Với ngày 20/11, là những người dân Việt Nam, chúng ta hướng về những người thầy giáo và cô giáo đã được Thiên Chúa gởi đến cho mình, vào những thời điểm cũng như cách thế khác nhau, để diễn tả, thể hiện lòng tri ân, cảm tạ tới họ, bằng những lời nói, việc làm khác nhau. Đối với những người có đạo và nhất là đối với anh chị em của Nhà Tĩnh Tâm Giêrađô, thì một trong số những thầy giáo đáng được nhớ đến đầu tiên lại chính là Đức Giê-su, vị Thầy vĩ đại của nhân loại, đã được Chúa Cha tặng ban cho chúng ta cách tuyệt vời. Vậy chúng ta phải sống tâm tình tri ân và cảm tạ với Thầy Giê-su như thế nào cho xứng tầm ? Câu chuyện người thanh niên bị quỷ ám được chữa lành sẽ giúp cho chúng ta biết sống tâm tình tri ân, cảm tạ mà Thầy Giê-su đang chờ đợi nơi mỗi chúng ta.
Hãy kể lại những gì Chúa làm
Sau khi được chữa lành khỏi tình trạng bị bị quỷ ám, người thanh niên ở Ghêrasa muốn ở lại với Đức Giê-su, nhưng Ngài đã nói với anh rằng: “Anh cứ về nhà với thân nhân, và thuật lại cho họ biết mọi điều Thiên Chúa đã làm cho anh và Người đã thương anh như thế nào. Anh ta ra đi và bắt đầu rao truyền trong miền Thập Tỉnh tất cả những gì Đức Giê-su đã làm cho anh” (Mc 5, 19-20). Như vậy tạ ơn Thiên chúa chính là việc chúng ta ra đi và kể lại những gì Thiên Chúa đã xót thương, đã làm cho mình với những người thân của mình. Người thanh niên này không chỉ chờ về đến nhà mà ra khỏi đó, anh đã bắt đầu truyền rao những gì mà Đức Giê-su đã làm cho anh, đã cứu anh trong miền Thập Tỉnh, tức là miền mà phần lớn cư dân ở đây không biết Chúa. Họ là những dân ngoại và đã bị Hy Lạp hoá. Có khoảng 10 tỉnh, nằm ở phía nam hồ Tibêria, cùng liên minh với nhau. Chúng ta biết rằng sau khi Đức Giê-su đã đánh bại quyền lực của sự dữ với việc quát mắng làm cho sóng dữ ở biển hồ phải nghe theo thì Ngài tới vùng đất bên kia biển hồ, phải đối diện với quỷ dữ. Anh này bị cả một quân đoàn, hay là một Đạo binh quỷ thống trị, sống trong đám mồ mả, tru tréo, la hét và không ai có thể làm gì được. Xích xiềng được dùng để trói anh cũng chẳng có nghĩa lý gì cả vì anh quá khỏe. Vậy mà khi Đức Giê-su xuất hiện, thấy Ngài từ đàng xa đã vội chạy đến bái lạy và kêu lớn tiếng rằng: “Lạy ông Giê-su, Con Thiên Chúa tối cao, chuyện tôi can gì đến ông ? Nhân danh Thiên Chúa tôi van ông đừng hành hạ tôi”. Đức Giê-su đã truyền cho nó phải ra khỏi người này và chúng đã xin nhập vào đàn heo khoảng hai ngàn con và đâm xuống biển. Câu chuyện còn dài hơn và chắc hẳn anh đã kể lại khá chi tiết cụ thể cho những người khác nghe. Mục đích của việc kể lại những gì Thiên Chúa đã làm cho anh là để cho những người này tin vào Đức Giê-su mà được hưởng ơn cứu độ. Hành trình sa mạc của mỗi thành viên Nhà Tĩnh Tâm Giêrađô chính là hành trình được Đức Giê-su chữa lành, băng bó, tái tạo và xua đuổi những thứ thần ô uế đã ám nhập ra khỏi chính mình và những người khác. Chỉ cần kể lại cách trung thực cho những người thân, những người khác về những gì mình đã được trải nghiệm, chứng nghiệm nơi căn nhà này đã là lời tạ ơn mà Thiên Chúa ưa thích nhất. Vì nhờ những lời chứng đó mà nhiều người sẽ tin nhận Đức Giê-su là Chúa và được hưởng ơn cứu độ của Ngài.
Bài đọc thêm: Văn hoá chửi, miếng mồi câu của thần dữ
Nhà Tĩnh Tâm tạ ơn như thế !
Sở dĩ số thành viên của Nhà Tĩnh Tâm Giêrađô ngày càng tăng lên cũng nhờ các thành viên đã sống tâm tình tạ ơn như người thanh niên này. Sau mỗi lần về thăm quê, gặp lại người thân hay gặp những người đang gặp phải một số khó khăn trong cuộc sống và trong hành trình theo Chúa, nhiều thành viên đã kể lại những gì mà Thiên Chúa đã làm cho mình nơi Nhà Tĩnh Tâm Giêrađô. Nghe xong những chia sẻ này, có người đã cảm thấy như mình vừa được bừng tỉnh, được sáng ra, được rõ hơn, được giải thoát, được chữa lành cách lạ lùng luôn. Cũng có những người nghe xong đã can đảm lên đường, bước vào hành trình sa mạc kéo dài cả mấy năm ròng. Trong hành trình sa mạc khó khăn đầy thử thách này, có nhiều lúc mệt mỏi, căng thẳng về bệnh tật, về tài chính, về áp lực từ gia đình, về tương lai, về tuổi tác, về những xung đột của đời sống chung, tưởng chừng phải bỏ cuộc nửa chừng, nhưng nhờ những chia sẻ của những người đi trước mà các thành viên đã vượt thắng mà bước tiếp hành trình sa mạc của mình. Chính những chia sẻ rất thật này đã chạm đến chỗ sâu nhất của mỗi cá nhân và làm cho họ như thể thấy rõ mình hơn, mở lòng mình hơn và đón nhận được con người thật của mình. Những buổi chia sẻ chung, những cuộc gặp gỡ chia sẻ riêng của mỗi cá nhân như động lực tiếp thêm sức mạnh cho họ tiến bước. Không chỉ dừng lại việc chia sẻ nơi đây mà các thành viên còn được trải qua kinh nghiệm thụ lý hồ sơ và đồng hành với các bệnh nhân, thân chủ, để giúp đỡ cho họ và có thêm kinh nghiệm cho mình. Nhờ thời gian này mà nhiều người đã phát hiện ra những căn bệnh mà trước đây mình chưa hề biết đến và tiếp tục việc chữa trị cho mình. Đặc biệt hơn nữa, Nhà Tĩnh Tâm cũng đã dám chia sẻ những kinh nghiệm của chính mình qua các chương trình radio trên Youtube và trang mạng svconggiao. net và tủ sách có tên “Chuyện Thật Có Thật” và đã đón nhận được khá nhiều phản hồi tích cực của các khán, thính, độc giả. Trong số sách đã ra mắt độc giả có cuốn “chuyện khó nói” và sắp tới sẽ ra mắt cuốn “sát thủ ẩn mình”. Đó là những cách tri ân cảm tạ Thiên Chúa mà Nhà Tĩnh Tâm đã thực hiện. Tất cả là nhờ những chỉ dẫn của Thầy Giê-su Chí Thánh.
Cầu nguyện với Chúa Giê-su
Lạy Chúa Giê su, Vị Thầy vĩ đại cao cả nhất của cuộc đời chúng con. Chúng con xin tạ ơn Thầy không chỉ những gì mà Thầy đã tái tạo, chữa lành và giải thoát cho chúng con mà còn cả cách để sống lòng tạ ơn đối với Thiên Chúa. Nhờ vâng nghe lời chỉ dạy của Thầy mà Nhà Tĩnh Tâm của chúng con đã và đang ngày càng được Thiên Chúa chúc phúc. Xin Thầy Giê-su xin cùng Chúa Cha cho chúng con luôn biết và trung thành sống tâm tình tạ ơn bằng việc kể lại những gì mà Thiên Chúa đã xót thương, đã làm cho chúng con, để nhiều người dám tin mà đón nhận Giê-su làm Thầy, làm Đấng Cứu Độ của họ. Nhờ vậy, chính họ sẽ được Thầy Giê-su cứu giúp họ. Amen.
Bài đọc thêm: Henri Nouwen, vị Thánh thiên tài sinh ra từ thống khổ
Lm Gioan Lưu Ngọc Quỳnh, CSsR
Nguồn: svconggiao.net