Cuộc chiến giữa não trạng thế tục và tinh thần của Tin Mừng, vốn dĩ là một cuộc chiến khá tàn khốc, và thường trực xảy ra, nơi từng môn đệ của Đức Giê-su. Điểm nhấn của cuộc chiến này, mà hôm nay Đức Giê-su nhắm tới chính não trạng thống trị, say mê quyền lực và muốn loại trừ người khác, dù những người này không làm điều gì xấu chống lại chúng ta mà ngược lại họ lại đang làm những công việc tốt lành như những người môn đệ đang làm. Chúng ta được mời gọi cùng nhau suy ngẫm và duyệt xét lại cuộc chiến này nơi mỗi người trong chúng ta với hai điểm sau.
Não trạng quyền lực thống trị
Nhân chuyện các môn đệ đang thầm nghĩ trong lòng về một vấn đề vô cùng nguy hiểm: ai là người lớn nhất trong Nước Trời ? Đức Giê-su đã đặt một em nhỏ bên cạnh làm mẫu và nói với các môn đệ : “Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, là tiếp đón Đấng đã sai Thầy. Thật vậy, ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất”. Đây chính là tinh thần của Tin Mừng rất đáng để cho chúng ta suy gẫm và đem ra thực hành.
Chúng ta biết rằng trong giao tiếp thường thì người ta chỉ thích tiếp đón những người lớn tuổi, những thượng khách có vị thế ít nhất cũng ngang vai vế của mình. Còn trẻ em, nhất là trong xã hội Do Thái thời bấy giờ lại là thành phần không được tính đến và được kể như không có trong danh mục tiếp đón. Vậy mà Đức Giê-su lại nói rằng ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy là tiếp đón chính Thầy và tiếp đón cả Đấng đã sai Thầy. Đúng là một chuyện ngược đời. Nhưng Đức Giê-su không chỉ nói mà còn mang một em nhỏ, đặt bên cạnh Ngài rồi mới nói. Không chỉ dừng lại ở nơi đây mà có lúc Đức Giê-su còn quả quyết : Nước Trời là của những ai như trẻ nhỏ. Quả thật, vì biết rõ não trạng thế tục thích quyền lực, thích thống trị, thích ăn trên ngồi trốc, thích được người khác hầu hạ mình, nơi các môn đệ, nên Đức Giê-su đã hoá giải nó bằng tinh thần của Tin Mừng. Đối ngược lại với não trạng thích quyền lực thống trị, Đức Giê-su lại đưa ra khuôn mẫu của Tin Mừng là thích trở nên em bé, không có chút quyền lực, lại thích sống phụ thuộc vào người khác. Với thế gian, ai có quyền lực người đó có tiếng nói, có quyền thống trị. Nhưng với Tin Mừng thì quyền lực không phải để thống trị mà là để phục vụ người khác. Ai làm lớn sẽ là người phục vụ kẻ khác. Đức Giê-su còn nhấn mạnh : người bé nhất này lại là người lớn nhất Nước Trời. Như vậy, thay vì để cho não trạng say mê quyền lực của thế gian, muốn thống trị người khác, chúng ta phải sống tinh thần của Tin Mừng là dùng quyền lực để trở thành tôi tớ, trở thành người phục vụ theo gương Đức Giê-su : ” Con người đến không phải để được kẻ hầu người hạ, nhưng để phục vụ và hiến dâng mạng sống mình cho người khác.”
Bài đọc thêm: Thiện – Ác nơi con người
Não trạng loại trừ người khác
Một trong những não trạng thống trị và làm cho con người đau khổ, chính là tính loại trừ người khác. Tin Mừng vừa thuật lại cho chúng ta câu chuyện Gioan đến xin Đức Giê-su can thiệp, ngăn cản những người khác không thuộc cùng nhóm của mình, đã nhân danh Đức Giê-su mà trừ quỷ. Nhưng Đức Giê-su chẳng những không nghe theo mà còn nhân cơ hội này mở mắt, mở tai cho các môn đệ biết cách hành xử như vậy không phải của Tin Mừng mà là của thế gian. Tinh thần của Tin Mừng đó là : ai không chống lại ta là thuận với ta. Không có ai nhân danh Thầy để trừ quỷ rồi lại nói xấu Thầy. Chính não trạng loại trừ này đã sinh ra tính bè phái, cục bộ, ghen tị, tranh đấu, bạo lực và chết chóc. Các thứ chủ nghĩa như phát xít, độc tài, tài phiệt, ái quốc dân tộc, phân biệt chủng tộc, giai cấp, ngôn ngữ, màu da, tính so sánh, đối kháng, chiến tranh, thù hận, bất khoan dung…đều có nguồn gốc từ não trạng loại trừ người khác. Chính khởi đi từ não trạng loại trừ của thế tục mà đã sản sinh ra một nền văn hóa vứt bỏ như Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn hay nhắc đi nhắc lại. Hôm nay người ta có xu hướng vứt bỏ tất cả. Quần áo, đồ dùng, hàng hóa…dù chưa dùng đến, nhưng vẫn vứt bỏ để mua cái khác. Các giá trị đạo đức truyền thống về gia đình như sự chung thủy, sự trinh khiết, sự bền vững cũng vứt bỏ luôn. Các giá trị nhân bản, nhân văn như lễ phép, hiếu nghĩa, lòng biết ơn, sự hy sinh, lòng quảng đại, tính trật tự, sự tôn trọng… cũng bị vứt bỏ luôn.
Ngược hẳn với não trạng loại trừ của thế gian, Đức Giê-su đã đưa ra tinh thần của Tin Mừng. Đó là đón nhận những người khác, dù họ không thuộc về phe nhóm của mình cách minh nhiên. Không chỉ đón nhận những người này mà Đức Giê-su còn nhận họ về cùng phía với mình : ai không chống lại ta thì thuộc về ta. Như vậy, tinh thần của Tin Mừng chính là sống lòng nhân từ, bao dung, quảng đại, đón nhận, tôn trọng những ai đang làm những việc tốt lành cho nhân loại, cho người khác, cho dù những người này chưa thuộc về Hội thánh Công giáo cách minh nhiên. Quả là một sự mở ra để tiếp nhận, để hiệp thông, để cộng tác cùng nhau trong sứ mạng cứu giúp thế giới này. Vậy, chúng ta có dám can đảm đối diện với tinh thần của Tin Mừng để ra khỏi mình, ra khỏi những não trạng của thế gian thế tục đã ăn sâu trong tâm thức của mình, để cùng nắm tay nhau, dấn thân phục vụ cho nhân loại, cho thế giới này ngày một tốt đẹp hơn không ? Đó là điều mà Đức Giê-su đang chờ đợi nơi mỗi chúng ta.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã đến để cứu chúng con, cứu nhân loại này không chỉ bằng cái chết và sự phục sinh của Chúa, mà còn mở ra cho chúng con con đường cứu độ, con đường giải thoát. Đó là tinh thần của Tin Mừng. Xin Chúa ban thêm sức mạnh lòng tin cho chúng con, để chúng con luôn biết vượt thắng những não trạng của thế gian thế tục mà sống cho đúng tinh thần của Chúa. Amen.
Bài đọc thêm: Tình yêu và lề luật
Lm. Gioan Lưu Ngọc Quỳnh, CSsR
Truyền Thông Sinh Viên Công Giáo
Nguồn: svconggiao.net