Icon Collap
...
Trang chủ / Tại sao Đức Giê-su phải chết !

Tại sao Đức Giê-su phải chết !

Chúng ta vừa nghe công bố trình thuật thương khó và tử nạn của Đức Giê-su Ki-tô, theo Tin Mừng của thánh Gioan. Đây là một trình thuật khá dài và chi tiết. Sau khi nghe xong, có một vấn nạn xuất hiện trong tôi là : tại sao mà Đức Giê-su Ki-tô phải chịu thương khó và tử nạn như vậy ? Cuộc thương khó và tử nạn của Đức Giê-su có dính líu gì đến tâm thức, suy nghĩ, con người, cuộc sống của tôi lúc này như thế nào? Đó cũng là tâm tư, là những chia sẻ tôi muốn gởi đến cộng đoàn phụng vụ trong đêm Thứ Sáu Tuần Thánh này.

Tại sao đức Giê-su phải chết !

Tất cả cũng chỉ vì tình yêu !

Khi lắng nghe trình thuật về cuộc thương khó và tử nạn của Đức Giê-su, đối diện với những gì xảy đến với Ngài, có nhiều người cho rằng Đức Giê-su phải chịu thương khó và tử nạn như vậy là do đụng chạm đến thế lực chính trị, hoặc do những xung đột tôn giáo, hay còn có những lý do khác. Chúng ta cùng suy gẫm và tìm hiểu xem.

Đụng độ quyền lực chính trị !

Như một số người cho rằng Đức Giê-su phải chịu thương khó và tử nạn như vậy là do Ngài đã thách thức, đụng đến cả quyền lực tối cao của Đế chế La mã, khi nói rõ rằng Ngài đến thế gian này là để làm vua. Rồi những bài giảng của Ngài đụng chạm đến những thế lực chính trị như vua Hê-rô-đê và Phi-la-tô. Nhưng thực chất thì có phải Đức Giê-su đến làm chính trị đâu ! Nếu Đức Giê-su làm chính trị thì phải có những tuyên ngôn, đảng phái, chính trường chứ. Đức Giê-su cũng đã nói rõ điều này với quan Phi-la-tô : “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do Thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc về chốn này” (Ga 18,36). Rồi trong vườn Cây Dầu, chỉ cần nghe  câu nói của Đức Giê-su: “Chính tôi đây!” thì quân lính đã phải lùi lại và ngã xuống đất” (Ga 18,5-6). Nếu như Đức Giê-su không cho những người này bắt, không cho kẻ phản bội hôn mình để làm hiệu, thì liệu đám người này có bắt được Ngài không? Đến chính ông Phi-la-tô đã phải công khai thú nhận về sự vô tội của Đức Giê-su : “Phần ta, ta không tìm thấy điều gì để kết tội ông này” (Ga 18,38). Ngay cả vợ của Phi-la-tô, đến tên cướp trên thập giá, Giu-đa, kẻ nộp Thầy và ngay viên sĩ quan La mã, chỉ huy cuộc hành hình Đức Giê-su cũng đều nhìn nhận và tuyên xưng về sự vô tội của Đức Giê-su Ki-tô. Như vậy, nếu nói rằng Đức Giê-su đã phải chịu đi vào thương khó và tử nạn là do chính trị thì không chuẩn xác và đủ sức thuyết phục.

Do những xung đột tôn giáo !

Có một số người khác lại chủ trương rằng : do có những xung đột giữa Đức Giê-su và giới lãnh đạo Do Thái giáo mà đã đưa tới cuộc thương khó và tử nạn của Đức Giê-su. Dĩ nhiên, các kinh sư, và biệt phái cuối cùng đã đi đến quyết định giết Đức Giê-su, vì sau những cuộc tranh luận, âm mưu, ủ mưu, dàn dựng, cài bẫy mà vẫn  không sao đánh bại được đối thủ nên họ tức tối, ghen tương, căm thù và họp Thượng Hội Đồng, nêu ra vấn đề để hợp thức hóa việc giết Đức Giê-su : “Chúng ta phải làm gì đây? Người này làm nhiều dấu lạ. Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rô-ma sẽ đến phá hủy cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta” (Ga 11,47-48). Như vậy, giới lãnh đạo Do Thái giáo đi đến quyết định giết Đức Giê-su chỉ vì sợ người dân bỏ họ mà tin theo Đức Giê-su. Kinh thánh cho thấy nhiều lần người Do Thái tra tay bắt hoặc xô Đức Giê-su xuống vực, nhưng không làm được, bởi vì giờ của Ngài chưa đến và Ngài băng qua giữa họ mà đi. Điều này cho thấy, nếu như mà Đức Giê-su quyết định thoát khỏi bàn tay độc ác của những người này thì cũng chẳng khó khăn gì. Đức Giê-su muốn kích động, lôi kéo những người dân đi theo Ngài thì không ai có thể cản lại được. Những lời giảng dạy đầy quyền năng, những phép lạ cả thể không ai làm được chắc chắn sẽ làm cho dân chúng mê mẩn mà đi theo Đức Giê-su và sẵn sàng bỏ rơi các kinh sư và biệt phái. Nhưng Đức Giê-su đã không làm như vậy. Vậy thì lý do nào khiến Đức Giê-su phải đi vào trong cuộc thương khó – tử nạn?

Tất cả chỉ vì tình yêu mà thôi ! 

Những gì chúng ta vừa suy gẫm ở trên cho thấy những quyền lực chính trị và tôn giáo không có khả năng để tiêu diệt được Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, nếu như Đức Giê-su không tự nguyện hiến thân chịu chết vì chúng ta, cho chúng ta và để cứu độ chúng ta. Chính Đức Giê-su đã khẳng định :“không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy” (Ga 15,13-14).Thánh Phao lô cũng đã xác quyết rõ ràng : “Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta; Ngài đã sống lại để chúng ta được nên công chính“(1Cr 15,3-4; Rm4,25). Và : “Vì Ngài đã yêu thương chúng ta; Ngài đã yêu thương chúng ta, và vì thế đã nộp mình vì chúng ta” (Ep 5 ,2); “Ngài đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl2,20); “Ngài yêu thương Hội thánh và hiến mạng vì Hội thánh” (Ep 5, 25). Còn thánh Gioan Tông đồ thì nói rõ rằng : “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1). Đối diện với cái chết tất tưởi của Đức Giê-su trên thập giá, Gioan đã thốt lên rằng : “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian dường ấy” (Ga 3,16). Tắt một lời : Đức Giê-su chịu thương khó và tử nạn như vậy là vì yêu thương chúng ta và là để cứu độ chúng ta. Không ai có quyền bắt Đức Giê-su phải hiến dâng mạng sống cho chúng ta. Chỉ vì yêu mà Ngài đã tự nguyện, tự quyết hiến dâng thân mình Ngài để làm giá chuộc muôn người. Tình yêu là như thế đó. Ngoài trừ tình yêu vô vị lợi, tình yêu tự nguyện, tự hiến của Đức Giê-su dành cho nhân loại tội lỗi khốn cùng này, chúng ta không thể tìm được một lý do nào xác đáng hơn nữa để có thể giải thích tại sao Đức Giê-su Ki-tô đã phải chịu thương khó và tử nạn như vậy. Còn cuộc thương khó và tử nạn của Ngài có chạm đến tâm thức, cõi lòng, tư tưởng, con người và cuộc sống của tôi và của những người khác hay không thì hãy để cho mỗi người được thưa lên với Đức Giê-su.

Cầu nguyện với Chúa Giê-su !

Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa chấp nhận bước vào cuộc khổ nạn như vậy cũng chỉ vì yêu thương chúng con và muốn minh chứng tình thương của Thiên Chúa dành cho chúng con. Chúa còn dùng cuộc thương khó và tử nạn này để mở ra một con đường cứu độ cho toàn thể nhân loại này : Đó chính là con đường tự nguyện hiến dâng chính mình cho người mình yêu. Vâng chỉ có con đường này và chính Chúa đã đi trên con đường này để cứu độ chúng con. Chúng con xin hết lòng cảm tạ tri ân Chúa. Xin Chúa cho chúng con chạm đến tình yêu của Chúa, để tình yêu đó hoán cải và biến đổi mỗi người chúng con trở nên chứng nhân và hiện thân của chính một Thiên Chúa tình yêu giữa lòng thế giới hôm nay và mãi mãi. Amen.

Bài đọc thêm: Tình yêu là như thế đó !

Lm. Gioan Lưu Ngọc Quỳnh, CSsR

Nguồn : svconggiao

Bình luận
error: Content is protected !!