Bố tôi sinh ra trong một gia đình khá đông anh chị em. Bố tôi là người con thứ năm trong gia đình. Điều đầu tiên mà tôi biết được về bố tôi là người không có tiếng nói, không có quyền quyết định bất cứ chuyện gì trong gia đình bên nhà nội. Chuyện lớn, chuyện nhỏ trong nhà, bố tôi cũng phải hỏi và chịu sự điều khiển của người lớn. Khi mới 15 tuổi, do kinh tế gia đình lúc đó gặp khó khăn, bố tôi đã cùng với ông nội, rời khỏi đất bắc vào lập nghiệp ở một miền đồi núi, thôn quê hẻo lánh tại tỉnh Lâm đồng.
Điều thứ hai mà tôi biêt được về bố đó là một người ham thích và chịu khổ, chịu khó trong việc học hành, có chí tiến thân. Chính vì thấy rõ tầm quan trọng của việc học mà bố thường hay khích lệ, động viên và tạo mọi điều kiện cho anh chị em chúng tôi theo đuổi việc học. Trong gia đình tôi, ai cũng phải học hành đàng hoàng. Dù gia đình gặp khá nhiều khó khăn về đời sống kinh tế, nhưng không vì thế mà chúng tôi phải bỏ học hay sao nhãng việc học. Về phương diện này, bố tôi đúng là một tấm gương sáng và là một điểm tựa vững chắc, để chúng tôi vượt thắng những khó khăn trong việc học.
Điều thứ ba mà tôi ngộ ra đó chính là sự tương khắc giữa bố và mẹ tôi. Mẹ tôi là con cả trong gia đình, nên làm việc gì mẹ cũng quyết đoán luôn. Nhiều lúc mẹ tôi tự quyết nhiều việc quan trong mà không hề bàn bạc với bố, khiến bố tức tối. Hơn nữa, tôi thấy bố tôi là người khá thực tế trong công việc. Dù việc lớn hay việc nhỏ trong gia đình, bố tôi cần bàn bạc thật kĩ lưỡng rồi mới bắt tay vào làm. Nhưng chỉ vì mẹ tôi hay tự quyết đoán, không chịu bàn hỏi, nên hai người nhiều lúc cũng to tiếng với nhau. Thêm vào đó, vì sợ bố nên chúng tôi thường không dám hỏi ý kiến bố mà toàn hỏi ý kiến mẹ, hoặc tự ý làm, khiến bố tôi lại càng bực tức và ngày càng nóng tính hơn.
Bài đọc thêm : Tôi đi tìm hạnh phúc
Tạm gọi là điều cuối cùng mà tôi nhận ra về bố tôi trong hành trình sa mạc này là bố tôi là một con người sống rất tình cảm và đạo đức. Những lúc mẹ con chúng tôi đau bệnh, bố quan tâm hỏi han và chăm sóc tận tình. Những lúc chúng tôi tập làm những công việc cùng với bố mẹ, để hiểu và quý trọng sức lao động của bố mẹ, bố thường quan tâm và hay hỏi: “Có mệt không con? Mai có đi tiếp không?”. Đi lễ hay học giáo lý mà “lè phè” là luôn bị bố tôi la mắng và nhắc nhở học cho đàng hoàng. Mới chỉ một khoảng thời gian ngắn mà tôi đã nhận ra bố tôi vậy đấy! Bố cũng tuyệt vời đâu kém gì những ông bố khác ! Vậy mà tại sao lâu nay tôi không nhận ra và lại ghét bố tôi nhỉ?
Con người có lẽ ai cũng có những nỗi khổ của riêng mình mà chẳng bộc bạch được với ai. Họ cứ cố kìm nén chúng lại và rồi nén mãi sẽ đầy thôi. Khi mà những cảm xúc, tình cảm bị ức chế và dồn nén đến mức tối đa, thì tự khắc nó phun trào mà ngay họ không muốn cũng không thể kềm chế được. Bố tôi là một con người đã cố gắng kìm chế những uất ức, dồn nén và tưởng rằng mình sẽ vượt thắng được chúng. Nhưng sự thật lại không phải như vậy. Tất cả những uất ức, dồn nén đó đã khiến bố tôi cứ lải nhải mãi bản trường ca “Không có tao, mẹ con mày chả làm ăn được gì cả”. Dẫu rằng có những lúc bố tôi đã dừng lại để suy nghĩ về việc mình sắp làm, nhưng sức đẩy của những dồn nén của ký ức đã đánh bại được chính con người đạo đức, tốt lành của bố.
Ngẫm người mà lại nghĩ đến ta. Nếu bản thân tôi không được khai sáng trong cuộc tĩnh tâm này thì chắc chắn tôi sẽ phun trào những uất ức, dồn nén lâu nay về người bố của mình cho những người chung quanh tôi. Không phải trong tương lai, tôi sẽ phun trào lên người khác những uất hận của bố tôi mà chính tôi, sau khi nhìn lại hành trình đã qua, tôi đã nhận ra rằng bao nhiêu người khác sống và làm việc với tôi, cũng đã từng phải hứng chịu những hành vi tức giận vô lý của tôi rồi. Không biết những con người hứng chịu những uất hận của tôi, họ có đùn đẩy và chuyển giao những tức giận đó cho người khác chưa ! Cái vòng xoáy luân hồi này làm sao thoát ra được !
Tôi ước mong sao, bố tôi và những người rơi vào tình trạng như bố tôi, cũng có được cơ hội được khai sáng như chúng tôi thì tốt biết chừng nào. Nhưng điều tôi không thể không làm cho bố tôi, sau khi xuống núi, là tôi sẽ kể hết những gì mà tôi đã được khai sáng trong tuần sa mạc này với bố tôi. Tôi tin chắc, một con người như bố tôi sẽ có đủ khả năng lãnh hội được, để bố tôi cũng có được tự do và sống hạnh phúc hơn.
Trong sự khai sáng này, điều làm tôi ghi nhận nhiều nhất đó là sự điều khiển, sức công phá và tàn phá khó lường của những ký ức dĩ vãng lên trên những hành vi hiện tại của con người mà không mấy ai có thể nhìn nhận được. Đồng thời, sức mạnh của những định kiến về một con người là rào cản lớn nhất, khiến ta không thể yêu mến họ được. Muốn hóa giải những ký ức, những thùng thuốc nổ, những quả bom đã gài sẵn trong ta và thoát ra khỏi những định kiến này, cần phải có những thời khắc yên tĩnh để nhìn về chính mình và nhìn về người khác. Đặc biệt, những kỹ năng chuyên môn, có khả năng giúp hóa giải, đào thải cảm xúc, suy nghĩ của con người cũng vô cùng quan trọng.
Bài đọc thêm : Với ơn Chúa tôi đã có thể tha thứ cho cha tôi
Dẫu chỉ một ít thời gian thôi, nhưng cũng đủ để thay đổi con người của tôi, giúp tôi tự đáy lòng dám nói lên rằng con yêu bố. Ước mong sao tất cả những ai đang có bố, luôn luôn yêu thương bố mình, đừng ghét bố như tôi đã từng ghét, mà hãy cảm thông và chịu khó tìm hiểu về họ. Họ không biết rằng họ đã là tổn thương con cái họ vì những lời nói nào đó. Mặc dù họ có nghiêm khắc, nóng nảy với con mình nhưng ẩn sâu trong đó là tình yêu thương của một người cha luôn muốn con mình thành người tốt.
Hoàn Vũ
Nguồn: svconggiao.net