Đức Giê-su, qua dụ ngôn, nhắc cho chúng ta ý thức về một căn bệnh nguy hiểm khó chữa. Đó là bệnh mù về mình mà lại ngỡ mình sáng về người khác. Những lỗi của mình, ai cũng nhìn thấy, còn chính những người này lại không thấy. Ngược lại, một lỗi nhỏ của người khác, dù nhiều người không thấy được, nhưng những người này lại thấy rất rõ. Và nguy hiểm hơn nữa là những người bị bệnh này lại thích làm thầy, làm người hướng dẫn cho người khác. Vậy chúng ta thử tìm hiểu tại sao người ta thường gọi bệnh này là nguy hiểm khó chữa?
Vừa mù vừa ngỡ mình sáng
Đây là nguy hiểm thứ nhất. Thà mù thì mù hẳn, để biết nhờ người khác giúp mình. Hoặc nếu những người bị mù này không tìm được người khác giúp họ thì ít ra người ta biết họ bị mù mà tới giúp cho những người này đi đúng đường, không bị vấp ngã. Còn những người này vừa bị mù mà lại nghĩ mình sáng, thì chính bản thân những người này không nhận ra được bệnh của mình mà những người khác muốn giúp những người này cũng không sao giúp họ được. Thật là khó cho họ và cho cả những người muốn giúp họ. Về phương diện tâm lý học, thì bệnh này khá phổ biến nơi rất nhiều người. Dĩ nhiên, những người đã mù tối về chính mình thì làm sao lại có khả năng nhìn thấy những gì mà họ cho là xấu nơi người khác được. Tìm đâu ra trong đời câu chuyện vừa mù vừa sáng nơi một con người được. Thực ra, Đức Giê-su dùng dụ ngôn này để nói về những người Biệt phái. Những người này, dựa vào sự ma mãnh của thế gian, của con người mà lừa dối người khác và trục lợi cho chính mình.
Bài đọc thêm: Có thể và không thể
Chột thích làm vua xứ mù
Đây là nguy hiểm thứ hai của căn bệnh này. Người ta vẫn thường có kinh nghiệm về những người đui mù thì tay chân họ hay sờ. Vì đó là cách tiếp xúc với ngoại vật để có thể nhận biết về chúng. Còn những người bị ngọng, nói không rõ thì lại hay nói, nói nhiều. Bởi thế, mới có câu thành ngữ : “Đui hay đóng. Ngọng hay lu”. Điều này phản ánh một tâm trạng phản kháng. Không chấp nhận thực tại nơi mình. Người ta cũng có thể liệt kê tâm trạng này như một cơ chế phòng vệ, để bảo vệ nhu cầu được người khác biết đến hay để được người khác quan tâm. Với những người rơi vào căn bệnh bị mù mà cứ quả quyết là mình sáng, thấy được mọi sự, cũng thích được thỏa mãn nhu cầu tự khẳng định mình, muốn được những người khác quan tâm. Vì vậy, việc những người này thích làm thầy, làm người hướng dẫn là chuyện thường tình. Nhưng cái nguy hiểm là hậu quả của nó. Chắc chắn những người bị mù, không thấy đường đi thì làm sao lại có khả năng dẫn đường cho người mù khác được. Chẳng nhẽ cả hai đều không bị lăn cù xuống hố như Đức Giê-su nói sao !
Như vậy, Đức Giê-su muốn nhắc nhở, cảnh tỉnh những người Biệt phái đạo đức giả, hãy canh chừng cái khôn ngoan theo kiểu người đời. Vì cái khôn ngoan của người đời, đối với Thiên Chúa chỉ là cái khờ dại mà thôi. Cái khôn đó không thấy đường để đi đến với Thiên Chúa. Chỉ có sự khôn ngoan của Tin Mừng mới dẫn người ta đến với Thiên Chúa. Qua những người Biệt phái, Đức Giê-su muốn nhắc nhở, cảnh tỉnh các môn đệ và từng người trong chúng ta, ý thức rõ căn bệnh hiểm nghèo khó chữa, khá phổ biến nơi con người. Nhờ đó, chúng ta khiêm nhường nài xin Đức Giê-su đến chữa lành cho sự mù loà trong tâm trí, trong linh hồn của từng người trong chúng ta. Xin Đức Giê-su giúp chúng con thấy được những cái xà trong chúng con và lấy chúng ra khỏi chúng con. Để sau khi được chữa lành, chúng con mới thấy được đường đi mà dẫn lối chỉ đường cho những người khác.
Cầu nguyện
Nguyện xin Thiên Chúa là Cha của Đức Giê-su và là Cha của chúng con, soi sáng, hướng dẫn cho chúng con nhận ra thân phận mù loà khốn nạn, khốn khổ của mình mà khiêm nhường, thực tâm chạy đến xin Cha chữa trị cho chúng con. Xin Cha cũng giúp chúng con canh chừng căn bệnh hiểm nghèo này và đừng để cho chúng tái xâm nhập và điều khiển chúng con. Amen.
Bài đọc thêm: Mẹ cứu thoát con khỏi tội lỗi
Lm. Gioan Lưu Ngọc Quỳnh, CSsR
Nguồn: svconggiao.net