Trong hành trình thương khó và vượt qua, Đức Giê-su đã phải đối diện với những đau khổ, đến từ những đối thủ, và ngay cả những môn đệ thân tín của mình. Trong những đau khổ về mặt thể xác và tinh thần, thì phải kể đến nỗi đau khi bị người ta phản bội, nhất là bị người thân bán đứng Thầy Giê-su cho những kẻ muốn làm hại Ngài. Nỗi đau này đã chạm đến lương tri của mỗi con người, khiến cho, đang lúc ăn tiệc mà khi nghe Đức Giê-su nói rằng : “Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy” thì người nào cũng cảm thấy buồn bã. Tất cả bọn họ đã hỏi lại Đức Giê-su : “Thưa Thầy, chẳng lẽ con sao?” Tại sao tất cả các môn đệ lại thưa lên như vậy ?
Thưa Thầy, chẳng lẽ con sao ?
Việc các môn đệ đều thưa lên với Đức Giê-su câu hỏi này, chắc hẳn phải có nguyên do của nó. Chúng ta cùng suy ngẫm. Thứ nhất, đây đúng là một biến cố gây sốc cho nhiều người, chứ không phải chỉ một số người. Sự phản bội của đồ đệ đối với Thầy vẫn là một sự dữ kinh hoàng, đáng sợ, không dễ đón nhận được, đối với mọi người và văn hóa xã hội. Phản bội Thầy và đồng môn luôn bị lên án. Bởi vậy, khi Đức Giê-su lên tiếng nói: “trong anh em, có một người sẽ nộp Thầy” thì các ông đều buồn bã và lên tiếng hỏi Thầy :”Có phải con không?” Đến cả Giu-đa cũng hỏi Thầy câu đó. Thứ hai, chính là bối cảnh của biến cố này. Trong lúc mỗi người đang ăn tiệc vượt qua vui vẻ, bỗng Đức Giê-su đưa ra hung tin như vậy, thì thử hỏi làm sao mọi người có thể không bị sốc được? Đối với tâm thức người Do Thái thì lễ Vượt qua có một ý nghĩa vô cùng quan trọng. Riêng các môn đệ, được ăn mừng lễ Vượt qua với Thầy mình thì còn gì hơn nữa. Vậy mà giờ đây Thầy Giê su lại nói rõ :”Thật, Thầy bảo thật anh em, có một người trong anh em sẽ nộp Thầy”. Đang vui mà nghe một tin buồn như vậy thì làm sao người ta không cảm thấy bị sốc được? Thứ ba, chính là do vị thế và cách thông tin của Đức Giê-su. Nếu trong bối cảnh và nội dung thông tin như vậy, mà một người bình thường báo thì chắc người ta cũng bớt sốc hơn nhiều. Nhưng ở đây, không phải là người môn đệ thông tin mà lại là chính Đức Giê-su trực tiếp báo tin này cho các môn đệ. Vì thế, tính chất của vụ việc này càng trở nên có ý nghĩa hơn. Tóm lại, do nội dung, bối cảnh và vị thế của người báo tin mà tất cả các môn đệ có mặt trong bữa tiệc Vượt qua đều bị chấn động mạnh và thưa lên với Đức Giê-su rằng :”Thưa Thầy, có phải con không?” Còn với chúng ta, những môn đệ của Đức Giê-su thì sao? Xin Chúa Thánh Thần ngự đến soi sáng hướng dẫn cho chúng con, giúp nhận ra được tình trạng thật nơi mỗi người.
Câu hỏi của chính Giu-đa !
Có một chi tiết khác trong vụ việc này cũng đáng cho chúng ta suy gẫm. Đó chính là việc Giu-đa đến thưa với Đức Giê-su : “Thưa Thầy, có phải con không?” Và câu trả lời của Ngài : “Chính anh nói đó”. Rõ ràng Giu-đa thừa biết Đức Giê-su hiểu rõ anh ta là kẻ phản bội bán Thầy, nhưng vẫn trơ trẽn đặt câu như các môn đệ khác, với chủ ý để những người này không nhận ra hắn là kẻ phản bội mà Đức Giê-su vừa nói. Nhưng Đức Giê-su đã nói rõ : “Chính anh nói đó”. Ngài không ngần ngại trả lời thẳng với Giu-đa. Tuy nhiên, trước đó Đức Giê-su đã nói một câu khá nặng và ám chỉ khá rõ rằng : “Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy. Đã hẳn Con Người ra đi như lời đã chép về Người. Nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người : thà nó đừng sinh ra thì hơn” (Mt 26,23-24). Dù sự nhắc nhở này chẳng khác gì một lời chúc dữ, vậy mà Giu-đa vẫn mặt dày mày dạn, chẳng có chút lo sợ hay hối tiếc, ân hận. Còn chúng ta thì có khá hơn Giu-đa không? Chúng ta có phản bội, bán đứng Thầy của mình, có khi không đến ba mươi đồng bạc, lúc nào không? Những lúc chúng ta phạm tội, sống bất xứng cũng có nghĩa là chúng ta đang nộp Ngài cho quân dữ hành hạ, nhạo báng, và làm cho dung mạo của Đức Giêsu bị sỉ nhục, bị biến dạng. Nhưng liệu chúng ta có đủ ý thức mà thừa nhận sự phản bội của mình hay không ? Khi biết rõ mình phản bội, đi nộp Thầy, được Thầy nhắc nhở cảnh báo cách này hay cách khác, mà chúng ta vẫn ở lì trong tội, không chịu hối cải mà quay về với Thiên Chúa không? Giu-đa vẫn là một vấn nạn thách thức người tin xét mình mỗi ngày để thấy rõ được mối tương quan thật giữa mình với Đức Giê-su. Nhờ đó, chúng ta sẽ biết ơn con người phản bội này, dưới một khía cạnh nào đó, trong hành trình bước theo Đức Giê-su Ki-tô, Chúa của chúng ta.
Cầu nguyện với Chúa Giê-su !
Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa đón nhận sự phản bội của Giu-đa và tìm mọi cách để lay tỉnh y từ bỏ dã tâm đen tối đó, bằng những lời ám chỉ khá nặng đến những lời nói trực tiếp. Vậy mà Giu-đa vẫn không chịu hối cải mà quay về, vẫn cứng lòng. Đặc biệt hơn nữa là Chúa đã dùng hình ảnh Giu-đa để nhắc nhở cảnh tỉnh mỗi người trong chúng con, biết duyệt xét lại mối tương quan giữa chúng con với chính Chúa, nhất là trong thời khắc thánh thiêng này. Chúng con xin chân thành cảm tạ tri ân Chúa rất nhiều. Xin Chúa giúp cho chúng con có được lòng can đảm mà thật lòng sám hối trở về với Thiên Chúa từ nhân. Amen.
Bài đọc thêm: Tình yêu và kẻ phản bội !
Lm. Gioan Lưu Ngọc Quỳnh, CSsR