Lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu bắt nguồn từ Thánh Kinh, và được chính Chúa Giêsu củng cố trong lần hiện ra với thánh nữ Margherita Maria Alacoque.
Theo truyền thống, tháng Thánh Tâm Chúa Giêsu được liên kết với thời điểm khởi đầu của tháng Sáu trong Giáo hội Công giáo. Mục đích là để khích lệ các tín hữu tôn thờ cách có ý thức và mãnh liệt hơn tình yêu đối với Chúa Giêsu Kitô, được tỏ hiện qua Thánh Tâm của Ngài, qua đó cũng nhắc chúng ta nhớ rằng Thiên Chúa đã nhập thể và đã đến ở giữa chúng ta.
Đối tượng của lòng sùng kính cao đẹp này là Trái Tim của Ngôi Lời Nhập Thể, xét về phương diện thể lý cũng như về biểu tượng của Tình yêu Thiên Chúa. Tưởng cũng nên nhớ rằng thuật ngữ cuối cùng của lòng sùng kính này là Con người của Chúa Giêsu Kitô với tư cách là Đấng Cứu Chuộc của chúng ta.
Khi hiện ra với thánh Margherita Maria Alacoque, vào năm 1673, Chúa chúng ta đã tỏ lộ Thánh Tâm của mình được bao bọc bởi ngọn lửa, xung quanh là mão gai và phía trên có thánh giá. Theo thánh Margherita, mục đích chính của lòng sùng kính này là hoán cải các linh hồn cho tình yêu của Chúa Giêsu.
Trong lần hiện ra đó, thánh nữ đã nghe Chúa nói những lời sau:
“Đây Trái tim quá yêu thương loài người cho đến tuyệt đỉnh của hy sinh không giới hạn, vô điều kiện mà không tiếc chi, để minh chứng cho tình yêu của mình. Thế nhưng, phần lớn loài người đã đáp lại Ta bằng sự vô ơn, thể hiện bằng sự bất kính, dững dưng phạm thánh và thờ ơ khinh miệt Ta trong Bí tích Tình yêu này”.
Tuy vậy lòng tôn sùng Thánh Tâm có trước biến cố hiện ra trên đây. Có nguồn gốc từ Thánh Kinh, vì Trái tim là một trong những cách để nói về tình yêu vô biên của Thiên Chúa, một tình yêu đạt đến đỉnh điểm khi Chúa Giêsu đến hiến mình vì chúng ta.
Hai sự kiện “mạnh mẽ” của Tin Mừng là nguồn cảm hứng đặc biệt:
– Cử chỉ của thánh sử Gioan, người môn đệ được yêu, tựa đầu vào ngực Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly (x. Ga 13,23);
– Trên đồi Canvê, khoảnh khắc mà người lính dùng giáo đâm vào cạnh sườn Chúa Giêsu (x. Ga 19,34).
Về lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu, Đức Bênêđictô XVI khẳng định rằng việc chiêm ngắm cạnh sườn bị đâm thâu, nơi tỏa sáng ý muốn cứu rỗi vô biên của Thiên Chúa, không thể coi như một “hình thức thờ phượng hay tôn thờ nhất thời: việc tôn thờ tình yêu của Thiên Chúa, được nhìn nhận nơi biểu tượng con tim bị đâm thâu, diễn tả qua lịch sử sùng kính, vẫn là điều thiết yếu trong mối tương quan sống động với Thiên Chúa.”
Tác giả bài viết: G. Võ Tá Hoàng
Nguồn: gpquinhon.org