Icon Collap
...
Trang chủ / Vị Tông đồ của ơn hoán cải !

Vị Tông đồ của ơn hoán cải !

Hôm nay, chúng ta mừng lễ thánh Phaolô Tông đồ được ơn trở lại. Thánh nhân vẫn được xem là một trong những Tông đồ dân ngoại vĩ đại nhất của toàn thể Hội thánh. Vì Phaolô đã được chính Đức Giê-su Phục Sinh kêu gọi, tuyển chọn cách rất đặc biệt để loan báo Tin Mừng và làm chứng cho Đức Giê su Phục Sinh. Đặc biệt hơn nữa là vị Tông đồ dân ngoại này đã đón nhận được đón nhận một ơn vô cùng cao quý, đó là ơn hoán cải, để dám can đảm vứt bỏ, từ bỏ tất cả những gì mình đã xác tín, đã hành động, đã sống mà quay trở về hoàn toàn với Đức Giê-su Ki-tô và hiến thân để phụng sự Người với tất cả đam mê, sức lực, trí tuệ, con tim, mạng sống và lòng nhiệt thành Tông đồ. Thánh nhân xứng đáng được chúng ta tôn vinh là vị Tông đồ của ơn hoán cải.


Vị Tông đồ của ơn hoán cải     

Vị Tông đồ của ơn hoán cải ! 

Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra ơn hoán cải của vị Tông đồ dân ngoại này qua những tâm tư, tự bộc bạch của Ngài và những gì mà thánh nhân đã sống, đã thực hiện trong cuộc đời của mình. Trong thư gửi tín hữu Ga-lát, phaolô nói rõ : “Anh em hẳn đã nghe nói tôi đã ăn ở thế nào trước kia trong đạo Do Thái : tôi đã quá hăng say bắt bớ, và những muốn tiêu diệt Hội thánh của Thiên Chúa. Trong việc giữ đạo Do Thái tôi đã vượt xa nhiều đồng bào cùng lứa tuổi với tôi : hơn ai hết, tôi đã tỏ ra nhiệt thành với các truyền thống của cha ông” (Gl 1, 13-14). Phaolô nói rõ con người của mình trước khi được ơn trở lại với Thiên Chúa, là một người rất mộ đạo, tuân giữ truyền thống và sẵn sàng bắt bớ, hành hạ những ai đi ngược với đạo Do Thái. Vậy mà Thiên Chúa lại chọn và dùng ngài làm khí cụ để rao giảng và làm chứng cho dân ngoại. Rồi sách Công vụ tông đồ còn ghi nhận : “Tôi là người Do Thái, sinh tại Tác-xô, miền Ki-li-ki-a, nhưng tôi đã được nuôi dưỡng tại thành này; dưới chân ông Ga-ma-li-ên, tôi đã được giáo dục để giữ luật cha ông một cách nghiêm ngặt. Tôi cũng đã nhiệt thành phục vụ Thiên Chúa như tất cả các ông hiện nay. Tôi đã bắt bớ Đạo này, không ngần ngại giết kẻ theo Đạo, đã đóng xiềng và tống ngục cả đàn ông lẫn đàn bà, như cả vị thượng tế lẫn toàn thể hội đồng kỳ mục có thể làm chứng cho tôi. Tôi còn được các vị ấy cho thư giới thiệu với anh em ở Đa-mát, và tôi đi để bắt trói những người ở đó, giải về Giêrusalem để trừng trị”(Cv 22,3-5).  Nhưng Đức Giê-su Phục Sinh đã đánh bại một Phaolô ngạo nghễ. Thánh nhân đã kể lại ân huệ đó khá chi tiết rõ ràng trong biến cố lịch sử qua trọng của mình : “Đang khi tôi đi đường và đến gần Đa-mát, thì vào khoảng trưa, bỗng nhiên có một luồng ánh sáng chói lọi từ trời chiếu xuống bao phủ lấy tôi. Tôi ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với tôi :”Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta ?” Tôi đáp :”Thưa  Ngài, Ngài là ai ?” Người nói với tôi :”Ta là Giê-su Nazareth mà ngươi đang bắt bớ”. Những người cùng đi với tôi trông thấy ánh sáng, nhưng không nghe thấy tiếng của Đấng đang nói với tôi. Tôi nói :”Lạy Chúa ! Con phải làm gì?” Chúa bảo tôi :” Hãy đứng dậy, đi vào Đa-mát, ở đó người ta sẽ nói cho anh biết tất cả những gì Thiên Chúa đã chỉ định cho anh phải làm” (Cv 22, 6-10). Và cuộc đời của Phaolô đã hoàn toàn thay đổi sau biến cố ngã ngựa quyết định này. Phaolô đã trở nên một người mới hoàn toàn : trước đây bắt Đạo, giờ đây lại rao giảng và làm chứng về Đạo mà mình đã bắt; trước đây là một con người cố chấp, gàn bướng, bảo thủ, giờ Phaolô lại trở nên một người bảo dung, ngoan ngùy, dễ bảo. Có thể nói Phaolô đã lột xác thực sự sau biến cố này để trở nên một Tông đồ vĩ đại của Đức Giê-su Ki-tô, nhờ cuộc hoán cải thành công của thánh nhân.
Bài đọc thêm: Có thể chống lại ma quỷ không ?

Cuộc hoán cải của chúng ta ! 

Không chỉ riêng Phaolô mà phần lớn các thánh đã trở nên nổi tiếng cũng đều khởi đi từ những biến cố “ngã ngựa” quyết định của các ngài. Chúng ta thấy rõ một I- Nhã, đấng sáng lập Dòng Chúa Giê-su, hay còn gọi là Dòng Tên, sau biến cố bị thương, đọc hai cuốn sách : gương Chúa Giê-su và hạnh các thánh mà dứt khoát từ bỏ binh nghiệp để trở nên một môn đệ, một đấng sáng lập Dòng, một nhà phân định thiêng liêng nổi tiếng về linh thao. Còn một quý tử của dòng họ Liguori là  Alfonso, sau biến cố bị thua kiện bất ngờ đã giã từ tất cả thế gian để trở thành một nhà Thừa sai nhiệt thành, đấng sáng lập của Dòng Chúa Cứu Thế, và là một tiến sĩ của Hội thánh. Ngay cả Phanxicô Assisi cũng vang bóng một thời về quậy phá mà chỉ một tiếng nói âm thầm vang lên khi đi qua nhà nguyện Đamiano đã trở nên một người nghèo của Thiên Chúa và là Đấng sáng lập Dòng Anh em hèn mọn. Riêng một Têrêxa  Avila, nhà cải cách vĩ đại của dòng Carmel cũng gần 40 tuổi mới được ơn hối cải để trở thành nhà thần bí, nhà cải cách, đấng thành lập nhiều đan viện dòng Carmel… Tất cả các thánh cũng đều khởi đi từ những cuộc hoán cải đau đớn, rớm máu mới trở nên những con người mới, những vị thánh lớn của Giáo hội. Còn mỗi chúng ta thì sao ? Đâu là cú ngã ngựa của tôi ? Bao giờ tôi mới có được một cuộc hoán cải như các thánh ? Chúng ta có dám bước vào một cuộc hoán cải thật sự không ? Đó là câu hỏi mà Thiên Chúa đang gợi ra cho từng người trong chúng ta. Đấy cũng là ước mong của thánh Phao lô tông đồ và các thánh dành cho chúng ta.

Cầu nguyện với Thánh Phaolô !

Thân lạy thánh Phaolô tông đồ, nhân biến cố ngã ngựa, thánh nhân đã được ơn hoán cải để trở về với Thiên Chúa và trở nên một tông đồ nhiệt thành rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại và trở thành chứng nhân cho Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh. Chúng con xin tạ ơn Thiên Chúa và chúc mừng thánh Phaolô. Chúng con cúi xin thánh Phaolô khẩn cầu cùng Chúa Giê-su Phục Sinh cho chúng con sớm có được ơn hoán cải như ngài. Để nhờ đó, chúng con mới có thể trở thành những môn đệ đích thực của Chúa Giê-su Ki-tô. Amen.

Bài đọc thêm: Thiên Chúa cứu những tội nhân

Lm. Gioan Lưu Ngọc Quỳnh, CSsR

Nguồn: svconggiao.net

Bình luận
error: Content is protected !!