Icon Collap
...
Trang chủ / Thánh hóa công ăn việc làm

Thánh hóa công ăn việc làm

lam-viec-lao-dong-la-vinh-quang

I. DẪN NHẬP

Người Việt Nam được khen là có tinh thần cần cù lao động, ham làm việc. Tinh thần đó được gói gém trong câu khẩu hiệu “Lao động là vinh quang”.

Câu khẩu hiệu này không phải chỉ là một câu nói trống rỗng, một câu nói hàm một ý nghĩa châm biếm nhưng có một ý nghĩa thần học sâu xa vì lao động của con người được góp phần vào sự sáng tạo của Thiên Chúa. Các tạo vật khác cũng đều đóng góp vào sự sáng tạo của Thiên Chúa nhưng chỉ ở trong mức độ theo quy luật mà Thiên Chúa đã ấn định, không thay đổi được. Còn loài người được gọi là “linh ư vạn vật”, có lý trí và tự do, có thể góp phần vào sự sáng tạo của Thiên Chúa một cách triệt để hầu làm sáng danh Chúa với tất cả sự cố gắng của mình.

Nhưng người ta đã mặc cho câu khẩu hiệu “Lao động là vinh quang” một ý nghĩa thấp, mang mầu sắc châm biếm, chua xót, khi người ta thêm vào :

Lao động là vinh quang,
Lang thang thì chết đói,
Hay nói thì ở tù.

Chúng ta sẽ tìm thấy sự vinh quang của lao động ngay trong Kinh Thánh Cựu ước cũng như Tân ước, và đem lại cho lao động một ý nghĩa thần học cao quí: làm sáng danh Chúa và thực thi bác ái với tha nhân.

II. LAO ĐỘNG NƠI THIÊN CHÚA

1. Thiên Chúa sáng tạo muôn loài

Trong suốt chương một của sách Sáng thế, tác giả đã mô tả việc Thiên Chúa sáng tạo trời đất cũng muôn vật trong đó.

Trong việc sáng tạo muôn vật thì việc tạo dựng con người là một kỳ tác của Thiên Chúa vì con người được dựng nên giống hình ảnh Ngài. Thiên Chúa đã dựng nên con người “linh ư vạn vật” để con người được thông phần vào sự sống của Thiên Chúa.

Kinh Thánh viết: “Thế là trời đất cùng với mọi thành phần đã hoàn tất. Ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã hoàn thành công việc Ngài làm. Khi làm xong mọi công việc của Ngài, ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi” (St 2,1)

2. Thiên Chúa an bài mọi sự

Thiên Chúa không chỉ làm việc trong công trình sáng tạo vào buổi khai thiên lập địa, Ngài vẫn còn tiếp tục quan phòng, gìn giữ những gì Ngài đã sáng tạo. Sau này khi chiêm ngắm vẻ đẹp của muôn vật và đời sống của chúng, tác giả Thánh vịnh cũng đã nhận ra bàn tay của Thiên Chúa vẫn tiếp tục tác động trong vũ trụ, nên đã thốt lên:
“Chúa muôn trùng cao cả
Ngài khiến mọc cỏ xanh nuôi dưỡng đàn gia súc
Làm tốt tươi thảo mộc cho người thế hưởng dùng.
Và ngay cả khi vạn vật đã yên giấc trong giấc ngủ đêm, bàn tay của Thiên Chúa vẫn tiếp tục gìn giữ chúng như lời tác giả Thánh vịnh:

Đêm trở lại khi Chúa buông màn tối,
Chốn rừng sâu muôn thú tung hoành
Tiếng sư tử gầm lên vang dội,
Chúng săn mồi, gào xin Chúa cho ăn”.

Không chỉ làm việc một lần khi tạo dựng vũ trụ, Thiên Chúa vẫn tiếp tục làm việc để giữ gìn và giúp cho vũ trụ này đi tới chỗ hoàn hảo. Tác giả Thánh vịnh đã xác tín điều đó khi thốt lên

“Công trình Ngài, lạy Chúa
Quả thiên hình vạn trạng !
Chúa hoàn thành tất cả thật khôn ngoan
Những loài Chúa dựng nên lan tràn mặt đất.

3. Đức Giêsu làm việc như Cha Ngài

Noi gương Chúa Cha, Đức Giêsu cũng đã nhiệt thành với đời sống Tông đồ để đem lại ơn cứu độ cho chúng ta, như lời Ngài đã tuyên bố với người Do thái: “Cha Ta vẫn làm việc, thì Ta cũng phải làm việc” (Ga 5,17).

Đức Giêsu đã dành hết thời giờ để lo cho dân chúng đến nỗi không có thời giờ mà ăn uống nữa, vì thế đã có lần bà con của Ngài đã muốn ra đi để bắt Ngài về vì cho rằng Ngài đã mất trí (x.Mc 3, 20-21).

Đặc biệt 30 năm ẩn dật tại làng Nazareth, là thời gian Đức Giêsu sinh sống và làm việc như một người bình thường, làm nghề thợ mộc cùng với thánh Giuse. Nhờ đó, Ngài đã làm cho các lao công của chúng ta có một giá trị vĩnh cửu.

mồng 3 Tết - thánh hóa công việc

III. LAO ĐỘNG NƠI CON NGƯỜI

1. Con người phải lao động

Trở lại trình thuật trong sách Sáng thế, tác giả còn kể tiếp trong bài đọc 1: “Đức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Eđen, để con người canh tác và coi sóc đất đai” (St 2,15).

Khi đặt con người vào vườn Eđen, mà ta gọi là Vườn Địa Đàng, Thiên Chúa muốn con người thay mặt Chúa mà quản lý cả vũ trụ này và làm cho nó càng ngày càng phát triển. Con người vẫn phải lao động, nhưng lao động trước khi nguyên tổ phạm tội thì nhẹ nhàng không phải vất vả khó nhọc, còn sau khi phạm tội thì con người phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có của ăn.

Như vậy, lao động không phải là một việc tùy tiện, thích làm thì làm, không thích thì thôi mà là một bổn phận, không thể né tránh. Không lao động sẽ là một thiếu sót trước mặt Chúa và phải gánh chịu lấy trách nhiệm ấy.

2. Lao động và trách nhiệm

Trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu đã khẳng định tính bắt buộc của lao động trong một dụ ngôn : “Nước Trời giống như chuyện một người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ riêng của mình đến mà giao phó của cải mình cho họ” (Mt 25,14-30). Nghĩa là Thiên Chúa đã tin tưởng yêu thương giao cả vũ trụ này cho con người chúng ta quản lý. Mà nếu là quản lý, mỗi người chúng ta có bổn phận phải làm việc để sinh lời những gì mà Thiên Chúa đã giao cho mình, vì việc tính sổ của ông chủ là chắc chắn: “Sau một thời gian lâu dài, ông chủ của các đầy tớ ấy đến và thanh toán sổ sách với họ”.

Thiên Chúa cũng đối xử với chúng ta theo nguyên tắc “hữu công tắc thưởng, hữu tội tắc trừng”: có công thì được thưởng, có tội thì phải phạt. Cũng trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu cũng công khai kết án những kẻ lười biếng không chịu làm việc. Ngài nó với người lãnh một nén mà đem chôn giấu không chịu sinh lời: “Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác !… Đáng lý anh phải gửi số bạc của tôi cho chủ ngân hàng để khi tôi đến, tôi thu hồi của thuộc về tôi cùng với số lời chứ ! Vậy các ngươi hãy lấy lại nén bạc khỏi tay nó”.

3. Tấm gương lao động

Thánh Phaolô trên đường truyền giáo, đã thi hành kế hoạch tự lực cánh sinh, ngài đã làm nghề dệt để nuôi sống mình, khỏi phải phiền hà đến người khác trong việc nuôi sống. Thánh nhân đã ý thức điều này nên đã cố gắng làm việc suốt đời sống tông đồ của mình. Ngài nói với các tín hữu Ephêsô: “Chính anh em biết rõ: những gì cần thiết cho tôi và những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp”.

Ngài còn khuyên tín hữu Thessalonica bằng những lời mạnh mẽ có tính cách trách móc: “Khi còn ở với anh em, chúng tôi đã chỉ thị cho anh em: ai không làm thì cũng đừng ăn. Thế mà chúng tôi nghe nói: trong anh em có một số người sống vô kỷ luật, chẳng làm việc gì, mà việc gì cũng xen vào. Nhân danh Chúa Giêsu Kitô, chúng tôi truyền dạy và khuyên nhủ những người ấy hãy ở yên mà làm việc, để có của nuôi thân” (Tx 3,10-12).

4. Xác nhận của người đời

Cha ông chúng ta cũng đồng một tư tưởng với thánh Phaolô khi các ngài khuyên bảo con cháu một cách chân tình trong việc lao động:

Khó nghèo cấy mướn gặt thuê,
Lấy công đổi của chớ hề lụy ai.
Trong kho tàng ca dao tục ngữ không thiếu gì những lời đề cao giá trị của lao động và khinh chê những người ăn không ngồi rồi:

Có làm thì mới có ăn
Không dưng ai dễ đem phần đến cho.
Hoặc:
Chẳng cấy lấy đâu có thóc,
Chẳng học lấy đâu ra chữ.

Đọc thêm: Sứ điệp Mùa Chay của Đức Thánh Cha Phanxico

IV. ÍCH LỢI CỦA LAO ĐỘNG

Về vấn đề lao động, tác giả Thánh vịnh đã viết:
“Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng
Bạn quả là lắm phúc nhiều may” (Tv 127,2).

Giáo hội Công giáo cũng nói về giá trị của đời sống lao động: “Với việc dâng của lễ lên Thiên Chúa của lao công, chúng ta tư tưởng rằng con người cộng tác vào chính công việc cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã mang lại cho lao công một phẩm giá vô song bằng cách chính mình Ngài đã đem hai bàn tay ra làm việc tại thành Nazareth” (Lược đồ XIII. Số 67).

1. Về phần xác

Nhờ lao động người ta có thể làm ra được nhiều của cải vật chất để nuôi thân, để làm tăng triển đời sống như xây nhà cửa, xe cộ, phương tiện giải trí, trở nên giàu sang phú quý:

Có cấy có trông, có trồng có ăn (Tục ngữ)

Người nông dân rất thực tế, phải làm mới có ăn “Tay làm hàm nhai, tay quai hàm trễ”. Câu tục ngữ này có ý nói : có cấy lúa thì có hy vọng (trông) có thóc ăn, có trồng cây thì mới có quả ăn. Đại ý nói: Hễ chịu khó làm việc thì tự khắc có kết quả.

Ngày xưa Tôn Tử đã lên chương trình cho mọi người, cách riêng cho những người nông dân , từ gần đến xa, từ vật chất đến tinh thần:

Nhất niên chi kế mạc như thụ cốc,
Thập niên chi kế mạc như thụ mộc,
Bách niên chi kế mạc như thụ nhân.
Nghĩa là
Kế hoạch một năm không gì bằng trồng lúa,
Kế hoạch mười năm không gì bằng trồng cây,
Kế hoạch trăm năm không gì bằng trồng người.

Tiếp đến, nhờ lao động mà thân xác được khỏe mạnh. Nhiều người không làm việc bằng chân tay, phải bù đắp vào bằng cách tập thể dục, thể thao hay đi bộ, nhằm vận động cơ thể. Nhờ thân xác khỏe mạnh , con người sẽ có một tinh thần minh mẫn để làm việc, như ngạn ngữ Tây phương thường nói: “Mens sana in corpore sano: Một tinh thần minh mẫn ở trong một thân xác khỏe mạnh.

2. Về tinh thần

Nhờ lao động chúng ta phát triển tình yêu thương, tinh thần tương thân tương ái, tính kỷ luật và nhanh nhẹn như một danh nhân đã nói: “Lao động làm cho ta khuây khỏa được nỗi buồn, tiết kiệm được thời gian, chữa khỏi được bệnh lười biếng” (GM Bossuet).

Người Đông phương có một câu châm ngôn rất hay, đó là “Nhàn cư vi bất thiện”: ở nhưng thì không làm được việc tốt. Ở Tây phương cũng có một câu ngạn ngữ tương tự: “L’oisiveté est la mère des vices”  sự nhàn rỗi là nguồn gốc sinh ra các nết xấu.

Làm việc tránh cho người ta thói “Ngồi lê đôi mách” hay “Ngồi lê mách lẻo”, nghĩa là cứ la cà nghe ngóng chuyện người này đem mách cho người khác, thường là những chuyện riêng tư, vặt vãnh, những chuyện không đáng nói.

Những người “ngồi lê mách lẻo” là những người ăn không ngồi rồi, không chịu làm việc để tăng gia sản xuất, để phát triển đời sống thì cuộc đời của họ sẽ sa sút, họ là những người được người ta tặng cho cái danh hiệu là “Tọa thực sơn băng”: ngồi ăn núi lở, hay miệng ăn núi cũng lở. Chỉ ngồi mà ăn thì tiền bạc có chất cao như núi rồi cũng có ngày hết.

3. Về đời sống thiêng liêng

Nhờ lao động chúng ta sẽ nên giống Chúa hơn. Thiên Chúa đã tạo dựng vạn vật và an bài mọi sự trong trật tự tốt đẹp. Đức Giêsu cũng theo gương Cha Ngài mà làm việc không ngừng: “Cha Ta làm việc luôn, thì Ta cũng làm như vậy” (Ga 5,17).

Đức Giêsu làm gương cho ta về sự làm việc. Suốt 30 năm Ngài đã làm việc không ngừng ở Nazareth, công việc thợ mộc cũng khóc nhọc vất vả như ai. Ngài đã hiểu biết sự lao nhọc của con người nên Ngài dễ thông cảm với những con người đầu tắt mặt tối trong cuộc mưu sinh.

Lao động dù tay chân hay trí óc đều có một ý nghĩa sâu xa. Nhờ lao động, chúng ta được cộng tác vào chương trình sang tạo và cứu độ của Thiên Chúa trong thế giới này. Vì thế, chúng ta không được phép nghĩ rằng mình làm việc thuần túy để kiếm ăn hay chỉ vì kế sinh nhai.

Nếu được tham dự vào việc sáng tạo của Thiên Chúa thì đây là một vinh dự lớn lao của con người, chúng ta phải quí trọng sự lao động và phải coi “Lao động là vinh quang”.

Ngoài ra, nhờ lao động, chúng ta có cơ hội và phương tiện để thực thi bác ái với anh chị em mình như lời thánh Phaolô :”Bằng mọi cách, tôi đã tỏ cho anh em thấy rằng : phải giúp đỡ những người đau yếu bằng việc làm lụng vất vả như thế, và phải nhớ lại lời Chúa Giêsu đã dạy: “Cho thì có phúc hơn nhận” (Bài đọc 2).

Giờ đây trong tâm tình của những ngày đầu năm, hiệp với hiến lễ của Đức Giêsu trên thập giá, chúng ta cùng nhau dâng lên Thiên Chúa tất cả những lao công trong năm mới này như lời nguyện Giáo hội dâng lên Thiên Chúa khi sửa soạn lễ vật: “Lạy Chúa là Chúa Tể càn khôn, Chúc tụng Chúa, vì Chúa đã ban cho chúng con bánh này là hoa mầu ruộng đất và lao công của con người. Xin dâng lên Chúa để trở nên của ăn nuôi sống chúng con”.

Bài đọc thêm: Người Công Giáo Việt nam làm gì trong những ngày tết

Lm Giuse Đinh Lập Liễm

Bình luận
error: Content is protected !!