Để giúp cho các môn đệ và cho nhân loại không chỉ vươn tới hạnh phúc đời sau mà còn đạt tới hạnh phúc ở đời này, Đức Giê-su đã từ từ đưa ra những nguyên lý cụ thể để hướng dẫn người ta. Một trong những nguyên lý quan trọng mà Đức Giê-su đưa ra hôm nay đó là người mù thì không thể dẫn người mù được, hay nói rõ hơn là muốn hướng dẫn người khác thì riêng bản thân mình phải là người sáng mắt chứ không phải là người mù mắt. Rồi hơn nữa khi người ta đã sáng mắt thì cứ xem quả thì sẽ biết được cây như thế nào, hay lòng có đầy thì miệng mới nói ra ngoài. Vậy chúng ta cùng nhau cầu nguyện, suy ngẫm và đem ra thực hành hực hành hai nguyên lý này để xem hiệu quả của chúng.
Mù không thể dẫn mù được !
Rõ ràng đây là một chân lý hiển nhiên. Quả thật một người bị mù thì không thấy đường mà đi, còn bảo làm sao để dẫn đường cho một người mù khác. Nhưng đích điểm mà Đức Giê-su nhắm tới là nhắc cho con người biết được tình trạng mù loà thật của từng người trong chúng ta. Ai trong chúng ta cũng bị mù cả. Nhưng có ít người chấp nhận là mình bị mù. Những gì làm cho chúng ta bị mù thì lớn như cái xà nằm trong con mắt vậy. Trong binh pháp của mình, Tôn Tử đã từng đưa ra một nguyên lý căn bản để người ta có được chiến thắng đó là: “Tri kỷ tri bỉ bách chiến bách thắng” – “biết mình biết người thì trăm trận trăm thắng”. Song xem ra Tôn tử chỉ nói biết mình một cách chung chung vậy thôi. Còn Đức Giê-su thì nói rõ là mỗi người phải biết rõ mình bị mù mới là quan trọng. Mù ở đây không phải là cái mù về thể lý như đôi mắt mà là cái mù tổng thể của toàn diện con người. Sở dĩ ai trong chúng ta cũng bị mù vì đầu óc, con tim của mình đã phải tiếp nhận quá nhiều thứ từ người khác, mà phần lớn là tiêu cực để đưa vào trong tâm trí của ta. Rồi chính những thứ đó đã quay trở lại chỉ đạo, điều khiển những suy nghĩ, hành động, thái độ, chọn lựa của chúng ta mà rất ít người nhận ra được sự thật này. Ngược lại, ai cũng tự nhận những suy nghĩ, tư tưởng, thái độ, hành vi, chọn lựa đó là của mình và do mình tạo ra. Cũng chính vì thế mà Đức Giê-su đã yêu cầu, đòi buộc chúng ta là những môn đệ của Ngài thì phải từ bỏ chính mình, tức là từ bỏ tất cả những cái gì đã đi vào trong ta để làm nên cái mình của ta hôm nay. Nơi khác, Đức Giê-su còn nói mạnh hơn: “Những gì mà Cha Ta – Đấng ngự trên trời, không trồng thì phải nhổ cho hết”. Đức Giê-su không chỉ đòi buộc chúng ta phải bỏ tất cả những thứ đó thì mới có thể làm môn đệ của Ngài mà còn cho chúng ta từ giải pháp đến cả phương tiện để được chữa lành khỏi căn bệnh mù loà nguy hiểm này là việc xét mình, sám hối ăn năn, dốc lòng quyết tâm chừa bỏ và xưng thú tất cả mọi tội lỗi nơi Bí tích Hoà giải. Không chỉ có Bí tích Hoà giải mà còn có việc lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện, tâm sự với Chúa về tất cả những gì đã xảy đến và đang hoạt động trong ta cách thường xuyên. Đó chính là những thời khắc, cơ hội, chúng ta được Thiên Chúa lấy đi những cái xà trong ta, để chúng ta được sáng mắt mà dẫn đường cho những người khác, dựa vào nguyên lý thứ hai :
Cứ xem quả thì biết cây !
Sau khi đã được lấy cái xà ra khỏi mắt tâm trí, Đức Giê-su lại đưa ra một nguyên lý khác để giúp cho chúng ta có thể hiểu được người khác đó là: Xem quả thì biết cây. Cứ nhìn những gì mà một người diễn tả ra bên ngoài như lời nói, thái độ, hành động, việc làm… thì chúng ta sẽ biết được sự thật bên trong đang chi phối và điều khiển những người này. Và khi chúng ra biết được như vậy thì sẽ dễ đón nhận, cảm thông và có những sự trợ giúp cần thiết cho họ. Nguyên lý này cảnh tỉnh chúng ta đừng có vội đánh giá một con người theo cảm tính của mình mà hãy để cho người đó được tự diễn tả về họ qua những lời nói, việc làm, thái độ… thì sẽ biết được họ là ai. Nói theo ngôn ngữ của triết học hiện tượng luận thì cứ xem những cái bên ngoài để đoán được cái bản chất nằm bên trong. Tại sao vậy ? Đức Giê-su nói rõ : “Không có cây nào tốt mà sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà sinh quả tốt. Thật vậy, xem quả thì biết cây. Ở bụi gai làm sao bẻ được vả, trong bụi rậm làm gì hái được nho ! Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy miệng mới nói ra” (Lc 6, 43-45). Đây cũng là một trong những nguyên lý nền tảng mà Đức Giê-su muốn chúng ta sử dụng nó để có thể đọc ra được những dấu chỉ thời đại mà Thiên Chúa muốn gởi đến cho chúng ta. Không chỉ một mình Đức Giê-su nói cho chúng ta biết nguyên lý này mà ngang qua hiện tượng tự nhiên trong vũ trụ mà chính Thiên Chúa đã tỏ lộ cho chúng ta rồi. Nếu chúng ta nhìn lại hành trình nhận thức của nhân loại thì sẽ thấy được hai nguyên lý nền tảng này chuẩn xác đến mức nào. Quả thật, việc nhìn nhận đánh giá một thực tại nào đó đều tùy thuộc vào tính chủ quan của mỗi người. Vì thế, nếu như người đó có cái đầu không chuẩn xác, bị lệch thì làm sao mà chúng ta có thể có được những chân lý khách quan ! Như vậy, nếu chúng ta hiểu và thực thi theo hai nguyên lý nền tảng quan trọng này thì sự thật mới đến với chúng ta và sự thật sẽ giải thoát chúng ta như lời Đức Giê-su dạy. Tắt một lời, Đức Giê-su đã đưa ra hai nguyên lý nền tảng giúp cho mỗi người chúng ta vừa có thể hiểu biết được chính mình và vừa biết được người khác. Nhờ đó mà chúng ta sẽ gặt hái được nhiều thành quả, hoa trái tốt đẹp trong cuộc sống hàng ngày và vững bước trên con đường dẫn đến hạnh phúc muôn đời. Chỉ cần chúng ta thực thi nghiêm túc theo đúng lộ trình của hai nguyên lý nền tảng quan trọng này.
Cầu nguyện với Chúa Giê-su !
Lạy Chúa Giê-su, chúng con chân thành cảm tạ Chúa đã chỉ dạy cho chúng con con đường để đạt tới hạnh phúc không chỉ đời sau mà ngay cả đời này dựa trên hai nguyên lý nền tảng quan trọng là mù không thể dẫn mù và xem quả thì biết cây. Chúng con xin Chúa cho chúng con vững tin và chuyên chăm thực hiện hai quà tặng đặc biệt này trong từng ngày sống, để chúng ta có thể đạt đến chân lý và được chân lý giải thoát cho chúng con. Amen.
Bài đọc thêm: Thiên Chúa nhân từ – Chữa lành !
Lm. Gioan Lưu Ngọc Quỳnh, CSsR
Nguồn Svconggiao.net