“Những người bệnh tôi gặp chính là người thân của tôi, và tôi sẽ là người thân của họ…”
Bao tháng ngày qua, dịch bệnh hoành hành kéo dài không dứt, với con số người nhiễm bệnh vẫn cứ tăng cao. Trong bao tháng ngày của đại dịch đó, các y bác sĩ phải ngày đêm gồng mình đi phục vụ tại các bệnh viện dã chiến, tạm xa gia đình người thân, gác lại những dự tính của cá nhân, quên mình vì người khác… Các vị đã hi sinh âm thầm lặng lẽ, chỉ mong sao cứu sống các bệnh nhân mà mình đang chăm sóc.
Khi làm thiện nguyện viên, tôi có làm việc chung với nhiều y bác sĩ là người Công giáo tại bệnh viện Hồi Sức Cấp Cứu. Tôi thấy họ vất vả làm việc, không than vãn, cố gắng hết sức để cứu sống bệnh nhân qua cơn nguy kịch, âm thầm cầu nguyện cho các bệnh nhân sắp ngưng thở… Tôi hỏi về tâm tư của các anh chị thì có một nữ bác sĩ trẻ chia sẻ chút tâm tư:
“Hôm nay nhận được tin nhắn từ một thầy đã từng tham gia thiện nguyện trong mùa Covid, được hỏi về nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, về tâm tư khi đi chống dịch, bất chợt trong lòng tôi có một chút bâng khuâng. Mỗi người, một nỗi niềm riêng; để trong lòng hay nói ra thì đó cũng là chuyện riêng tư…
Với tôi, ở nơi xa ấy có người cha già đau yếu, ngày ngày chống chọi với căn bệnh mãn tính. Anh chị tôi làm công nhân cũng vật lộn với cái khó chung của xã hội. Dù ít nói chuyện, ít gặp gỡ, nhưng có một mối dây vô hình là tình thương bao bọc lẫn nhau.
Còn với tính cách của tôi, tôi vẫn lặng lẽ dõi theo, âm thầm quan tâm đến người thân, vì với gia đình, tôi không đủ can đảm và mạnh mẽ như bên ngoài mà mọi người vẫn thấy. Thậm chí có lúc tôi còn làm ra vẻ lạnh lùng. Tôi vẫn mong rằng mọi người sẽ vì thế mà bớt quan tâm tới tôi. Tôi đã nợ họ quá nhiều, nhiều hơn rất nhiều so với những điều tôi làm được cho họ.
Dần dần tôi nhận ra, thời gian sẽ qua đi, nên tôi muốn cho tình yêu được thể hiện nhiều hơn theo đúng nghĩa của nó. Vì thế, tôi đã khác, tôi đã cho người thân trong gia đình thấy tôi cười nhiều hơn. Chỉ vậy thôi nhé, tôi xin phép không nhắc đến những mất mát, những thương tích của những người thân yêu ấy.
Lần này tôi đi theo tiếng gọi của đất nước, cũng là đi theo tiếng lòng muốn dấn thân của tôi. Tôi đã nguyện dâng và phó thác mọi sự cho Đức Trinh Nữ Maria – Mẹ của đời tôi. Gia đình thân yêu của tôi, chắc chắn Mẹ Maria đã thay tôi chăm sóc và Mẹ còn ban ơn cho gia đình tôi nhiều hơn những gì tôi có thể nghĩ ra được.
Tôi cũng không nhớ nhà, chỉ có chạnh lòng mỗi lúc nghe tin cha tôi trở bệnh. Nhưng tôi vẫn tin có Mẹ Maria lo cho cha tôi. Tôi đã nói dối gia đình rằng: tôi không tiếp xúc với bệnh nhân Covid vì sợ mọi người lo lắng. Đó là tôi sợ thôi, chứ biết đâu họ lại rất mong tôi làm việc có ích như thế thì sao nhỉ? Nhưng dù sao, tôi vẫn cứ sợ họ lo lắng…
Nhưng vào đây rồi, đã qua một khoảng thời gian không ngắn không dài, tôi xác tín: Những người bệnh tôi gặp chính là người thân của tôi, và tôi sẽ là người thân của họ. Có nỗi đau nào như nỗi đau chia ly: lúc yếu đuối nhất, chính là giờ phút cuối đời, cũng không gặp được người mình thương. Những bệnh nhân covid đã trải qua những nỗi đau thật đau ấy. Vậy nỗi đau, nỗi sợ riêng tư của tôi đâu có là gì. Không là gì cả!
Tôi lại nhận ra rằng: Tình yêu thương sẽ là liều thuốc tốt, cùng với các trị liệu khác, sẽ cho bệnh nhân thêm chút an lòng. Tình yêu sẽ lớn hơn mọi nỗi sợ hãi và đớn đau. Tôi cũng học được điều đó nơi những đồng nghiệp, những tình nguyện viên đang trao gửi yêu thương ở đây.
Bài đọc thêm: Thiên Chúa – Đấng luôn bị hỏi ở đâu trong cơn đại dịch
Đó là một chút tâm tư cá nhân. Tôi chia sẻ một chút thôi, không đại diện cho tổ chức, không đại diện cho một ai khác, mà chỉ là tâm tư của cá nhân tôi.
Hy vọng bầu trời xanh mãi xanh, tình yêu mãi là tình yêu chân thành. Trong mọi biến cố, mọi hoàn cảnh, dù có ra sao, hãy tin rằng một vầng sáng tươi đẹp vẫn ở đâu đó. Nếu bạn thực sự muốn tìm, bạn sẽ thấy. Nguyện chúc bình an của Đức Kitô đến cho tất cả mọi người.”
Trong nơi bệnh viện này, các y bác sĩ không phân biệt bệnh nhân là ai, từ đâu đến, họ luôn chăm sóc bệnh nhân như chính người thân của mình. Một chị điều dưỡng chia sẻ:
“Con đang trực đêm tại bệnh viện, có một bác 65 tuổi mới vô, đang ngủ và được theo dõi sát, mà bác đó không ăn cơm, còn mặc đồ lịch sự thắt dây nịt. Tự nhiên con nhớ đến ba con. Xong rớt nước mắt, mong ba mẹ luôn bình an trong sự quan phòng của Chúa.
Chỉ cần nhìn thấy các bác lớn tuổi, mà một thân một mình vô bệnh viện vì Covid là lòng con lại nghĩ đến ba mẹ ở nhà. Trong đại dịch này, con cảm nhận được Chúa muốn dùng con làm việc của Chúa, dù con yếu đuối… nên Chúa ơi, Chúa cùng con làm việc của Chúa. Vậy xin Chúa gìn giữ những người con thương yêu, Chúa nhé!”
Xin cám ơn tấm lòng, trái tim của các y bác sĩ – đã dành cho bệnh nhân là chính anh em của mình như Chúa đã dạy “hãy yêu thương nhau”.
Xin Chúa luôn đồng hành cùng các anh chị trên con đường phục vụ này.
Xin Chúa ra tay ngăn chặn cơn dịch bệnh để các anh chị trở về với gia đình, trở lại cuộc sống bình thường. Cái ‘bình thường cũ’ đã qua đi rồi, chúng ta cùng sống trong cái ‘bình thường mới’…
Bài đọc thêm: Đức tin thời đại dịch
Thực hiện: Antôn Chung Chí Tâm, LaSan
Nguồn: Tổng Giáo Phận Sài Gòn (21/9/2021)