Dấu lạ cho con người: Phải chăng mỗi một thời đại Thiên Chúa đều gửi đến cho chúng ta một dấu lạ khác nhau để nhắc nhớ
chúng ta hãy bỏ đàng tội lỗi mà trở về với Thiên Chúa. Chính Chúa Giê-su tuyên bố: “Giô-na trở nên dấu lạ cho Ni-ni-vê thế nào,
thì “Con Người” cũng sẽ trở nên dấu lạ cho dòng giống này như vậy”.
Mối liên hệ giữa Tân ước và Cựu ước
Trong mùa Chay Thánh này Chúa Giê-su nhắc cho chúng ta nhớ về lịch sử của Dân Chúa theo chiều dài từ Cựu ước cho đến Tân
ước. Chúa Giê-su đã nhắc đến câu chuyện Giô-na và Ni-ni-vê, để ám chỉ thái độ cứng lòng của dân thời Ngài. Điều đó cho thấy,
mối liên hệ chặt chẽ được Thiên Chúa nối kết giữa Cựu ước và Tân ước. Cựu ước như là dấu chỉ để “vén mở, tỏ lộ”. Còn Tân
ước là thời điểm “đơm bông kết trái”. Bởi đó nếu tách biệt Kitô giáo ra khỏi Cựu ước thì chúng ta sẽ đánh mất gốc rễ của mình mà
nếu dừng lại ở Do Thái Giáo, thì chúng ta sẽ không có Kitô giáo. Vì thế đối với Hội thánh Công giáo từ Cựu ước đến Tân ước luôn
có sự liên kết chặt chẽ với nhau và được trích dẫn khá đầy đủ trong Tân ước.
Để rồi khi chúng ta đọc một câu chuyện trong Tân ước chúng ta có thể thấy câu chuyện đó đã được báo trước trong cựu ước.
Điều này cho thấy rằng Thiên Chúa có cách để từng bước, từng bước làm cho người ta tin. Đó cũng chính là con đường Thiên
Chúa dùng để đào tạo và thanh luyện lòng tin của con người. Chúa Giê-su dấu lạ cho con người mọi thời đại.
Đối với Dân thành Ni-ni-vê, Giô-na đã trở thành dấu lạ, bởi vì một người mà chạy trốn trách nhiệm rao giảng, bị vứt xuống biển, rồi
lại được Cá đưa lên. Để rồi ông đặt chân lên Ni-ni-vê và rao giảng cho Dân Thành, khiến họ ăn năn sám hối, bắt đầu từ Vua cho
đến người dân và súc vật. Đối với dân Ni-ni-vê Giô-na đã trở thành dấu lạ, khiến họ đã tin vào Lời Thiên Chúa. Còn đối với con
người thời đại, Chúa Giê-su tuyên bố: “Giô-na trở nên dấu lạ cho Ni-ni-vê thế nào, thì Chúa Giê-su cũng trở nên dấu lạ cho con
người ngày nay như vậy”. Chúa Giê-su mãi mãi trở thành dấu lạ cho con người, mãi mãi là một Huyền nhiệm cho con người khám
phá, tìm kiếm và gặp gỡ.
Chúa Giê-su không phải là một thực tại mà con người có thể nắm bắt, có thể hiểu được và thấu được một cách trọn vẹn, mãi mãi
người vẫn là dấu lạ cho tất cả chúng ta. Mỗi ngày chúng ta tiếp cận với Chúa Giê-su chúng ta khám phá ra một điều về Ngài. Mỗi
lần đọc Lời của Chúa dẫu cùng một biến cố nhưng chúng ta sẽ thấy một điểm lạ xuất hiện trong đó. Điều này nhắc cho chúng ta
nhớ, đừng ai nghĩ rằng mình đã sở đắc được Chúa Giê-su. Đừng ai nghĩ rằng mình đã hiểu Chúa Giê-su. Đừng ai nghĩ rằng mình
đã hiểu được đoạn Thánh Kinh, những người đó chỉ ngộ nhận mà thôi. Bởi vì Chúa Giê-su mãi mãi là một dấu lạ, mãi mãi là một
ẩn số cho con người để thách thức niềm tin cho con người của mọi thời.
Cách phán xét cho từng dân từng thời
Chúa Giê-su nói cho chúng ta biết cuộc phán xét giành cho dân thành Ni-ni-vê, giành cho dân thời Ngài và cuộc phán xét Thiên
Chúa dành cho chúng ta sẽ khác nhau. Khi xưa chỉ có Giô-na kêu gọi mà dân thành Ni-ni-vê đã ăn năn, trở về và tin vào Lời Chúa.
Còn thời của Ngài chính Ngài kêu gọi họ ăn năn sám hối nhưng họ không chịu tin, không đón nhận Lời Ngài.
Đó là thời Chúa Giê-su chưa chết và chưa phục sinh, còn vào thời chúng ta Chúa Giê-su đã chết và phục sinh Người đã làm bao
điềm thiêng dấu lạ, cho nên mức độ phán xét của dân thời Ngài so với Ni-ni-vê sẽ nặng hơn, và mức độ phán xét của chúng ta so
với dân ngài sẽ nặng hơn. Đây chính là điều chúng ta suy nghĩ để chú tâm hơn đến việc sám hối. Và việc sám hối ở đây chính là
lòng tin, Vua và dân thành Ni-ni-vê đã tin vào Giô-na nên ăn năn sám hối và được tha tội. Còn dân thời Ngài không tin vào Ngài thì
nhận lời của trách. Còn đối với chúng ta ngày nay thì sao? Chúa Giê-su đã là một dấu lạ, một dấu lạ thực vĩ đại cho chúng ta tin
rồi, chúng ta đừng đòi hỏi một dấu lạ nào khác nữa để nhận lại lời của trách như chính Chúa Giê-su khiển trách dân của Ngài
Cuộc phán xét khác biệt ở từng cấp độ mà Thiên Chúa tỏ lộ cho con người. Chúa Giê-su nói để cho chúng ta thấy Ngài chính là
mặc khải tột cùng của Thiên Chúa. Ngài chính là đối tượng quyết định của lòng tin, mà họ không tin nữa thì ngày phán xét sẽ là
ngày kinh hoàng giành cho những người không chịu tin vào Ngài.
Lạy Chúa Giê-su Chúa đã làm mọi cách cho chúng con tin vào Chúa, Chúa đã dùng hết mọi phương thế để chinh phục lòng tin của
chúng con nhưng sự nghi ngờ vẫn là kẻ thù số 1 của lòng tin. Xin Chúa đến đẩy lui mọi nghi ngờ do quỷ dữ, do con người gieo vào
lòng chúng con để chúng con có được lòng tin thuần khiết mà đến với Chúa. Đặc biệt trong Thánh Thể, trong giờ phút Cử Hành
Phụng Vụ để tôn thờ Chúa là Thiên Chúa thật của chúng con. Amen!
Bài đọc thêm: Yêu người như yêu ta
Trích bài giảng Lm.Gioan Lưu Ngọc Quỳnh CsSR trong thánh lễ thường kỳ 24.2 của nhà tĩnh tâm Giê-ra-đô
Nguồn:svconggiao.net