ta đánh đập, vác thập giá đau đớn là dường nào.
Thứ năm, Mẹ đã chứng kiến Chúa Giê-su con của Mẹ bị treo nhục nhã trên cây thập giá mà trút hơi thở cuối cùng.
Thứ sáu, người ta tháo đanh đóng Chúa Giê-su, hạ xác Người xuống và trao cho Đức Mẹ ẵm. Mẹ ôm con trong lòng, con của mình là Thiên Chúa nhưng đã phải chịu chết để chuộc tội cho thiên hạ.
Và thứ bảy, người ta táng xác Chúa trong mồ, Mẹ như chết và chôn cùng mồ với Giê-su con Mẹ vậy.
Bài đọc thêm: Lễ suy tôn Thánh giá
Vác thập giá đời mình con chẳng cô đơn
Đứng gần thập giá Chúa Giê-su không ai khác là người mẹ yêu dấu của mình. Mẹ đứng đó kiên cường chứng kiến con của mình chịu chết. Mẹ hiệp thông trong chương trình cứu độ nhân loại của Chúa Giê-su mặc dầu trái tim mẹ đau khổ như bị một lưỡi đòng đâm thâu vậy. Nhưng Mẹ vẫn kiên cường, hiếm có người phụ nữ nào can đảm chứng kiến cái chết của con mình như vậy. Mẹ đón nhận tất cả mầu nhiệm thập giá đến với Mẹ để cho chương trình cứu độ của Chúa Giê-su được thành sự nơi Mầu nhiệm thập giá. Đồng thời khi thấy môn đệ mà mình thương mến đứng gần đó thì Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: “Thưa bà, đây là con bà!” (Ga 19,26). Trong giờ phút cuối cùng, giờ phút lâm chung, những lời cuối cùng trên cây thập giá, Chúa Giê-su đã nói với người môn đệ mà Chúa thương mến đại diện cho nhân loại tội lỗi được Chúa Giê-su trao cho Đức Mẹ. Từ nay, nhân loại tội lỗi được Đức Mẹ đón nhận là con của Mẹ trong đó có mỗi ngươì chúng ta. Khi chúng ta gặp đau khổ, gian nan thử thách, chúng ta chạy đến với Mẹ. Vì Mẹ là Mẹ của chúng ta, Mẹ sẽ đón nhận tất cả vui buồn sướng khổ của chúng ta, Mẹ dâng lên Thiên Chúa để Thiên Chúa ban ơn, chúc lành cho chúng ta. Rồi Chúa Giê-su lại nói với người môn đệ mà Người thương mến: “Đây là mẹ của anh!” (Ga 19, 27), kể từ giờ phút đó người môn đệ rước Mẹ Maria về nhà mình sau khi được Chúa Giê-su trao cho chức vụ làm con của Mẹ thì người môn đệ đã đón rước Mẹ về nhà mình. Từ nay, mọi vui buồn của cuộc sống đã có Mẹ đồng hành. Cuộc sống của chúng ta cũng vậy, chúng ta được thông phần trong sự thương khó của Chúa Giê-su, được làm con của Thiên Chúa, được làm con của Mẹ Maria đồng thờ chúng ta được đón Mẹ về nhà. Khi chúng ta tham dự Thánh lễ, chúng ta được gặp gỡ Thiên Chúa được gặp gỡ Mẹ Maria – Mẹ Hằng Cứu Giúp của chúng ta và Mẹ ôm vào trong cung lòng của Mẹ, Mẹ ôm chúng ta với trọn vẹn vui buồn sướng khổ của cuộc sống. Mẹ đón nhận những lời khẩn cầu của chúng ta qua những giờ hành hương, giờ khấn. Qua những lời nguyện, những lời khấn, chúng ta trút cho Mẹ những lo lắng, gánh nặng, những vui buồn của cuộc sống. Và khi trở về với cuộc sống, chúng ta đón rước Mẹ vào trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta không còn sợ hãi những gian nan, thử thách vì có Mẹ đồng hành với chúng ta.
Thập giá hay ân sủng
Dâng lễ Đức Mẹ sầu bi là dịp chúng ta nhìn lên khổ giá mà Chúa Giê-su đã đón nhận đồng thời chúng ta cũng được thông phần trong mầu nhiệm đó như Đức Maria – Mẹ của chúng ta đã phải gánh chịu để cùng thông phần đau khổ với Chúa, thông phần trong chương trình cứu độ của Chúa Giê-su dành cho mỗi người chúng ta. Là Ki-tô hữu, chúng ta gặp biết bao gian nan khốn khó nhất là trong đời sống gia đình, ngày mỗi ngày chúng ta phải đối diện với biết bao lo toan của cuộc sống nhất là trong thời gian dịch bệnh đang lan tràn này. Nhiều người lao đao vất vả về kinh tế, làm ăn kinh tế, buôn bán thì gặp khó khăn, nhiều công ty bị phá sản, nhiều gia đình không có thu nhập. Khó khăn về kinh tế kéo theo khó khăn về tương quan trong đời sống vợ chồng. Nhiều gia đình khi có kinh tế thì vợ chồng sống khá êm ấm, hạnh phúc đến khi kinh tế khó khăn, không có tiền bạc lo cho gia đình con cái thì xảy ra lục đục cãi vã thì biết phải làm sao? Nếu như chúng ta không có một Đức tin vững mạnh, cậy dựa vào ơn Thiên Chúa, trông chờ vào sự cứu giúp của Mẹ thì nhiều khi chúng ta sẽ bị đổ vỡ trong đời sống hôn nhân gia đình. Nhưng khi chúng ta vững tin vào Chúa, khi chúng ta biết chạy đến với Mẹ khẩn cầu với Mẹ để Mẹ chuyển cầu cho chúng ta.
Xin Chúa cho chúng ta biết chạy đến với Mẹ để rồi Chúa trao phó chúng ta cho Mẹ. Chúa sẽ nói với mỗi người như khi xưa nói với thánh Gioan tông đồ rằng: Đây là con bà – Này là mẹ con. Chúng ta phó thác tất cả vui buồn sướng khổ trong cuộc sống của chúng ta trong vòng từ ái của Mẹ. Xin Mẹ Maria – Mẹ sầu bi, Mẹ đã trải qua những đau khổ của Mầu nhiệm thập giá Chúa Giê-su con Mẹ, xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa ban cho chúng ta những ơn cần thiết để chúng ta khi gặp gian nan thử thách biết kết hợp sống Mầu nhiệm thập giá để chúng ta vững tin vào Chúa, vững tin vào Mẹ Maria – Mẹ của chúng ta. Nếu làm được điều ấy quả thật thập giá cuộc đời mỗi người sẽ nhẹ nhàng biết bao, thập giá sẽ không còn là thập giá khô cứng nữa mà sẽ là cây thập giá nở hoa – hoa của lòng mến, của niềm vui và của sự phó thác. Amen!
Theo bài giảng của cha Giu-se Trần Hữu Hoan, CSsR trong thánh lễ hành hương kính Mẹ Hằng Cứu Giúp ngày 12.09.2020
Teresa Ngọc Duyên – Truyền thông Hội Mẹ Hằng Cứu Giúp & St.Alfonso