Con nhìn thấy đôi chân đon đả của Mẹ, con nhìn thấy sự nhạy bén của Mẹ. Vừa mới nhận lời Sứ Thần truyền tin để mang thai Con Thiên Chúa, Mẹ đã bước ra khỏi sự ấm êm của gia đình, sự chăm sóc nâng niu khi người phụ nữ mang thai con đầu lòng, Mẹ cũng không sợ cảnh ốm nghén trong ba tháng đầu thai kỳ và giai đoạn này nếu không cẩn thận rất dễ sảy thai. Không rõ Mẹ lên đường cùng với ai, nhưng con thấy Mẹ không hề sợ, cứ đi theo tiếng con tim mách bảo là chị họ của mình đang cần mình…Suy niệm về cách lên đường phục vụ của Mẹ Maria, tôi càng cảm phục và yêu mến Mẹ hơn.
Hiện tại, với công việc tại khoa có phòng săn sóc những bệnh nhân nặng, tôi phảng phất cảm thấy hình bóng lên đường của Mẹ nơi bản thân mình cũng như nơi đồng nghiệp của tôi. Tôi nhớ lại hình ảnh những đôi chân nhanh nhẹn, những bàn tay làm việc thoăn thoắt liên lỉ, những khuôn mặt với ánh mắt mong chờ hy vọng của đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng trong các kíp trực khi có bệnh nhân trở nặng cần cấp cứu. Khi sự sống của bệnh nhân như ngàn cân treo sợi tóc, chúng tôi – những người trực tiếp cứu chữa họ – đã không ngại khó, không ngại khổ, không sợ lây nhiễm, nhưng chỉ chú ý tới việc nỗ lực sử dụng mọi phương pháp cùng với lời cầu nguyện để mong cho bệnh nhân có hơi thở, có mạch tim trở lại. Nỗ lực của chúng tôi đã cứu sống rất nhiều bệnh nhân, cũng có khi nỗ lực đó chỉ giúp bệnh nhân sống thêm được vài giờ, hay một ngày, hai ngày và phải hoàn toàn lệ thuộc vào thuốc men, máy móc, nhưng chúng tôi vẫn nhiệt tâm với con tim tràn lửa mến.
Yêu mến Mẹ, tôi luôn cố gắng sống và hành động giống Mẹ, sẵn sàng “lên đường” để đến và chia sẻ niềm vui với các bệnh nhân mà tôi có cơ hội được chăm sóc, phục vụ.
Lần kia, có một bệnh nhân trẻ không may nhiễm căn bệnh thế kỷ. Em bị bệnh mà không hề hay biết nên đã bị nhiễm trùng cơ hội và diễn tiến của bệnh rất nặng. Bác sĩ phải dùng máy trợ thở và thuốc an thần để giúp em ngủ. Mấy ngày sau, em đã qua cơn nguy kịch và được ra phòng ngoài. Sau đó, bác sĩ cho em biết em bị căn bệnh thế kỷ. Em đã rất sốc, muốn buông bỏ tất cả, mặc cảm tự ti và có lúc em đã nghĩ tới cái chết. Tôi đã ở bên cạnh em, động viên và kể cho em nghe về sự nỗ lực của các bác sĩ trong việc cứu chữa em. Nhờ vậy, sau một vài ngày, em đã lấy lại được sự bình an, đón nhận bệnh tật và sẵn sàng cùng cộng tác với bác sĩ để chữa trị. Sau đó, em đã mạnh khỏe như người bình thường và được xuất viện. Em thường xuyên gọi điện nhắn tin cảm ơn tôi vì “nhờ lời Sơ động viên và giải thích mà em đã vượt qua. Em sẽ sớm đến Nhà dòng thăm Sơ và trở lại Bệnh viện để cảm ơn mọi người”.
Trong những ngày này tại Sài Gòn, con số những người bị nhiễm Covid tăng theo cấp số nhân. Các bệnh viện dã chiến được lập ra cấp tốc để kịp thời cứu chữa bệnh nhân. Sở Y tế và các cấp chính quyền đã điều động nhân sự để chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, máy thở, thuốc men…cứu chữa những người nhiễm bệnh. Đoàn đoàn lớp lớp các Bác sĩ, điều dưỡng đã vội vã lên đường đến các bệnh viện dã chiến, các khu cách ly, đi lấy mẫu cộng đồng, chích vaccin, những ai còn ở lại thì gánh vác và chia sẻ công việc thay cho đồng nghiệp, với ước mong mọi người được bình an mạnh khỏe, để nụ cười hạnh phúc sớm trở lại với người dân thành phố Sài Gòn, với quê hương Việt Nam dấu yêu.
Trong hoàn cảnh ấy, đáp lại tiếng kêu gọi của Tòa Giám mục Sài Gòn kết hợp với Sở y tế chung tay dập dịch, rất nhiều Tu sĩ nam nữ, các Sơ, các Thầy đã vội vã lên đường để phục vụ và chăm sóc cho các bệnh nhân tại các Bệnh viện dã chiến. Trong cộng đoàn tôi cũng có 4 chị em tham gia vào công việc nguy hiểm nhưng ý nghĩa này.
Phần tôi, tôi sẽ luôn giữ trong mình trái tim yêu thương và nhạy bén của Mẹ Maria, để tất cả những ai cần, tôi sẽ luôn sẵn sàng “lên đường” và đem Chúa đến cho họ.
Bài đọc thêm: Đức Maria, Mẹ của lòng xót thương
Nguồn: tgpsaigon.net