Thánh Gioan vừa thuật lại biến cố Đức Giê-su bí mật lên Giêrusalem vào dịp lễ lều, nhưng lại giảng dạy công khai trong hội đường. Người Do Thái tìm cách bắt Đức Giê-su, nhưng chẳng có ai dám tra tay, vì giờ của Người chưa đến. Vậy giờ của Đức Giê-su mà thánh Gioan nhắc tới ở đây là giờ nào vậy? Ta hãy xin Chúa Thánh Thần đến soi sáng, hướng dẫn, giúp cho chúng ta hiểu được giờ của Đức Giê-su mà Gioan nói là giờ nào và có ý nghĩa gì với mỗi người chúng ta?
Giờ mà Đức Giê-su nói tới !
Trong Tin Mừng của thánh Gioan thì “Giờ của Đức Giê-su” được đề cập đến nhiều lần và như vậy thì “giờ”này có một ý nghĩa đặc biệt. Để hiểu rõ về giờ này, chúng ta có thể điểm lại những lần từ “giờ” đã được nhắc đến trong Tin Mừng. Khởi đầu sứ vụ của Đức Giê-su tại tiệc cưới Ca-na, Đức Maria sau khi thấy nhà đám sắp hết rượu đã chạy đến thưa với Ngài : “Họ hết rượu rồi !” Nhưng Đức Giê-su đã đáp : “Việc đó liên quan gì tới Bà và tôi ! Vì giờ của tôi chưa đến“. Còn trong Tin Mừng vừa được công bố thì :”Bấy giờ họ tìm cách bắt Người, nhưng chẳng có ai tra tay bắt, vì giờ của Người chưa đến” (Ga 7,30). Rồi gần đến ngày lễ Vượt qua, Đức Giê-su sai hai môn đệ vào thành dọn lễ và nói với hai ông rằng : “Các ngươi hãy vào thành gặp ông kia và nói với ông : Thầy bảo: giờ của Thầy đã gần. Thầy muốn cử hành lễ Vượt qua tại nhà ông” (Mt 26,18). Còn khi những người Hy Lạp muốn gặp Đức Giê-su thì Ngài nói : “Giờ đã đến cho Con Người được tôn vinh ! Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi : Giả như hạt lúa gieo xuống lòng đất mà không chết đi thì nó trơ trọi một mình; nhưng nếu nó chết đi, nó mới sinh hoa trái” (Ga 12,22-24). Như vậy, giờ mà Đức Giê-su nói đây chính là giờ Thiên Chúa được tôn vinh nơi Ngài; giờ Đức Giê-su chấp nhận chết và bị gieo vào lòng đất như hạt lúa mì, và phục sinh chỗi dậy để trao ban sự sống cho chúng ta. Đức Giê-su còn nói: “Phần tôi, một khi được giương cao khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12,32). Khi Đức Giê-su chết treo trên thập giá là khi Đức Giê-su được Chúa Cha tôn vinh. Và Thập giá đã thực sự trở thành ngai tòa của Hoàng tử Giê su, nối kết đất trời với nhau, con người với Thiên Chúa, người Do Thái với Hy Lạp, người nô lệ với tự do.Tóm lại, giờ mà Đức Giê-su muốn nói tới chính là thời khắc Đức Giê-su thực hiện cuộc vượt qua đau khổ để vào trong vinh quang; vượt qua cái chết để bước vào trong cõi sống; vượt qua thập giá để bước vào trong sự phục sinh của chính Ngài. Đây là ý nghĩa của “giờ” mà chính Đức Giê-su đã nói đi nói lại.
Bài đọc thêm: “Lạy Chúa, Ngài quên con mãi tới bao giờ ?”
Giờ đó có ý nghĩa gì với chúng ta !
Đối với Đức Giê-su, những lời nói, việc làm, thái độ hay cử chỉ của Ngài không có gì mà không có ý nghĩa với chúng ta; đặc biệt là giờ vượt qua của Ngài. Chúng ta biết rằng Đức Giê-su đã vượt qua cái chết mà bước vào trong sự phục sinh vinh hiển để làm Chúa muôn chúa, làm Vua muôn vua, làm Chủ tể của toàn thể vũ trụ vạn vật và của toàn thể nhân loại. Đặc biệt hơn nữa là chính cuộc vượt qua của Đức Giê-su đã trở thành hy vọng, trở thành khuôn mẫu cho chúng con biết thực hiện cuộc vượt qua của chính mình. Tại sao vậy ? Xin thưa rằng, chúng ta vốn là những chi thể của Đức Giê-su. Chính Đức Giê-su mong muốn và đang cố gắng giúp cho chúng ta thực hiện cuộc vượt qua của mỗi người trong từng ngày sống và nhất là cuộc vượt qua cái chết để bước vào cõi sống, vượt qua đời này để bước vào đời sau. Vì thế, khi chúng ta chủ động và tự do sẵn sàng hy sinh, đón nhận những đau khổ xảy đến với một tình yêu dành cho Thiên Chúa và cho con người thì thời khắc đó đã trở thành giờ của Đức Giê-su, giờ mà Thiên Chúa được tôn vinh nơi những hy sinh, vất vả của chúng ta. Chẳng hạn, thời khắc chúng ta cùng nhau vượt qua chặng đường dài giữa mưa gió, vượt qua những bận rộn công việc, để đưa con cái đến nhà thờ cầu nguyện, dâng lễ, cũng chính là thời khắc chúng ta tôn vinh Thiên Chúa. Cũng một cách thức vậy, khi chúng ta biết quảng đại hy sinh cho nhau, sẵn sàng bỏ qua mọi lỗi lầm khiếm khuyết cho nhau và yêu thương nhau thực lòng, cũng chính là lúc Thiên Chúa đang được tôn vinh nơi chúng ta. Rồi khi chúng ta phải đối mặt với đau khổ, với cái chết mà vẫn vui vẻ, lạc quan, tin tưởng vào Thiên Chúa, không kêu ca, phàn nàn, trách móc, sợ hãi, chính là lúc chúng ta đang thực hiện cuộc vượt qua của mình để tôn vinh Thiên Chúa. Như vậy, giờ của Đức Giê-su cũng giờ của mỗi người chúng ta. Giờ mà chúng ta tôn vinh Thiên Chúa bằng việc sẵn lòng đón nhận những đau khổ, những điều cực hình trái ý mà người khác làm cho mình, với một lòng yêu mến, tin tưởng và muốn được kết hợp mật thiết với những đau khổ của Đức Giê-su để được trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài. Và đặc biệt nhất chính là giờ vượt qua sau hết là cái chết để vào hưởng sự sống đời đời trong Vương Quốc Nước Trời của Thiên Chúa chúng ta.
Bài đọc thêm: Con đường nên Thánh là con đường giống Chúa
Cầu nguyện với Chúa Giê-su !
Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã muốn quy hướng chúng con về “Giờ” của Chúa, giờ Thiên Chúa được tôn vinh nơi cuộc Vượt qua đau khổ để được phục sinh vinh hiển của chính Chúa. Chúa còn muốn cho chúng con cũng luôn biết hướng về giờ Thiên Chúa được tôn vinh khi chúng con thực hiện các cuộc vượt qua nơi bản thân mình, nhất là cuộc vượt qua cái chết để bước vào cõi sống trong giờ sau hết. Chúng con xin chân thành cảm ơn Chúa rất nhiều. Xin Chúa ban ơn trợ giúp cho chúng con, để chúng con can đảm thực hiện cuộc vượt qua của chính mình theo gương Chúa đã thực hiện. Nhờ đó, chúng con sẽ được phục sinh vinh hiển và được tận hưởng hạnh phúc viên mãn trong Nước của Thiên Chúa. Amen.
Lm. Gioan Lưu Ngọc Quỳnh, CSsR
Nguồn: svconggiao.net