Nhìn lại cuộc sống hàng ngày, dường như bóng đêm của ghen tỵ luôn đeo bám ta. Nó len lỏi vào mọi ngõ ngách vách tường nơi căn nhà nội tâm của ta. Có lẽ đã là con người thì đều có ghen có tỵ. Đặc biệt, khi đặt trong tương quan với tha nhân, con người không bao giờ thỏa mãn với những gì mình có mà ít nhiều đều muốn những thứ của người khác. Đó là tài năng, danh tiếng, tài sản, địa vị, sắc đẹp… Nó tạo nên cơn khát vô tận nơi mỗi người chúng ta. Vậy liệu ta có thể thỏa mãn cơn khát đó trong cuộc sống của mình?
Ghen tỵ là một điều rất tự nhiên nơi con người. Nó mang một sức mạnh quyền lực vô hình tước đoạt những thứ của người khác mà ta không thể sở hữu hay mong muốn đạt được. Cơn ghen tỵ có thể thu hẹp khoảng cảnh giữa những gì ta muốn và những thứ người khác có, nhưng nó mang lại cho ta một cảm giác vô cùng trống rỗng, bơ vơ. Lúc ấy, ta dường như cố kìm nén, phủ nhận cảm giác đó và tiếp tục lún sâu vào sự tổn thương, nhạy cảm. Càng cố lấp vùi cơn thịnh nộ của nó, lòng ghen tỵ lại càng nổi lên và khiến ta trở nên khó chịu, căng thẳng ngay trong sự bất lực của bản thân. Thế rồi, ta cũng có thể dễ dàng đổ lỗi cho người khác và cảm thấy xấu hổ về bản thân. Điều đó dẫn đến những ác ý, thù hận, oán hờn, thậm chí là “động thủ” với tha nhân. Theo Kinh Thánh, Cain là minh chứng đầu tiên lòng ghen tỵ của loài người trong cuộc sát hại người em Abel của mình. Từ đó, con người không thể thoát khỏi vòng vây của lòng đố kỵ ghen ghét. Cuộc sống vẫn đang nham nhảm những tai hại những xấu xa của ghen tỵ nơi ta nơi người, nhưng mấy ai bớt ghen hết tỵ mấy người hiểu thấu sự thật phũ phàng ấy.
Có lẽ ghen tỵ khởi đi từ sự thiếu công bằng và đầy rẫy những khác biệt trong cuộc sống. Thật thế, nó đã ở ngay trong chính gia đình của ta ngay từ những ngày ấu thơ. Đâu đó trong hồi ức vẫn còn những lần ghen tỵ với anh chị đối kỵ với các em bởi sự quan tâm do cách đối xứ không công bằng của cha thiếu tế nhị của mẹ. Khi lớn lên, sự khác biệt nơi những người xung quanh cũng dễ dẫn ta đến ghen đến tỵ. Dù rằng ý thức về nén bạc Chúa trao cho mỗi người khác nhau, nhưng ta vẫn không đành lòng với điều đó. Ghen về những thứ người kia không xứng đáng, tỵ về những điều ta đáng được hơn. Hình như sự so sánh vẫn lởn vởn thường hằng trong tâm trí yếu ớt của ta. Cứ so cứ sánh rồi sự khác biệt dễ dẫn ta đến ghen tỵ lúc nào chẳng hay. Đôi khi, ta không thể nào “vui với niềm vui của người khác” khi nghe họ thành công lúc thấy họ cười, nhưng chẳng chút cảm thương khi họ đau không chút thông cảm lúc họ buồn. Và ta cũng khó có thể nhận ra những suy nghĩ về sự kém cỏi, thất bại, tồi tệ của bản thân mình vẫn ẩn khuất đó đây mà tiếp tục đắm mình trong làn hương sực mùi tỵ ghen. Cứ thế này, cơn ghen tỵ vẫn thường trực rình chờ bên ta mọi nơi mọi lúc vì ta xấu hổ về bản thân bởi hay so sánh với người khác. Đó chính là cơn khát vô tận nơi mỗi người chúng ta.
Có lẽ cơn khát nào cũng có thể được thỏa mãn khi ta tìm đúng đường đến đúng chỗ. Việc chấp nhận ghen tỵ là một điều tự nhiên của con người như một bước khởi đầu tốt đẹp. Đó là cánh cửa giúp ta dám đón nhận ghen tỵ như một món quà. Ta có thể cho phép mình than khóc để lòng mình đau vì không thể sở hữu những lợi thế những tài năng của người khác, đồng thời chấp nhận những cảm xúc những nghĩ suy sẽ đến khi cơn ghen tỵ trỗi dậy. Không hề dễ dàng gì khi loại bỏ những so sánh với tha nhân, nhưng ta có thể tự so sánh với bản thân để tiếp tục nuôi dưỡng hành trình hoàn thiện của mình. Nhờ thế, ta có thể biến ghen tỵ thành niềm vui trong cuộc sống. Niềm vui ấy nằm trong cuộc tâm sự của ta với bản thân, ngay ở những lời chia sẻ của gia đình, lời động viên người thân, bè bạn. Niềm vui ấy hệ tại ở việc biến lòng ghen tỵ thành động lực thúc đẩy sự phát triển bản thân và hoàn thiện mục tiêu của mình. Không đâu xa, món quà và niềm vui ấy không chỉ đặt để nơi nỗ lực của bản thân mà còn nơi tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa nhờ tương quan của ta với Người. Chính Người là nơi khỏa lấp cơn khát ghen tỵ trong thẳm sâu tâm hồn ta.
Nơi thân phận yếu đuối, ta vẫn cứ mãi sống trong sự giằng co giữa khát khao nên hoàn thiện hơn mỗi ngày và cơn phẫn nộ của lòng ghen tỵ của tính đố kỵ ghét ghen. Đó là cái lẽ tự nhiên nơi của kiếp nhân trần. Nhưng cuộc sống cũng đủ điều nhắc nhở cho thân phận làm con Thiên Chúa của ta. Nơi đó, Người vẫn muốn ta quay trở về trong tâm thế của một người con trong mối tương giao huynh đệ với anh chị em cùng một cha trên trời. Dẫu vẫn ghen ghét dù vẫn đố kỵ nhưng đó chính là bước đệm của một kẻ tội nhân thành người con yêu dấu của Thiên Chúa.
Bài đọc thêm: Làm thế nào để đối diện với sự khắc nghiệt của người khác
Lyeur Nguyễn
Nguồn: dongten.net